Triển khai phương án phát triển cụm công nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2030
(ĐCSVN) - Thừa Thiên Huế hướng đến mục tiêu xây dựng các cụm công nghiệp cơ bản đồng bộ về hệ thống hạ tầng kỹ thuật, phát huy được tiềm năng, lợi thế và nguồn lực của địa phương, tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và phát triển công nghiệp nông thôn.
UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa ban hành Kế hoạch số 240/KH-UBND về triển khai phương án phát triển cụm công nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2030.
Thừa Thiên Huế hướng đến mục tiêu xây dựng các cụm công nghiệp cơ bản đồng bộ về hệ thống hạ tầng kỹ thuật, phát huy được tiềm năng, lợi thế và nguồn lực của địa phương (Ảnh minh họa: B.T). |
Kế hoạch hướng đến mục tiêu xây dựng các cụm công nghiệp cơ bản đồng bộ về hệ thống hạ tầng kỹ thuật, phát huy được tiềm năng, lợi thế và nguồn lực của địa phương, tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và phát triển công nghiệp nông thôn. Huy động các nguồn vốn hỗ trợ đầu tư hạ tầng từ các chương trình, kế hoạch của các Bộ, ngành Trung ương và các tổ chức trong và ngoài nước; thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư từ mọi thành phần kinh tế, nhất là kinh tế tư nhân cho phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp.
Cụ thể, Thừa Thiên Huế phấn đấu tiếp tục đầu tư hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật 5 cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động, đảm bảo tuân thủ quy hoạch chi tiết đã được phê duyệt; hoàn thiện các thủ tục, khởi công xây dựng hạ tầng kỹ thuật 2 cụm công nghiệp đã được thành lập. Đồng thời, đầu tư thành lập, mở rộng 20 cụm công nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu mặt bằng phục vụ thu hút đầu tư, di dời các cơ sở sản xuất vào cụm công nghiệp đảm bảo khả thi, hiệu quả sử dụng đất; 100% cụm công nghiệp được đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật.
Theo Kế hoạch, địa phương sẽ rà soát phương án phát triển cụm công nghiệp tỉnh. Trong đó, tổ chức rà soát lại Phương án phát triển cụm công nghiệp trong kỳ quy hoạch, đảm bảo đầy đủ thông tin đối với từng cụm công nghiệp (gồm tên gọi, vị trí, diện tích, ngành nghề hoạt động, tiến độ đầu tư hạ tầng kỹ thuật); đảm bảo tính khả thi, đồng bộ, thống nhất và không chồng lấn với các quy hoạch khác trên địa bàn. Rà soát, đánh giá hiện trạng đầu tư hạ tầng kỹ thuật; thu hút đầu tư, tỷ lệ lấp đầy, tình hình sản xuất kinh doanh, hiệu quả kinh tế - xã hội của các cụm công nghiệp đã quy hoạch; đề xuất điều chỉnh Phương án phát triển cụm công nghiệp phù hợp với tình hình thực tế của địa phương và quy định của pháp luật.
Cùng với đó, hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển cụm công nghiệp. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư nhằm thu hút các thành phần kinh tế vào đầu tư kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp, đầu tư sản xuất kinh doanh trong cụm công nghiệp. Đánh giá tình hình thực hiện chính sách hỗ trợ di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp vào cụm công nghiệp; tham mưu sửa đổi, bổ sung phù hợp với thực tiễn. Đồng thời, ban hành Quy chế phối hợp quản lý cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh phù hợp với quy định tại Nghị định số 32/2024/NĐ-CP ngày 15/3/2024 của Chính phủ về quản lý, phát triển cụm công nghiệp.
Đáng chú ý, theo kế hoạch, Thừa Thiên Huế sẽ đầu tư xây dựng hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động. Khuyến khích các cụm công nghiệp do đơn vị sự nghiệp công lập quản lý và tổ chức đầu tư xây dựng chuyển sang giao cho doanh nghiệp, hợp tác xã được lựa chọn làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp để quản lý, sửa chữa và vận hành phục vụ hoạt động chung của cụm công nghiệp. Quan tâm bố trí nguồn ngân sách địa phương để đầu tư xây dựng hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động đảm bảo tuân thủ quy hoạch chi tiết đã được phê duyệt; 100% các cụm công nghiệp có công trình xử lý nước thải tập trung,…
Thừa Thiên Huế sẽ tổ chức rà soát lại phương án phát triển cụm công nghiệp trong kỳ quy hoạch, đảm bảo đầy đủ thông tin đối với từng cụm công nghiệp (Ảnh minh họa: B.T) |
Nhằm triển khai được các nội dung trên, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đề nghị Sở Công Thương rà soát lại Phương án phát triển cụm công nghiệp trong kỳ quy hoạch, đảm bảo đầy đủ thông tin đối với từng cụm công nghiệp (gồm tên gọi, vị trí, diện tích, ngành nghề hoạt động, tiến độ đầu tư hạ tầng kỹ thuật); đảm bảo tính khả thi, đồng bộ, thống nhất và không chồng lấn với các quy hoạch khác trên địa bàn. Chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp huyện và các đơn vị liên quan đánh giá tình hình thực hiện chính sách hỗ trợ di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp vào cụm công nghiệp; tham mưu sửa đổi, bổ sung phù hợp với thực tiễn.
Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu bố trí ngân sách để hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật. Phối hợp với Sở Công Thương rà soát lại Phương án phát triển cụm công nghiệp trong kỳ quy hoạch đảm bảo đầy đủ thông tin đối với từng cụm công nghiệp; tham mưu điều chỉnh Phương án phát triển cụm công nghiệp tỉnh theo quy định của pháp luật về quy hoạch.
Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh và hướng dẫn Ủy ban nhân dân cấp huyện, các chủ đầu tư, các đơn vị liên quan thực hiện các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thủ tục đất đai và môi trường đối với các cụm công nghiệp đang hoạt động do đơn vị sự nghiệp công lập làm chủ đầu tư, các cụm công nghiệp đầu tư thành lập mới, triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, quản lý hoạt động các cụm công nghiệp theo quy định của pháp luật về đất đai và môi trường,…/.