Triển khai đồng bộ các giải pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông
(ĐCSVN) – Nhằm đảm bảo an toàn giao thông trên địa bàn, nhiều địa phương đã tăng cường tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện và xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông; kiểm tra, quản lý hoạt động kinh doanh vận chuyển, đưa đón học sinh bảo đảm an toàn; kiên quyết xử lý vi phạm về nồng độ cồn…
Ảnh minh họa. Nguồn: Thành Quảng |
Tỉnh Bình Phước triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm giảm tai nạn giao thông, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành; các đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức tuyên truyền, quán triệt đến toàn thể cán bộ thuộc phạm vi quản lý gương mẫu chấp hành nghiêm quy định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông, nhất là phòng, chống tác hại của rượu, bia khi tham gia giao thông, với phương châm “đã uống rượu, bia không điều khiển phương tiện giao thông”.
Bên cạnh việc bị xử lý vi phạm về mặt hành chính, tỉnh xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của Đảng, Nhà nước, quy chế, nội quy của cơ quan, đơn vị, địa phương. Tỉnh xem xét, xử lý nghiêm trách nhiệm liên đới của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương nếu có cán bộ thuộc thẩm quyền quản lý vi phạm pháp luật về nồng độ cồn khi tham gia giao thông mà không kịp thời chỉ đạo xử lý, hoặc xử lý không nghiêm túc.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai một số nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm nhằm ngăn chặn, giảm thiểu tai nạn giao thông liên quan đến lứa tuổi học sinh trên địa bàn tỉnh.
Địa phương tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông trong các cơ sở giáo dục; phổ biến các kiến thức và kỹ năng tham gia giao thông an toàn cho phụ huynh, học sinh, cán bộ, giáo viên, nhân viên của các trường học. Lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện và xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông; kiểm tra, quản lý hoạt động kinh doanh vận chuyển, đưa đón học sinh bảo đảm an toàn.
Hải Phòng kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư xây dựng bãi đỗ xe
Từ ngày 1/4/2024, thành phố Hải Phòng chính thức cấm đỗ ô tô tại 100 tuyến phố. Từng bước giải quyết vấn đề này phù hợp với thực tế, thành phố đang gấp rút sửa đổi một số quy định và mời chào các doanh nghiệp đầu tư xây dựng các bãi đỗ xe.
Theo Ban An toàn giao thông thành phố Hải Phòng, việc đỗ xe ô tô trên địa bàn thành phố đang có diễn biến rất phức tạp, đặc biệt trong những năm gần đây, số lượng xe ô tô trên địa bàn thành phố tăng trung bình từ 8 - 10%/năm. Toàn thành phố hiện có trên 242.000 xe ô tô, trong đó hơn 16.000 xe đầu kéo, gần 19.000 xe rơ moóc, hơn 91.000 xe tải, hơn 7.000 xe khách và gần 117.000 xe ô tô dưới 9 chỗ.
Tính riêng trên địa bàn 3 quận trung tâm thành phố (Hồng Bàng, Ngô Quyền và Lê Chân) có trên 25.000 xe ô tô dưới 9 chỗ. Trong khi đó, các bãi đỗ xe, điểm đỗ xe tạm thời trên địa bàn các quận chỉ cung cấp khoảng 6.324 vị trí đỗ xe, đáp ứng 3 - 4% tổng nhu cầu.
Hiện nay, qua khảo sát cho thấy các chủ phương tiện ô tô đỗ xe tùy tiện, chiếm dụng lòng đường, vỉa hè để đỗ xe diễn ra phổ biến, ước tính có hàng nghìn trường hợp vi phạm mỗi ngày. Việc đỗ xe ô tô không đúng quy định là hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ, mức xử phạt tối đa là 1 triệu đồng/trường hợp. Nếu dừng xe, đỗ xe ô tô không đúng quy định gây tai nạn giao thông sẽ xử phạt ở mức cao nhất là 12 triệu đồng/trường hợp, đồng thời tước quyền sử dụng giấy phép lái xe đến 4 tháng. Trong năm 2023, Công an thành phố đã tập trung xử lý vi phạm lỗi phương tiện dừng, đỗ sai quy định gần 10.000 trường hợp.
