Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Triển khai thực hiện kế hoạch Lễ hội Nho và Vang Ninh Thuận năm 2023

Thứ Ba, 28/03/2023 17:54 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Ngày 27/3, UBND Ninh Thuận đã có buổi làm việc với các sở, ngành, đơn vị liên quan về triển khai thực hiện kế hoạch Lễ hội Nho và Vang Ninh Thuận năm 2023 và đón nhận Bằng công nhận của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp”.

Lễ hội Nho và Vang Ninh Thuận dự kiến thu hút hàng trăm ngàn người tham dự  (Nguồn ảnh: báo Hà Tĩnh)

Theo đó, Lễ hội Nho và Vang Ninh Thuận năm 2023 và đón nhận Bằng công nhận của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp sẽ được tổ chức từ ngày 13 đến 18/6/2023. Sự kiện với hàng loạt hoạt động thu hút như: Hội chợ Công Thương khu vực Nam Trung Bộ - Ninh Thuận năm 2023; Lễ hội Ẩm thực với chủ đề: “Hương vị ẩm thực Ninh Thuận”; Chương trình biểu diễn nghệ thuật đường phố; Hội thảo phát triển giá trị cây nho và sản phẩm từ nho; Hội thảo bảo tồn và phát huy giá trị “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm”; Hoạt động tham quan trải nghiệm vườn nho, làng gốm Bàu Trúc và hành trình khám phá Khu dự trữ sinh quyển thế giới Núi Chúa; Tổ chức thi giàn nho đẹp; Giải đua xe đạp đường trường Ninh Thuận – Bình Thuận; Giải đua xe ô tô – mô tô địa hình trên cát… Bên cạnh đó, các huyện, thành phố sẽ tổ chức nhiều hoạt động, sự kiện về văn hoá, thể thao và du lịch gắn với đặc trưng của từng địa phương.

 Gốm Chăm được làm thủ công hoàn toàn theo cách truyền thống và được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác -(Nguồn ảnh: ninhphuoc.ninhthuan.gov.vn).

Đặc biệt trong dịp này, UBND tỉnh Ninh Thuận sẽ tổ chức công bố Bằng công nhận của UNECO ghi danh “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp”.

Nghề làm gốm của người Chăm được làm bằng tay, không có bàn xoay, có sử dụng bàn đạp bằng tay, hòn kê, kỹ thuật chải, miết láng và nung ngoài trời. Đã qua hàng trăm năm nhưng đồng bào Chăm vẫn giữ được hồn tinh túy và vẻ đẹp hoang sơ của gốm cổ.

Việc được UNECO ghi danh sẽ góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các chính quyền, đoàn thể cùng các ban, ngành trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị Di sản văn hóa phi vật thể “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm”.

KC

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN