Trẻ rơi từ tầng cao chung cư: Bất cẩn hay bất cập?
(ĐCSVN) - Thực trạng nhiều trẻ em tử vong do ngã từ các chung cư cao tầng đang gióng lên hồi chuông về sự bất cẩn của người lớn và độ an toàn của lan can, ban công, lô gia, cửa sổ tại các chung cư.
Cháu bé rơi từ tầng 11 toà nhà chung cư Rainbow (khu đô thị Linh Đàm) đã tử vong tại chỗ.
Ảnh: laodong.com.
Trẻ tử vong có phải do người lớn bất cẩn?
Vụ việc bé trai bị rơi từ trên tầng 11 xuống ban công tầng 2 của tòa nhà chung cư toà Rainbow thuộc khu đô thị Linh Đàm (phường Hoàng Liệt, Quận Hoàng Mai, Hà Nội) dẫn đến tử vong tại chỗ đang khiến dư luận xót xa. Sự việc xảy ra trưa 15/7 khi cháu bé (6 tuổi) ở nhà một mình. Trong lúc cháu bé mải chơi đã chạy ra ban công của căn hộ. Do bất cẩn, cháu đã bị rơi xuống ban công tầng 2 của tòa nhà và tử vong.
Điều đáng nói, đây không phải lần đầu trẻ nhỏ tử vong do bị rơi từ tầng cao chung cư.
Còn nhớ, hồi tháng 8/2015, cũng tại khu đô thị Linh Đàm, một cháu bé 7 tuổi rơi từ ban công tầng 10 tòa nhà Nơ4A xuống mái tôn quán cà phê. Rất may, cháu bé này đã sống sót trong tình trạng bị đa chấn thương. Trước đó, tại khu nhà No 9B, khu đô thị Linh Đàm cũng đã xảy ra vụ việc một bé gái rơi từ tầng 11 dẫn đến tử vong.
Tại tòa nhà CT2 Xuân Đỉnh (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội), một bé trai rơi từ tầng 22 xuống đất. Sự việc xảy ra hồi tháng 11/2015 khi mẹ cháu bé đã khóa cửa nhà đi chợ, để hai anh em ở nhà chơi. Phòng ngủ của cháu bé nằm sát cửa sổ ban công, hành lang không có rào sắt kín. Khi hai cháu bé chơi đùa đã chạy ra ban công dẫn đến tai nạn thương tâm.
Tại tỉnh Bình Dương, một trẻ nhỏ được người thân đón từ trường mầm non về nhà tại tầng 3 chung cư Sóng Thần (phường Dĩ An, thị xã Dĩ An). Lúc này, ba mẹ chưa đi làm về nên bé chơi với người dì. Trong lúc dì quay lưng làm việc thì bé đã bắc ghế chồm ra cửa sổ (không có khung sắt bảo vệ). Không may chiếc ghế bị đổ, bé văng ra khỏi cửa sổ rơi xuống đất. Sự việc xảy ra ngày 18/11/2015.
Theo tìm hiểu của phóng viên, ban công và cửa sổ trên tầng cao các chung cư trên và nhiều chung cư khác tại Hà Nội đang trong tình trạng “mỗi nơi một kiểu”. Nhưng điểm chung nhất là hầu hết ban công bằng sắt, Inox đều có các thanh nằm ngang, khiến trẻ nhỏ dễ dàng trèo lên, trong khi bên trên lan can không có lưới an toàn.
Về cửa sổ, có nơi thiết kế bản lề chữ T, nơi theo kiểu cửa kéo trên thanh trượt, có nơi là cửa đẩy thẳng ra ngoài tạo thành mái che với độ mở 45 độ, nhưng điều nguy hiểm dễ nhận thấy là nhiều cửa số không có các song chắn hoặc rào chắn đủ an toàn.
Lan can ban công có thanh ngang rất nguy hiểm vì trẻ có thể dễ dàng trèo lên. Ảnh: AL
Bất cập...
Trao đổi với phóng viên về thực trạng không thống nhất trên, kỹ sư Trần Ngọc Hân- Viện quy hoạch xây dựng Hà Nội cho biết: Những kiểu cửa sổ và ban công trên đều rất dễ xảy ra tai nạn cho trẻ nhỏ, bởi thanh ngang lan can giống như những bậc thang để trẻ leo trèo. Nếu cạnh lan can có các vật dụng như: bàn, ghế thùng nhựa… trẻ càng có cơ hội. Với cửa sổ không có rào, chấn song nếu gần đó có bàn ghế, những đứa trẻ hiếu động sẽ leo lên để chui ra cửa sổ.
Theo Quy chuẩn xây dựng Việt Nam về “nhà ở và công trình công cộng - an toàn sinh mạng và sức khỏe” do Bộ Xây dựng ban hành, lan can, ban công của các công trình nhà ở, cơ quan, trường học…, các tòa nhà cao từ 9 tầng trở lên, phải đảm bảo lan can chắn các cạnh trống của sàn, ban công, mái (bao gồm cả giếng trời cùng các lỗ mở khác) và các nơi có người đi lại, lan can phải cao tối thiểu 1,4 mét. Nhìn chung, lan can phải đảm bảo cho trẻ em không dễ trèo qua và không có lỗ hổng đút lọt quả cầu có đường kính 100mm. Với lan can hoặc lô gia được sử dụng bằng vật liệu kính, thì kính được bảo vệ bởi vật cố định, đảm bảo chắc chắn, không có khe hở nào nhét lọt quả cầu có đường kính 75mm, khó trèo qua để ngăn ngừa rơi, ngã.
Về việc người dân tự thiết kế các hàng rào sắt cao tại ban công, theo kỹ sư Hân, đây là cách đảm bảo trẻ không thể rơi từ ban công xuống nhưng nếu có hỏa hoạn xảy ra sẽ rất nguy hiểm, bởi việc thoát hiểm, cứu hộ sẽ gặp khó khăn. Vì thế, người dân nên dùng lưới an toàn thay cho hàng rào thép kiên cố. Lưới an toàn vừa nhẹ, vừa đảm bảo mỹ quan, lắp đặt đơn giản, nếu hỏa hoạn có thể dùng kìm bình thường cắt dễ dàng.
Tuy nhiên, khi trao đổi với phóng viên, một cán bộ phòng cháy chữa cháy thuộc Sở Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy Hà Nội cho biết: Theo QCVN:06/2010/BXD Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia an toàn cháy đối với nhà và công trình cơ quan phòng cháy chữa cháy, lối ra ban công hoặc lô gia được coi là lối ra khẩn cấp khi có cháy. Ban công, lô gia cũng là nơi xe thang, xe có cần nâng, phương tiện cứu nạn, cứu hộ tiếp cận để chữa cháy và cứu nạn. Do vậy, việc lắp đặt thêm lưới an toàn hoặc các vật che chắn khác sẽ làm ảnh hưởng đến lối ra khẩn cấp, giảm khả năng tiếp cận của phương tiện cứu nạn, cứu hộ và tổ chức chữa cháy qua ban công, lô gia. Đây cũng là lí do nhiều ban công chung cư không được phép lắp đặt lưới an toàn.
Trước những bất cập trên, vị cán bộ phòng cháy chữa cháy trên khuyến cáo, các gia đình cần nêu cao cảnh giác, cẩn trọng khi nhà có con nhỏ ở căn hộ chung cư và chú ý thực hiện một số biện pháp như: Không để các vật dụng có thể leo trèo tại ban công, cửa sổ… Đặc biệt, không nên để trẻ nhỏ ở nhà một mình, vì khi trẻ không thấy người lớn sẽ nháo nhào đi tìm, thậm chí tìm mọi cách chui ra khỏi nhà, rất dễ xảy ra tai nạn./.