Theo đánh giá, nguyên nhân chủ yếu do các chủ phương tiện không tự bố trí chỗ đỗ xe, không thuê chỗ đỗ tại các bãi đỗ xe, không chấp hành Luật Giao thông đường bộ trong việc đỗ xe ô tô; quy định mức giá dịch vụ trông giữ xe của thành phố trong những năm qua còn thấp, không khuyến khích và thu hút được nhà đầu tư xây dựng bãi đỗ xe do không đảm bảo được hiệu quả đầu tư.
Ảnh minh họa. Nguồn: Thành Quảng |
Liên quan đến việc phát triển các bãi đỗ xe, UBND thành phố Hải Phòng sẽ ban hành Văn bản hủy bỏ Quyết định số 21/2017/QĐ-UBND ngày 3/11/2017 về giá dịch vụ trông giữ xe trên địa bàn thành phố. Thành phố chỉ quyết định mức giá dịch vụ trông giữ xe đối với các địa điểm trông giữ xe được đầu tư bằng ngân sách thành phố. Các nhà đầu tư xây dựng bãi đỗ xe tự xây dựng mức giá trông giữ xe để đảm bảo hiệu quả kinh doanh khi đầu tư. Thành phố khuyến khích và hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục để các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng bãi đỗ xe và cải tạo các công trình hiện có thành bãi đỗ xe hoặc bổ sung vị trí đỗ xe.
Tiền Giang: Kiên quyết xử lý vi phạm về nồng độ cồn
Theo Ban An toàn giao thông tỉnh Tiền Giang, trong 3 tháng đầu năm 2024, qua công tác tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm theo các chuyên đề, lực lượng Cảnh sát giao thông các cấp trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã phát hiện, xử lý trên 5.400 trường hợp điều khiển phương tiện khi đã sử dụng rượu bia, ma túy; tạm giữ hơn 5.400 phương tiện, phạt tiền hơn 26 tỉ đồng. Số vụ vi phạm quy định về nồng độ cồn tăng hơn 4000 vụ so với cùng kỳ năm 2023.
Đặc biệt, trong đó có 28 cán bộ, công chức, viên chức, người lao động công tác ở các sở, ban, ngành cấp huyện và tỉnh, bệnh viện, trường học… trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, Công an tỉnh Tiền Giang cũng gửi xác minh đối với một số trường hợp vi phạm nồng độ cồn nhưng hiện nay chưa nhận được thông tin.
Ông Nguyễn Văn Vũ, Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh Tiền Giang cho biết: Nguyên nhân của hiện tượng vi phạm nồng độ cồn tăng cao phần lớn do ý thức chủ quan của một bộ phận người điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông. Mặc dù các ngành chức năng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến cáo về nguy cơ gây ra tai nạn giao thông trong khi điều khiển phương tiện giao thông sau khi uống rượu, bia, nhưng một bộ phận người dân vẫn không chấp hành.
Thượng tá Nguyễn Văn Dũng, Trưởng Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Tiền Giang trao đổi: Thời gian tới, lực lượng Cảnh sát giao thông tiếp tục tăng cường siết chặt kỷ luật, kỷ cương, triển khai có hiệu quả hơn nữa công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông; kiên quyết xử lý nghiêm hành vi vi phạm về nồng độ cồn, nhằm tạo thói quen cho người tham gia giao thông “đã uống rượu, bia không lái xe”. Tập trung xử lý vi phạm nồng độ cồn, yêu cầu phải thực hiện thường xuyên, quyết liệt “không có ngoại lệ”, “không có vùng cấm”.
Trong 3 tháng đầu năm 2024, trên địa bàn tỉnh Tiền Giang xảy ra 83 vụ tai nạn giao thông, làm chết 58 người, bị thương 40 người. So với cùng kỳ năm 2023, số vụ tăng 16,9% (tăng 12 vụ), số người chết tăng 16% (tăng 8 người), số người bị thương giảm 4,7% (giảm 2 người).