Triển khai ngay dự án đường ven biển giúp ĐBSCL ứng phó biến đổi khí hậu
(ĐCSVN) – Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn trước Quốc hội sáng ngày 12/11, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết: Mục tiêu là phải triển khai ngay các dự án đường ven biển, đường giao thông trọng điểm có tính liên kết vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong giai đoạn 2021-2025 để kịp giúp đồng bằng ứng phó với biến đổi khí hậu.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại phiên chất vấn sáng 12/11. Ảnh: QH |
Chất vấn Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng về đầu tư các dự án đường ven biển, đại biểu Triệu Thị Ngọc Diễm (Sóc Trăng) cho biết: Việc đầu tư cho các dự án đường ven biển, đường giao thông trọng điểm có tính liên kết vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với kinh tế - xã hội quốc phòng an ninh và thích ứng với biến đổi khí hậu.
“Qua việc tiếp thu, trả lời của Bộ trưởng đối với ý kiến của đại biểu Nguyễn Tuấn Anh (Long An), việc vay ODA 2 tỷ USD theo tinh thần Chỉ thị 23 bằng thủ tục của Chính phủ Việt Nam và nhà tài trợ chắc sẽ mất khá nhiều thời gian. Bộ trưởng có giải pháp gì đối với gói vay này để hỗ trợ cho Đồng bằng sông Cửu Long theo hướng giảm bớt thủ tục để đẩy nhanh tốc độ giải ngân, đảm bảo tiến độ các công trình dự án giúp đồng bằng nắm bắt cơ hội phát triển bền vững?”, đại biểu chất vấn.
Giải đáp câu hỏi này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết: Dự án 2 tỷ USD hỗ trợ cho Đồng bằng sông Cửu Long là dự án ODA nên không chỉ thực hiện một quy trình, thủ tục theo quy định của luật trong nước mà còn phụ thuộc và phải thực hiện một quy trình, thủ tục của nước ngoài nên sẽ mất thời gian hơn.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng cho hay, nếu chúng ta không làm nhanh quy hoạch, không làm nhanh các dự án theo thủ tục rút gọn hay quy trình đặc biệt thì chắc chắn sẽ khó triển khai trong giai đoạn 2021-2025. “Do vậy, chúng tôi ghi nhận ý kiến này và sẽ cùng với các bộ, ngành nghiên cứu để hài hòa hóa thủ tục trong nước và nước ngoài, làm sao đảm bảo được quy định nhưng rút ngắn thời gian và mục tiêu là phải triển khai ngay trong giai đoạn 2021-2025 để kịp giúp cho Đồng bằng sông Cửu Long ứng phó với biến đổi khí hậu”, Bộ trưởng nêu rõ.
Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN. |
Liên quan về gói đầu tư 2 tỷ USD cho mục tiêu phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long, tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, khoản này do Ngân hàng Thế giới cam kết với Chính phủ Việt Nam. Số tiền này không phải ngân sách vay để thực hiện bù bội chi ngân sách mà cho vay để đầu tư dự án.
“Muốn đầu tư dự án thì phải có quy hoạch được phê duyệt; khi đó mới lập được dự án, mới tiếp cận được khoản vay, từ đó mới ký được hiệp định. Do đó, dự án này phải được lập trong tình trạng khẩn cấp, báo cáo kịp thời với cấp có thẩm quyền, khi đó mới giải ngân được sớm”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc phát biểu.
Trả lời ý kiến của đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà (Hà Nội) về môi trường đầu tư kinh doanh hiện nay, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chia sẻ: “Đúng là về môi trường đầu tư kinh doanh có nhiều vấn đề và chúng ta đã có một bước tiến hết sức quan trọng là được cộng đồng trong nước, quốc tế đánh giá cao và các thăng hạng, thang bậc của chúng ta trên các bảng xếp hạng quốc tế liên tục tăng cao trong những năm vừa qua. Chúng ta có Nghị quyết 02 trước đây và bây giờ gọi là Nghị quyết 19 về cải cách thủ tục hành chính, môi trường đầu tư và nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế. Năm nào chúng ta cũng có một nghị quyết như vậy, có đầy đủ các hệ thống, giải pháp trong đó và chúng ta tổ chức triển khai thực hiện việc đó đã mang lại những kết quả hết sức tích cực”.
Tuy nhiên, cũng theo Bộ trưởng còn có những vấn đề cần phải rà soát, cần phải điều chỉnh để làm sao có môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi hơn, an toàn hơn và hấp dẫn hơn; tạo sự yên tâm cho các nhà đầu tư trong nước cũng như nước ngoài tham gia; nhất là hệ thống pháp luật, thủ tục hành chính, các điều kiện về đất đai, mặt bằng, hạ tầng, nhân lực.
“Nếu chúng ta chuẩn bị không tốt môi trường, thái độ thân thiện của địa phương đối với các nhà đầu tư nếu không tốt thì môi trường đầu tư chắc chắn cũng sẽ không tốt và người ta sẽ đi địa phương khác hoặc đi nước khác. Điều đó là đúng nên chúng ta phải tăng cường hợp tác hơn trong thời gian tới”, Bộ trưởng cho biết./.