Tri ân những “người đưa đò”
(ĐCSVN) – Năm nào cũng vậy, Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 là dịp để mọi người được bày tỏ tình cảm trân trọng, lòng biết ơn sâu sắc tới các thầy cô giáo – những “người đưa đò” đang ngày đêm tâm huyết, tận tụy với sự nghiệp trồng người.
Người thầy luôn có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong hệ thống giáo dục - đào tạo nói riêng và trong sự phát triển của xã hội nói chung. Từ xưa, cha ông ta đã dạy con cháu: “Công cha, nghĩa mẹ, ơn thầy”, “Không thầy đố mày làm nên”. Khoa học - công nghệ dù phát triển đến đâu chăng nữa thì máy móc cũng không thể thay thế được người thầy trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo. Vì lẽ đó, xã hội luôn đặt niềm tin vào những người thầy trong vai trò “dạy chữ, dạy người” và niềm tin đó đã được khắc sâu trong suy nghĩ, hành động của mỗi người dân Việt Nam.
Nhiều thầy cô giáo bất chấp những khó khăn, vất vả của cuộc sống thường ngày, luôn là những tấm gương sáng của ngành giáo dục nước nhà. Không chỉ đảm nhận công việc của người thầy trên bục giảng, nhiều thầy cô còn là những người cha, người mẹ, người anh, người chị dìu dắt, động viên, trang bị kiến thức, rèn luyện nhân cách, đạo đức, định hướng cho thế hệ trẻ ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, biên giới, hải đảo để mai sau là người có ích cho quê hương, đất nước. Các thầy cô còn là người duy trì và giữ gìn tình yêu biển, đảo, nâng cao nhận thức về chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
Cô giáo Nguyễn Thị Bích Thủy, giáo viên Trường Tiểu học Lại Sơn (huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang) có 29 năm công tác ở vùng đảo, khi nhớ về những ngày đầu tiên đến đảo không khỏi “chùng lòng”, phương tiện đi lại không có, để đến được điểm trường lẻ phải mất vài giờ đi bằng ghe thuyền rồi leo núi, thiếu điện, thiếu nước sinh hoạt, nhưng nỗi vất vả nhất có lẽ là việc vận động học sinh đến trường và duy trì được sĩ số lớp. Theo thời gian, những nỗi vất vả ấy cũng dần vơi đi, nhường chỗ cho tình yêu trường, yêu lớp, yêu học trò của cô. Giờ đây mong muốn lớn nhất của cô giáo Bích Thủy là các em học sinh ở xã đảo sẽ được tiếp cận với phương tiện dạy học hiện đại như máy tính, máy chiếu, phòng dạy ngoại ngữ...
Cũng như nhiều nhà giáo khác, thầy Đoàn Văn Kiều ở Trường THCS Sơn Hải (huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang) có 17 năm công tác ở vùng đảo. Niềm vui của thầy là khi trường đảo những năm qua đã có học sinh đoạt giải học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh, đặc biệt có học sinh đã đoạt giải Ba trong cuộc thi khoa học kỹ thuật toàn quốc do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức. Mong muốn được xem xét để tăng thêm thu nhập cho giáo viên công tác tại vùng đảo bởi hiện nay chi phí đi lại, chi phí cuộc sống ở những nơi này đắt đỏ hơn đất liền của thầy Kiều cũng là mong muốn chung của rất nhiều thầy cô giáo đang công tác trên các vùng đảo.
Cô giáo Nguyễn Bích Hà – Tổ trưởng Tổ Hóa, Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam được biết đến là giáo viên dạy giỏi với nhiều học sinh thành đạt. Biết bao thế hệ học sinh của cô hiện nay đang tiếp bước cô trở thành giáo viên, giảng viên ở các trường đại học lớn. Cô còn là người nhiều năm bồi dưỡng cho đội tuyển học sinh giỏi môn Hóa học. Năm nào cô cũng có những học sinh đoạt giải cao trong các kỳ thi lớn như: em Lê Việt Hoàng giành Huy chương Bạc Olympic Hóa học quốc tế; hay em Bùi Tuấn Linh đạt Huy chương Vàng quốc tế năm 2007-2008; Phạm Minh Đức đạt Huy chương Đồng năm học 2010-2011.
Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đã xác định phát triển đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục là khâu then chốt. Từ khi Nghị quyết 29 ra đời đến nay, chất lượng đội ngũ giáo viên trên cả nước nhìn tổng thể đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Theo Bộ GD&ĐT, đội ngũ giáo viên phổ thông nước ta hiện nay đã cơ bản đủ về số lượng, có đủ các thành phần theo môn học; gần 100% đạt chuẩn và trên chuẩn đào tạo, có tinh thần trách nhiệm và đạo đức tốt, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục trong giai đoạn hiện nay.
Mục tiêu giáo dục theo tinh thần đổi mới là phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học. Bằng các giải pháp đồng bộ như đổi mới trong khâu kiểm tra, đánh giá, thi cử vừa qua, Bộ GD&ĐT đang nỗ lực “đánh tan” sức ỳ, tư duy cũ, ngại đổi mới của bộ phận không nhỏ thầy cô giáo trong ngành Giáo dục. Sự đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đang dần dần thay đổi phương pháp dạy cũ – học theo kiểu “thầy chép, trò ghi, thi học thuộc" - được xem là lực cản đối với công cuộc đổi mới nền giáo dục - sang phương pháp dạy mới lấy người học làm trung tâm. Giáo viên chỉ là người hướng dẫn, định hướng cho học sinh cách thu nhận kiến thức một cách chủ động, tích cực, hỗ trợ học sinh giải đáp những thắc mắc khi cần thiết.
Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa đã được Quốc hội thông qua và Bộ GD&ĐT đang rốt ráo triển khai tích cực, đòi hỏi giáo viên đổi mới phương pháp dạy học theo hướng tích hợp, phân hóa, phát huy tính chủ động, sáng tạo. Vì nếu không đổi mới phương pháp dạy học thì chương trình, sách giáo khoa có hay đến mấy, học sinh vẫn không phát triển được năng lực. Nếu như vậy, có thể xem tiến trình đổi mới giáo dục thất bại. Do đó hơn bao giờ hết, mỗi giáo viên giờ đây phải là người tiên phong trong tiến trình đổi mới.
Để động viên, khích lệ giáo viên tích cực đổi mới, ngoài chính sách đãi ngộ xứng đáng về vật chất và tinh thần, Bộ GD&ĐT đã đưa ra nhiều giải pháp đồng bộ như: Thực hiện chương trình đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ; đặc biệt là nâng cao quản lý hoạt động dạy bằng các chế tài, trong đó quy định giáo viên áp dụng các phương pháp dạy học hiện đại, phù hợp với hoàn cảnh. Đây được coi là giải pháp quản lý mang tính đột phá. Bước đầu, khi mới áp dụng, có thể còn gò bó, nhưng sẽ dần trở thành ý thức tự giác, tiến tới thành thói quen của mỗi giáo viên và của cả đội ngũ giáo viên.
Đất nước ta tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng; do vậy đòi hỏi một nguồn nhân lực chất lượng cao có thể đáp ứng yêu cầu thời đại. Điều này đặt ra cho sự nghiệp giáo dục - đào tạo với vị trí, vai trò là quốc sách hàng đầu phải đi trước một bước. Lúc này, vai trò của người thầy càng có ý nghĩa hơn bao giờ hết!