Trang phục và văn hóa!
(ĐCSVN) - Thời gian gần đây, xã hội bắt gặp một số hiện tượng thời trang chưa đẹp mắt, thậm chí có phần lệch lạc…
ngày hội lớn. Ảnh: Thế Dương/dangcongsan.vn
Không biết có phải do xu hướng thời trang có chiều hướng phóng khoáng hơn, tự do hơn nên người ta dễ phóng túng hơn không, mà thực tế gặp không ít cảnh các cô gái mặc váy ngắn, quần ngắn, áo hở hang xuất hiện ở những nơi thờ tự tôn nghiêm như: đền, chùa cho đến... trường học. Điều đó cho thấy những biểu hiện thời trang có phần lố lăng.
Những phong cách ăn mặc vô ý thức gây chướng mắt này xuất hiện không ít ở mọi chỗ, mọi nơi, thậm chí ở cả trên chương trình truyền hình…
Mới đây, dư luận đã có những phản ứng khá gay gắt về trang phục không phù hợp của một số nghệ sĩ, MC truyền hình khi xuất hiện trước công chúng. Với truyền thống văn hóa Á Đông của người Việt thì khó có thể chấp nhận MC truyền hình có phong cách thời trang lố lăng xuất hiện trước công chúng, hay MC mặc bikini để dẫn chương trình trên truyền hình(?!).
Trước đó, dư luận hẳn cũng chưa quên sự kiện PR quá lố của một hãng hàng không khi để người mẫu mặc bikini chào đón đội tuyển U23 Việt Nam đã bị chỉ trích gay gắt là chiến lược quảng cáo rẻ tiền...
Thật đáng tiếc với những hình ảnh thời trang phi văn hóa mà công chúng vẫn bắt gặp ở đâu đó và đôi khi, nó còn là chiêu trò quảng cáo (PR) của một số tổ chức, cá nhân muốn nổi tiếng thông qua cách ăn mặc hở hang đủ thứ theo kiểu thiếu vải…
Thiết nghĩ, trang phục là quyền lựa chọn và sở thích của mỗi cá nhân. Tuy nhiên, sử dụng trang phục như thế nào cho phù hợp, đúng lúc, đúng nơi và đúng chỗ chính là văn hóa, là tôn trọng mình và tôn trọng người.
Nói về văn hóa thời trang, tức là trang phục, áo quần…, người xưa có câu “Y phục xứng kỳ đức”, ý nói thông qua trang phục có thể biết tư cách của người mặc nó, hay nói cách khác, áo quần làm sao văn hóa làm vậy. Các triều đại phong kiến ngày xưa, từ vua chúa, quan lại cho đến người dân đều có quy định về trang phục, mũ áo... Nhìn vào trang phục của người mặc, người ta có thể phân biệt được phẩm bậc, thứ hạng chức sắc của người đó… Và dĩ nhiên, vấn đề trang phục trong xã hội phong kiến đã cho thấy văn hóa thời trang đã được quan tâm sâu sắc.
Ngày nay, xã hội đã có cái nhìn thoáng hơn, cởi mở hơn về phong cách thời trang, cũng như đón nhận các xu thế thời trang mới, nhưng không có nghĩa là chấp nhận mọi kiểu ăn mặc thời trang "lạ mắt", thậm chí lố lăng, nhất là ở những nơi thờ tự tôn nghiêm, nơi công cộng, và dĩ nhiên là cả trên sóng truyền hình...
Việt Nam có 54 dân tộc anh em với những đặc trưng văn hóa đại diện cho dân tộc, thể hiện ở những trang phục truyền thống rất riêng, ví dụ như: Trang phục của người H’Mông Tây Bắc sử dụng chủ đạo gồm bốn màu xanh, đỏ, tím, vàng tạo nên các hình họa tiết muôn màu muôn sắc; trang phục của người Ê Đê Tây Nguyên chủ yếu là màu chàm, có điểm những hoa văn sặc sỡ… Tương tự những dân tộc khác, bằng màu sắc, kiểu dáng, hoa văn của các bộ trang phục hết sức đa dạng, đã thể hiện đậm đà bản sắc văn hóa của mỗi dân tộc.
Trang phục chính là văn hóa. Vì vậy, cần mặc sao cho phù hợp với hoàn cảnh, môi trường nơi mình xuất hiện, đặc biệt là đối với các nghệ sĩ, diễn viên, MC truyền hình… - những người mang thông điệp văn hóa đến với công chúng./.