Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Triển khai quyết liệt các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công

Thứ Năm, 02/06/2022 14:42 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Theo các đại biểu Quốc hội, cần tiếp tục có giải pháp để triển khai quyết liệt việc giải ngân vốn đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo chất lượng các dự án, công trình trọng điểm, quan trọng quốc gia.

Tiếp tục Chương trình làm việc Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV, sáng ngày 02/6, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2021; Tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

Nếu chậm trễ trong triển khai sẽ bỏ lỡ thời điểm vàng

Phát biểu tại phiên họp, các đại biểu ghi nhận kết quả tăng trưởng kinh tế cuối năm 2021 và quý I năm 2022 của đất nước, đồng thời đánh giá cao những quyết sách đúng đắn về chiến lược tiêm vắc xin cho người dân; việc ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19; các gói chính sách phục hồi kinh tế sớm, tạo đà tăng trưởng được trình Quốc hội tại Kỳ họp bất thường; việc mở cửa du lịch, bỏ khai báo y tế người nhập cảnh…

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương) bày tỏ quan ngại về tình hình chậm trễ trong việc triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội

Đại biểu nhấn mạnh, đến nay đã sang tháng 06/2022 mà có rất nhiều nội dung công việc vẫn đang dừng ở việc “sẽ ban hành văn bản”… Đại biểu cho rằng, tính thời điểm của Nghị quyết 43/2022/QH15 có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Nếu chậm trễ trong triển khai thì chúng ta sẽ bỏ lỡ thời điểm vàng để các chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội phát huy hiệu quả cao nhất.

Theo đại biểu, đến thời điểm này, khi các Bộ, ngành còn đang loay hoay với việc rà soát và dự thảo văn bản, thì có những chính sách trong Nghị quyết đã ít nhiều mất đi ý nghĩa.

 Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương). Ảnh: TL.

Trong thời gian tới, đại biểu đề nghị cần tập trung triển khai quyết liệt các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; xác định đây là nhiệm vụ chính trị, trọng tâm, là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá, xếp loại cuối năm với tổ chức, cá nhân, nhất là người đứng đầu. Đồng thời, xây dựng chỉ tiêu định lượng cụ thể về khối lượng công việc cần hoàn thành để làm cơ sở đánh giá chứ không quy định chung chung.

Theo đại biểu Nguyễn Đại Thắng (Đoàn Hưng Yên), nguyên tắc cơ bản của việc điều tiết giá trong nền kinh tế thị trường là đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa, dịch vụ, chương trình phục hồi và phát triển xã hội với quy mô 350.000 tỷ đồng cùng các gói hỗ trợ năm 2021 đang thẩm thấu vào từng lĩnh vực của nền kinh tế, làm cho tổng cầu tăng đột biến. Do vậy, đề nghị Chính phủ tiếp tục có những giải pháp thúc đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh, lưu thông hàng hóa trong nước, tăng cường biện pháp kiểm tra, giám sát, điều hành nguồn cung, vật tư đầu vào, kể cả hàng hóa tiêu dùng ở các vùng miền, giữa các địa phương với nhau, không để bị đứt gãy, đặc biệt chỗ cung ứng của thế giới với Việt Nam, tránh trường hợp đầu cơ, găm hàng tích trữ.

Bên cạnh đó cần tập trung triển khai có hiệu quả, kịp thời Nghị quyết 43 của Quốc hội về chính sách tài khóa tiền tệ, hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội.

Theo đại biểu, chỉ số lạm phát tăng chịu ảnh hưởng lớn tới hiệu quả đầu tư công trong quá trình kích cầu đầu tư. Do vậy, đề nghị Chính phủ tiếp tục có giải pháp để triển khai quyết liệt việc giải ngân vốn đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo chất lượng các dự án, công trình trọng điểm, quan trọng quốc gia.

Đại biểu Hoàng Quốc Khánh (Đoàn Lai Châu) nêu thực trạng, việc triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia đến nay đã hơn 1 năm mới phân bổ nguồn vốn nhưng còn thiếu rất nhiều văn bản hướng dẫn của các Bộ, ngành Trung ương. Việc triển khai Chương trình phục hồi kinh tế được Quốc hội quyết định thực hiện trong 2 năm, đến nay tiến độ xây dựng, ban hành các văn bản để thực hiện chương trình này còn chậm, hoạt động của doanh nghiệp khó khăn trong 4 tháng đầu năm nay, rất nhiều doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ tạm ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh chờ làm thủ tục giải thể hoặc đã giải thể tăng cao so với năm 2021.

Để thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp về phát triển kinh tế - xã hội được Chính phủ đề ra, đại biểu Hoàng Quốc Khánh đề xuất với Quốc hội, Chính phủ cần đánh giá và dự báo tình hình thận trọng, chính xác, nhận diện đúng tình hình để có kế hoạch ứng phó phù hợp. Đề nghị Chính phủ đặc biệt quan tâm đến vấn đề lạm phát và có giải pháp phù hợp, kể cả biện pháp tiếp tục giảm thuế để giảm giá các mặt hàng thiết yếu trong nước, nhất là giá phân bón, thức ăn chăn nuôi, hỗ trợ người dân tiếp tục phát triển sản xuất, tăng thu nhập.

Ưu tiên tập trung nguồn lực thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia

Đại biểu Hoàng Thị Đôi (Đoàn Sơn La) chỉ ra, đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2021, có 5 chỉ tiêu kinh tế xã hội quan trọng không đạt mục tiêu đề ra, trong đó có chỉ tiêu tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều. Điều này đặt yêu cầu quan tâm toàn diện hơn đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Do đó, đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ phải quyết liệt ưu tiên tập trung các nguồn lực ban hành kịp thời các quy định, hướng dẫn để triển khai thực hiện có hiệu quả 3 Chương trình mục tiêu quốc gia mà Quốc hội đã thông qua. Đó là Chương trình mục tiêu phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

“Đây là các chương trình mà đồng bào, cử tri và nhân dân cả nước đang rất kỳ vọng. Mặc dù thời gian qua, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã rất nỗ lực triển khai 3 chương trình nhưng việc phân bổ nguồn vốn để thực hiện còn chậm”, đại biểu nói.

Đại biểu Trần Thị Hoa Ry (Đoàn Bạc Liêu) cũng đề nghị báo cáo tập trung đánh giá về kết quả thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, phân tích thêm về những tác động của đại dịch đến đời sống kinh tế xã hội nói chung cũng như vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng để trên cơ sở đó có những chính sách phù hợp trong thời gian tới.

Cần rà soát lại quy định của Luật Đầu tư công cũng như pháp luật liên quan

Tham gia giải trình tại phiên họp, liên quan đến giải ngân vốn đầu tư công, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định, trong nhiều năm qua Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã chỉ đạo xây dựng các Luật, ban hành cơ chế, chính sách, quy định liên quan nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý; tạo nhiều đổi mới quan trọng, căn bản trong lĩnh vực đầu tư công.

  Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng giải trình trước Quốc hội. Ảnh: TL.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, lĩnh vực đầu tư công bị chi phối bởi không chỉ Luật Đầu tư công mà còn nhiều luật khác như Luật Xây dựng, Luật Đất đai, Luật Đấu thầu…

"Trong cùng một lúc chúng ta phải tuân thủ thực hiện tất cả các luật đó, mà các khâu trong một quy trình đó không được làm trước, phải xong cái này mới được làm cái kia, thế nên mỗi một khâu theo từng luật đó phải trải qua các công đoạn và mất rất nhiều thời gian như vậy", Bộ trưởng chia sẻ.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong thời gian tới giải pháp căn cơ là phải rà soát lại quy định của Luật Đầu tư công cũng như các quy định của các pháp luật khác liên quan, chứ không phải là chỉ Luật Đầu tư công, “chúng ta không thể giải quyết ngày một, ngày hai vấn đề này”

Về điều hành, Bộ trưởng khẳng định Chính phủ đang rất quyết liệt chỉ đạo điều hành với rất nhiều các giải pháp.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng bày tỏ hy vọng sẽ đạt được các kết quả cao hơn và tích cực hơn trong thời gian tới và mong các đại biểu Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội tăng cường công tác giám sát ở các bộ, các ngành cũng như ở các địa phương của mình, để làm sao giúp cùng với Chính phủ trong việc đôn đốc, kiểm tra, thúc đẩy giải ngân ở các bộ, ngành và địa phương.../.

Nhóm PV

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN