Tránh tình trạng phát triển phong trào, tự phát, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng tái tạo
(ĐCSVN) - EVN phối hợp với các nhà đầu tư để đảm bảo các nhà máy nguồn điện phải gắn với truyền tải, giải toả công suất. “EVN chỉ ký hợp đồng mua điện với các nhà đầu tư khi đảm bảo điều kiện giải toả công suất. Nếu không, đây sẽ là thất thoát rất lớn cho doanh nghiệp, cho xã hội”, Phó Thủ tướng yêu cầu.
Ngày 17/10, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng đoàn công tác Chính phủ đã đi thị sát một số dự án năng lượng tái tạo điện gió và điện mặt trời (ĐMT) tại tỉnh Ninh Thuận và làm việc với UBND tỉnh về giải toả công suất các nguồn năng lượng tái tạo.
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định, thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Ninh Thuận đã có nhiều nỗ lực, cố gắng, qua đó tình hình kinh tế-xã hội của tỉnh được duy trì ổn định và đạt kết quả khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Nhiều tiềm năng lợi thế của tỉnh, nhất là các lợi thế về kinh tế biển, năng lượng tái tạo, du lịch và nông nghiệp công nghệ cao được nhận diện rõ hơn, thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư chiến lược và bước đầu khai thác hiệu quả. Nhiều dự án quy mô lớn đã và đang đầu tư phát huy hiệu quả, tạo động lực mới, sức bật mới thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.
“Đặc biệt, tỉnh đã khai thác tốt tiềm năng, lợi thế riêng có để phát triển lĩnh vực năng lượng tái tạo, chủ yếu là điện gió và ĐMT. Chỉ trong hơn một năm đã có hơn 1.000 MW năng lượng gió, mặt trời, qua đó, đóng góp lớn trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, góp phần phát triển mọi mặt đời sống kinh tế-xã hội của tỉnh”, Phó Thủ tướng nói.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Ninh Thuận vẫn còn gặp không ít khó khăn, trong đó có việc giải toả công suất của các nhà máy năng lượng tái tạo đã đầu tư và sắp đầu tư. “Trong thời gian tới, yêu cầu Ninh Thuận tiếp tục tranh thủ thời cơ, khai thác lợi thế, vượt qua khó khăn để phát triển”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Hiện nay, nhu cầu dùng điện ngày càng tăng, sức ép phải tái cơ cấu nguồn điện ngày càng lớn theo hướng ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió và ĐMT. Với tiềm năng riêng có của tỉnh, Ninh Thuận hoàn toàn có thể trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước.
Nhiệm vụ chung là phải tập trung xây dựng quy hoạch tỉnh theo Luật Quy hoạch. Đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, nếu làm không tốt sẽ ảnh hưởng rất lớn. Triển khai trên cơ sở tái cấu trúc ngành, lĩnh vực, sản phẩm của tỉnh Ninh Thuận. Tránh tình trạng phát triển phong trào, tự phát, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.
Trên cơ sở quy hoạch, thực hiện kế hoạch hoá đầu tư, xác định rõ lộ trình để huy động nguồn lực, lựa chọn các công trình, dự án ưu tiên đầu tư. Tỉnh cũng phải tăng cường công tác quản lý đầu tư, kiểm soát đầu tư theo quy hoạch, có kế hoạch, đảm bảo hiệu quả.
Về phát triển các dự án điện, sau khi phân tích về nhu cầu công suất, yêu cầu thay đổi cơ cấu nguồn, đảm bảo an toàn hệ thống, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ Công Thương, EVN và UBND tỉnh phải phối hợp chặt chẽ để đảm bảo phát triển điện lực phải phù hợp với quy hoạch. Phát triển nguồn điện phải gắn với phát triển hệ thống truyền tải để đảm bảo giải toả được công suất, đồng thời kiểm soát chặt chẽ phát triển nguồn điện, tránh phong trào.
Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương sớm đề nghị điều chỉnh Quy hoạch điện VII, đồng thời xây dựng Quy hoạch điện VIII. EVN phối hợp với các nhà đầu tư để đảm bảo các nhà máy nguồn điện phải gắn với truyền tải, giải toả công suất. “EVN chỉ ký hợp đồng mua điện với các nhà đầu tư khi đảm bảo điều kiện giải toả công suất. Nếu không, đây sẽ là thất thoát rất lớn cho doanh nghiệp, cho xã hội”, Phó Thủ tướng yêu cầu.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng yêu cầu EVN đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà máy thuỷ điện tích năng Bác Ái; yêu cầu các nhà đầu tư và cơ quan quản lý Nhà nước sớm hoàn thiện các thủ tục bổ sung quy hoạch, đẩy nhanh tiến độ triển khai Trung tâm Điện lực Cà Ná; Nhà máy ĐMT Thuận Nam và các nhà máy năng lượng tái tạo trên địa bàn.
Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng cho ý kiến về một số vấn đề như điều chỉnh quy hoạch dự trữ khoáng sản; gợi ý một số yêu cầu nhiệm vụ, giải pháp quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn./.