Trí tuệ nhân tạo ảnh hưởng đến gần 40% việc làm trên toàn cầu
(ĐCSVN) - Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva nhận định, công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ tác động đến gần 40% tổng số việc làm trên toàn cầu và “có thể sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng”.
Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva. (Ảnh: AFP) |
Trong cuộc trả lời phỏng vấn tại Washington (Mỹ) trước khi lên đường đến Davos (Thụy Sĩ) để tham dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) 2024, bà Georgieva cho biết, về tổng thể, AI sẽ tác động gần 40% việc làm trên toàn cầu và một nửa trong số đó theo hướng tiêu cực trong khi phần còn lại có thể hưởng lợi, được gia tăng năng suất nhờ AI.
“Các nền kinh tế phát triển và một số thị trường mới nổi sẽ chứng kiến 60% việc làm bị ảnh hưởng”, bà Kristalina Georgieva nói, đồng thời cho biết, con số này sau đó sẽ giảm xuống 40% với các thị trường mới nổi, và 26% với các nước có thu nhập thấp.
Bà Kristalina Georgieva cũng nhận định rằng trong hầu hết các kịch bản, AI có thể sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng nói chung.
"Nhiều quốc gia không có cơ sở hạ tầng hoặc lực lượng lao động lành nghề để khai thác lợi ích của AI, làm tăng nguy cơ rằng theo thời gian, công nghệ này có thể làm trầm trọng thêm sự bất bình đẳng giữa các quốc gia".
Tổng Giám đốc IMF cảnh báo, việc sử dụng AI có thể làm tăng nguy cơ bất ổn xã hội, đặc biệt nếu những lao động trẻ hơn, ít kinh nghiệm hơn nắm bắt công nghệ này như cách để giúp tăng sản lượng, trong khi những người lao động lớn tuổi hơn và dễ có khả năng chịu ảnh hưởng tiêu cực lớn hơn từ những thay đổi mà AI mang lại.
"Điều quan trọng là các quốc gia phải thiết lập mạng lưới an toàn xã hội toàn diện và cung cấp các chương trình đào tạo lại cho những người lao động dễ bị tổn thương. Khi làm như vậy, chúng ta có thể làm cho quá trình chuyển đổi AI trở nên toàn diện hơn, bảo vệ sinh kế và hạn chế bất bình đẳng", Tổng Giám đốc IMF cho hay.
Bà Georgieva cho rằng, cần đưa ra các chính sách phù hợp để có thể giúp giải quyết những lo ngại này, trong đó “cần tập trung hỗ trợ các nước có thu nhập thấp để họ có thể nắm bắt được những cơ hội mà AI sẽ mang lại". Bà khẳng định dù có rủi ro, nhưng AI vẫn là "cơ hội lớn cho tất cả mọi người".
Quan điểm của bà Georgieva về AI trùng với cuộc họp của các nhà lãnh đạo kinh doanh và chính trị toàn cầu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ở Davos, Thụy Sĩ, nơi AI sẽ là một chủ đề được thảo luận./.