Triển khai thực hiện Đề án bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mường và nền “Văn hóa Hòa Bình”
(ĐCSVN) - Tỉnh Hòa Bình vưa ra quyết định thành lập Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mường và nền "Văn hóa Hòa Bình” giai đoạn 2023 - 2030.
Theo báo cáo của Sở VH-TT&DL, ngày 17/1/2024, tỉnh Hoà Bình đã tổ chức hội nghị tuyên truyền, phổ biến triển khai thực hiện Đề án. Ngay sau khi ban hành Đề án, Sở VH-TT&DL đã phối hợp với Báo Hòa Bình, Đài PT&TH tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giới thiệu về mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm của Đề án; các giá trị văn hóa dân tộc Mường và nền "Văn hóa Hòa Bình”.
Triển khai thực hiện Đề án bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mường và nền “Văn hóa Hòa Bình”. |
Sau khi Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình ban hành Đề án bảo tồn, đến nay đã có 10 huyện, thành phố xây dựng và ban hành kế hoạch triển khai thực hiện: Chuẩn bị đầu tư xây dựng khu Bảo tồn không gian văn hóa dân tộc Mường gắn với phát triển du lịch tại huyện Tân Lạc. Bảo tàng tỉnh đã phục chế được 9/74 trống đồng có giá trị tại Bảo tàng tỉnh để bảo quản và phục vụ trưng bày giới thiệu về di sản trống đồng của Hòa Bình. Phối hợp Viện Âm nhạc hoàn thiện bộ Hồ sơ khoa học di sản văn hóa Mo Mường trình Thủ tướng Chính phủ đệ trình tổ chức UNESCO ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp…
Việc triển khai Đề án bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mường và nền “Văn hóa Hòa Bình” giai đoạn 2023-2030 dựa trên 3 quan điểm: Coi trọng, giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hóa, dưới sự quản lý của chính quyền, nhân dân là chủ thể thực hiện; Phải bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mường phải gắn với xóa bỏ những hủ tục lạc hậu, phát huy những giá trị tốt đẹp, đặc sắc, gắn với xây dựng văn hóa Mường, con người Mường, giáo dục đạo đức, lối sống tốt đẹp cho thế hệ trẻ; Coi giá trị văn hóa dân tộc là nền tảng tinh thần, là động lực phát triển kinh tế do đó phải bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mường phù hợp với thời đại, với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội địa phương.
Công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa (DSVH) vật thể, phi vật thể dân tộc Mường được quan tâm. Trong đó đang triển khai công tác đầu tư xây dựng Quy hoạch xây dựng các hạng mục trong khu bảo tồn không gian văn hóa dân tộc Mường gắn với phát triển du lịch tại xã Phong Phú, huyện Tân Lạc. Phối hợp với Viện Âm nhạc và các tỉnh, thành phố đã hoàn thiện bộ hồ sơ khoa học di sản văn hoá Mo Mường trình Thủ tướng Chính phủ đệ trình tổ chức UNESCO ghi danh vào danh sách di sản văn hoá phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Tiến hành kiểm kê, sưu tầm di sản văn hoá phi vật thể của dân tộc Mường. Về bảo tồn và phát huy nền "Văn hóa Hòa Bình”, đã hoàn thiện hồ sơ khoa học Di tích hang xóm Trại và Mái đá Làng Vành, huyện Lạc Sơn, trình Chính phủ quyết định xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt theo quy định…
Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mường và nền "Văn hóa Hòa Bình” giai đoạn 2023 - 2030 đã được triển khai thực hiện bài bản. |
Bên cạnh kết quả đạt được, việc tổ chức triển khai thực hiện Đề án còn gặp một số khó khăn, vướng mắc: Một số loại hình di sản văn hoá dân tộc Mường có nguy cơ mai một, thất truyền. Nhiều di sản có giá trị chưa được đầu tư nghiên cứu, sưu tầm, phục dựng, kinh phí hạn hẹp; công tác đầu tư, tuyên truyền, quảng bá nền "Văn hóa Hòa Bình” còn hạn chế… Đồng thời đề xuất xin chủ trương thành lập Trung tâm nghiên cứu về di sản văn hoá dân tộc Mường và nền "Văn hóa Hòa Bình” của tỉnh; chỉ đạo các sở, ngành, huyện, thành phố tham mưu xây dựng, ban hành cơ chế chính sách, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá; đầu tư cho công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mường và nền "Văn hóa Hòa Bình”…
Thực hiện các văn bản chỉ đạo của T.Ư và của tỉnh, Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mường và nền "Văn hóa Hòa Bình” giai đoạn 2023 - 2030 đã được triển khai thực hiện bài bản. Việc thành lập Ban Chỉ đạo Đề án là cần thiết, quan trọng để triển khai thực hiện các phần việc. Xác định quan điểm bảo tồn các giá trị văn hóa để phát triển du lịch. Người dân là chủ thể trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa. Bảo tồn, phát huy các giá trị tốt đẹp, đặc sắc gắn với xóa bỏ các hủ tục lạc hậu. Biến giá trị văn hóa dân tộc Mường và nền "Văn hóa Hòa Bình" trở thành tài sản phát triển; việc đầu tư cần phù hợp với quy hoạch.
Để việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa là nhiệm vụ lâu dài, các thành viên Ban Chỉ đạo, các ngành, huyện, thành phố cần xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện. Trong đó, đẩy nhanh tiến độ xây dựng Khu bảo tồn không gian văn hóa dân tộc Mường gắn với phát triển du lịch tại xã Phong Phú, huyện Tân Lạc. Tập trung xây dựng Di tích quốc gia đặc biệt đối với quần thể hang động và danh lam thắng cảnh chùa Tiên, xã Phú Nghĩa (Lạc Thủy). Các thành viên Ban Chỉ đạo Đề án căn cứ nhiệm vụ được giao tập trung triển khai thực hiện. Các huyện, thành phố thành lập Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện Đề án; các sở, ngành, MTTQ và các đoàn thể xây dựng kế hoạch triển khai Đề án. Việc thành lập Tổ tư vấn lựa chọn các thành viên có chuyên môn sâu, kinh nghiệm ở cả T.Ư và địa phương, nghệ nhân, người có uy tín. Tổ giúp việc nắm vững chuyên môn trong công tác tham mưu thực hiện Đề án. Có cơ chế, chính sách phù hợp đầu tư triển khai thực hiện Đề án./.