Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Triển vọng khôi phục thoả thuận hạt nhân Iran vẫn còn mờ nhạt

Thứ Tư, 17/08/2022 16:53 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Ngày 16/8, báo chí nước ngoài đưa tin về việc Iran đã phản hồi dự thảo văn bản cuối cùng do Liên minh châu Âu (EU) đưa ra nhằm khôi phục bản thỏa thuận hạt nhân 2015. Tuy nhiên, ngay cả khi triển vọng cứu vãn thỏa thuận đã hé mở, thì kết quả vẫn còn mờ nhạt do những bất đồng chưa thể thu hẹp giữa các bên quan.

Cờ Iran treo tại nhà máy điện hạt nhân Bushehr của nước này. Ảnh: AFP 

Sau các vòng đàm phán gián tiếp kéo dài giữa Iran và Mỹ, dưới vai trò hậu thuẫn của EU, một quan chức cấp cao của EU vào tuần trước cho biết liên minh này đã đưa ra một “đề xuất cuối cùng” và hy vọng sẽ nhận được phản hồi từ Iran trong một vài tuần tới. Cũng vào thời điểm đó, các nhà đàm phán Iran khẳng định nước này cần đánh giá và cân nhắc thêm văn bản đề xuất của EU và sẽ đưa ra ý kiến sau.

Hãng thông tấn nhà nước Iran, ngày 16/8 cho biết nước này đã phản hồi trước các đề xuất của EU. Tehran khẳng định Mỹ đã thể hiện “lập trường linh hoạt” đối với 2 trong số 3 điểm khác biệt còn tồn tại giữa đôi bên. Tuy nhiên, đồng thuận mới chỉ được thể hiện bằng miệng và Iran muốn nội dung này sẽ được đưa ra bằng văn bản.

Về phía Ngoại trưởng Iran Hossein Amirabdollahian cũng khẳng định, việc giải quyết 3 vấn đề còn tồn tại nói trên sẽ giúp các bên tiến tới thỏa thuận trong những ngày tới. Thông điệp này từ ông Amirabdollahian cho thấy Iran đang để ngỏ nhiều giải pháp và việc nước này phản hồi trước đề xuất của EU không phải là “sự chấp thuận hay từ chối cuối cùng”.

"Chúng tôi đã nói với họ rằng lằn ranh đỏ của chúng tôi cần được tôn trọng ... Chúng tôi đã thể hiện đủ sự linh hoạt ... Chúng tôi không muốn đạt được một thỏa thuận mà tới tận sau 40 ngày,  hay thậm chí là 2 hoặc 3 tháng sau vẫn chưa thành hiện thực” - Ngoại trưởng Iran nhấn mạnh.

Trong khi đó, Mỹ khẳng định triển vọng khôi phục bản thỏa thuận hạt nhân chỉ có thể được hiện thực hóa nếu như Iran từ bỏ các yêu sách thái quá, ám chỉ đến hai đề xuất của Iran gồm cơ quan giám sát hạt nhân của Liên hợp quốc khép lại cuộc điều tra về cáo buộc liên quan tới hoạt động làm giàu uranium của Iran và đưa Lực lượng Vệ binh Cách mạng hồi giáo Iran ra khỏi danh sách khủng bố của Mỹ.

Việc Iran đưa ra hồi đáp trước đề xuất của EU được coi là một bước đi quan trọng hướng tới việc khôi phục bản thỏa thuận hạt nhân lịch sử. Tuy nhiên, ngay cả khi có khước từ đề xuất của EU thì dù là Mỹ hay Iran cũng khó có thể tuyên bố khai tử thỏa thuận hạt nhân 2015 bởi điều này liên quan tới cả lợi ích của cả đôi bên.

Trong thông điệp mới đưa ra, ông Amirabdollahian khẳng định "những ngày sắp tới rất quan trọng" và "cũng sẽ không phải là ngày tận thế nếu họ (Mỹ) không thể hiện được sự linh hoạt ... Bởi sau đó, chúng tôi sẽ cần nhiều nỗ lực và đàm phán hơn để giải quyết các vấn đề còn lại.

“Cũng giống như Washington, chúng tôi có kế hoạch B nếu đàm phán thất bại” – Ngoại trưởng Iran nói.

Tháng 7/2015, Iran và nhóm P5+1 (gồm: Mỹ, Nga, Trung Quốc, Pháp, Anh và Đức) đã ký JCPOA, nhất trí rằng Iran cần hạn chế các hoạt động phát triển hạt nhân để đổi lấy việc nới lỏng các lệnh trừng phạt từ các nước phương Tây. Tuy nhiên, vào năm 2018, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đơn phương rút khỏi thỏa thuận vì cho rằng văn bản này là quá “nhẹ nhàng” đối với Iran, mở đường cho việc khôi phục trở lại các biện pháp trừng phạt hà khắc nhằm vào nước Cộng hòa Hồi giáo.

Đến tháng 3/2022, triển vọng khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran đã hé lộ do những tiến bộ đạt được trong tiến trình đàm phán gián tiếp kéo dài 11 tháng giữa Iran và Mỹ diễn ra ở Vienna (Áo). Yếu tố rào cản chính trong đàm phán là việc Iran mong muốn Mỹ sẽ đưa ra bảo đảm rằng sẽ không có Tổng thống nào từ bỏ thỏa thuận (tương tự ông D.Trump đã từng làm). Tuy nhiên, chính quyền Tổng thống Mỹ đương nhiệm J.Biden lại không thể cam kết điều này do việc đạt được thỏa thuận hạt nhân chỉ là một sự hiểu biết chính trị không ràng buộc chứ không phải một hiệp ước mang tính ràng buộc về mặt pháp lý./.

Thu Lan (Theo France24/Reuters, NHK)

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN