Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Triển khai mạnh mẽ tiêm chủng vaccine COVID-19 cho trẻ

Thứ Hai, 08/11/2021 22:25 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - TS Saad Omer, nhà dịch tễ học về bệnh truyền nhiễm và Giám đốc của Viện Y tế toàn cầu thuộc Trường ĐH Yale cho rằng: "Chúng ta không thể thoát khỏi đại dịch này nếu không tiêm phòng cho trẻ em vì lợi ích của trẻ em lẫn lợi ích của việc bảo vệ tổng thể".

Tổ chức phân tích dữ liệu Kaiser Family Foundation (Mỹ) cho hay chỉ 1/3 bậc cha mẹ (có con từ 5-11 tuổi) được khảo sát có kế hoạch tiêm chủng cho con mình ngay khi có vaccine.

Bé Lydia Melo, 7 tuổi, được tiêm thử nghiệm vắc-xin Pfizer phiên bản 10 microgram tại Trường ĐH Duke ở TP Durham, bang Bắc Carolina - Mỹ. 

TS Saad Omer, nhà dịch tễ học về bệnh truyền nhiễm và Giám đốc của Viện Y tế toàn cầu thuộc Trường ĐH Yale cho biết, tiêm chủng cho mọi lứa tuổi là một phần quan trọng để chấm dứt đại dịch COVID-19. "Chúng ta không thể thoát khỏi đại dịch này nếu không tiêm phòng cho trẻ em vì lợi ích của trẻ em lẫn lợi ích của việc bảo vệ tổng thể" - TS Omer nói. 

Bà Syra Madad, nhà dịch tễ học về bệnh truyền nhiễm người Mỹ, lý giải các trường hợp mắc COVID-19 mới ở nhiều khu vực của Mỹ đang có xu hướng giảm và điều đó khiến các gia đình có cảm giác sai lầm rằng việc tiêm phòng cho trẻ là không cần thiết. Tuy nhiên, bà Madad cho đó lại là thời điểm tốt nhất để tiêm phòng vì vaccine có thể ngăn các làn sóng ca mắc mới.

Theo chuyên gia này, hiện các dấu hiệu mới cho thấy Mỹ có thể chứng kiến một đợt bùng dịch khác. Hơn một nửa dân số Mỹ đã được tiêm chủng đầy đủ nhưng vẫn chưa đủ để ngăn dịch bệnh bùng phát trong tương lai. Bất kỳ cộng đồng nào ở trong nước hay nước ngoài có tỉ lệ tiêm chủng thấp đều có nguy cơ góp phần vào sự xuất hiện của các biến thể mới nghiêm trọng hơn.

Theo tờ Guardian, tại Mỹ đã xuất hiện nhiều thông điệp hỗn loạn từ các nhà lãnh đạo y tế công về mức độ ảnh hưởng của dịch COVID-19 lên trẻ em và liệu trẻ nhỏ có cần tiêm vaccine hay không. Bên cạnh đó, TS Omer nhận định tình trạng nhiều phụ huynh nhận được các thông điệp trái chiều đã làm giảm niềm tin và gây thêm sự nhầm lẫn về hiệu quả vaccine.

Theo hãng tin Reuters, nhóm cố vấn của FDA dự kiến nhóm họp vào ngày 26/10 để thảo luận về việc tiêm 2 liều vắc-xin Pfizer-BioNTech cho trẻ em từ 5-11 tuổi. Các cố vấn của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ sau đó sẽ cân nhắc ra quyết định về việc tiêm vắc-xin cho trẻ tại cuộc họp ngày 2 và 3/11. Đồng thời, các cuộc thử nghiệm riêng biệt về hiệu quả của vắc-xin cũng đang được tiến hành trên nhóm trẻ dưới 5 tuổi và kết quả có thể được công bố vào cuối năm nay.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và CDC Hoa Kỳ nhấn mạnh về ý nghĩa của vắc xin COVID-19 cho trẻ em khi góp phần gia tăng tỷ lệ bao phủ miễn dịch cộng đồng, tiến tới khống chế đại dịch trong tương lai.

Tại Việt Nam, Bộ Y tế đã có văn bản số 8688/BYT-DP, ngày 14/10/2021 về việc hướng dẫn tiêm phòng vắc xin COVID-19 cho trẻ em từ 12-17 tuổi theo lộ trình từ lứa tuổi cao đến thấp, tiêm trước cho lứa tuổi từ 16 - 17 tuổi và hạ dần độ tuổi, phụ thuộc tiến độ cung ứng vắc xin và tình hình dịch tại địa phương.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong số các ca COVID-19 ghi nhận tại Việt Nam, tỷ lệ mắc của nhóm 0-2 tuổi là 2,5%; 3-12 tuổi là 8,9%; 13-17 là 5,7%. Tỷ lệ tử vong ở nhóm 0-2 tuổi là 0,19%; 3-12 tuổi là 0,06%; từ 13-17 tuổi là 0,09%. Có thể thấy, mặc dù ít bị mắc COVID-19 hơn so với người lớn nhưng trẻ em vẫn có thể mắc và lây bệnh cho người khác.

Chia sẻ về vấn đề tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ nhỏ, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp các sự kiện y tế công cộng cho biết: Việt Nam cần phải tiếp tục đẩy mạnh tốc độ tiêm chủng mạnh mẽ, để sớm đạt được 70% dân số tiêm vắc xin. Đặc biệt, phải triển khai tiêm chủng cho cả trẻ em, chỉ khi đó, chúng ta sẽ tiến tới đạt miễn dịch cộng đồng. “Hiện nay, thế giới đã có nhiều loại vắc xin tiêm được cho trẻ em. Thủ tướng cũng đã có chỉ đạo khẩn trương tiêm cho trẻ em, vì vậy tôi cho rằng, việc tiêm vắc xin cho trẻ em sớm được triển khai”, PGS. TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh./.

TL

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN