Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Trang bị kiến thức thực tiễn cho sinh viên về phương thức kinh doanh Nhật Bản

Thứ Sáu, 26/08/2022 16:44 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Trong các năm học 2022 - 2023 và 2023 - 2024, Công ty Mitani Sangyo và Ngân hàng Mizuho sẽ hỗ trợ Trường ĐH Ngoại thương tổ chức "Chương trình đào tạo về phương thức kinh doanh Nhật Bản" do lãnh đạo 08 doanh nghiệp hàng đầu của Nhật Bản giảng dạy.

Ngày 26/8, tại Hà Nội, Trường ĐH Ngoại thương phối hợp với Công ty Mitani Sangyo, Ngân hàng Mizuho tổ chức Lễ khai giảng Chương trình đào tạo về phương thức kinh doanh Nhật Bản.

"Chương trình đào tạo về phương thức kinh doanh Nhật Bản" là chương trình được tổ chức trên cơ sở Thỏa thuận hợp tác giữa Trường ĐH Ngoại thương và Công ty Mitani Sangyo, Ngân hàng Mizuho ký kết vào tháng 11/2021 tại Tokyo, trước sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Bộ trưởng Kinh tế - Thương mại - Công nghiệp Nhật Bản Hagiuda Koichi trong chuyến thăm chính thức của Thủ tướng tới Nhật Bản.

Theo đó, trong các năm học 2022 - 2023 và 2023 - 2024, hai doanh nghiệp nêu trên sẽ hỗ trợ Trường ĐH Ngoại thương tổ chức "Chương trình đào tạo về Phương thức kinh doanh Nhật Bản" do lãnh đạo 08 doanh nghiệp hàng đầu của Nhật Bản giảng dạy, với nội dung là các tình huống kinh doanh thực tế của các doanh nghiệp Nhật Bản trong nhiều lĩnh vực hoạt động đa dạng, được đưa vào giảng dạy đan xen trong 08 học phần Tiếng Nhật chuyên ngành của chương trình Chất lượng cao Tiếng Nhật thương mại.

Đại diện lãnh đạo Trường ĐH Ngoại thương và Công ty Mitani Sangyo, Ngân hàng Mizuho trao đổi với các em sinh viên về phương thức kinh doanh Nhật Bản. (Ảnh: VA)

Thay mặt Bộ GD&ĐT, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc ghi nhận và đánh giá cao những sáng kiến, những nỗ lực của Trường ĐH Ngoại thương trong việc cụ thể hóa chính sách quốc tế hóa giáo dục thành những hoạt động thiết thực dành cho sinh viên, như chương trình này.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng quốc tế hóa giáo dục đại học, trong những năm gần đây, là một trong những chủ đề được quan tâm và có ảnh hưởng sâu rộng đến cấu trúc, chức năng và mô hình hoạt động của hệ thống giáo dục đại học, được Chính phủ Việt Nam và Bộ GD&ĐT hết sức coi trọng. Yêu cầu về hội nhập quốc tế trong giáo dục và đào tạo có thể nói là một yếu tố đặc biệt quan trọng nhằm tạo dựng môi trường giáo dục quốc tế, nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu, tiếp cận với mô hình quản trị giáo dục tiên tiến. Đây là một chủ trương lớn, xuyên suốt và nhất quán của Đảng, Nhà nước, đã được cụ thể hóa bằng nhiều văn bản.

“Bộ GD&ĐT, theo chức năng, nhiệm vụ được Chính phủ giao, cũng luôn sẵn sàng hỗ trợ Trường ĐH Ngoại thương trong việc triển khai những hoạt động của Chương trình khi cần thiết và đề nghị mô hình này tiếp tục được mở rộng tới nhiều sinh viên của Nhà trường” - Thứ trưởng nhấn mạnh.

Bày tỏ sự vui mừng được dự Lễ khai giảng đặc biệt này, ông Yamada Takio, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam chia sẻ, mặc dù chịu ảnh hưởng kéo dài của dịch COVID-19 nhưng quan hệ giữa Nhật Bản và Việt Nam vẫn tiếp tục phát triển một cách thực chất và mang tính chiến lược trên nhiều lĩnh vực bao gồm chính trị, bảo đảm an ninh, kinh tế và văn hóa trên cơ sở quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng.

Ông Yamada Takio cho hay, trong khoảng 60 năm kể từ khi bắt đầu đưa tiếng Nhật vào giảng dạy năm 1961, Trường ĐH Ngoại thương Hà Nội đã đào tạo được một số lượng lớn nguồn nhân lực giỏi tiếng Nhật, không chỉ thông thạo tiếng Nhật mà còn có năng lực tốt trong lĩnh vực kinh tế và quản lý. Nhiều sinh viên tốt nghiệp Trường ĐH Ngoại thương đang làm việc trong các doanh nghiệp Nhật Bản, các cơ quan Chính phủ. Họ đã và đang đóng góp cho mối quan hệ Việt Nam - Nhật Bản được đánh giá là “hết sức tốt đẹp”.

Ông Yamada Takio tin rằng việc một công ty hàng đầu của Nhật Bản tham gia chuỗi bài học này đã cho thấy sự kỳ vọng lớn đối với Trường ĐH Ngoại thương Hà Nội, nơi đã và đang ươm mầm rất nhiều nhân lực giỏi tiếng Nhật. Đồng thời, hi vọng thông qua chuỗi bài học này, sẽ đào tạo được nguồn nhân lực xuất sắc có kiến thức chuyên sâu về quản lý kiểu Nhật Bản và trình độ tiếng Nhật cao, là cầu nối giữa Nhật Bản và Việt Nam trong tương lai gần để phát triển hơn nữa mối quan hệ giữa hai nước.

Phát biểu tại Lễ khai giảng, PGS.TS Bùi Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương chia sẻ: Với ý nghĩa là một chương trình tiên phong theo mô hình hợp tác ba bên: Chính phủ, doanh nghiệp và trường đại học, Nhà trường tin tưởng đây là chương trình đào tạo thiết thực, trang bị cho sinh viên kiến thức thực tiễn và cập nhật về phương thức kinh doanh Nhật Bản, về ngôn ngữ tiếng Nhật và văn hóa Nhật Bản, giúp các em sinh viên tự tin và sẵn sàng hơn khi gia nhập thị trường lao động chất lượng cao. 

Đồng thời, thông qua chương trình này, PGS.TS Bùi Anh Tuấn mong muốn thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ hợp tác giữa Trường ĐH Ngoại thương với các doanh nghiệp Nhật Bản, đặc biệt là 8 doanh nghiệp tham gia giảng dạy trong chương trình này về các lĩnh vực đào tạo, tiếp nhận sinh viên thực tập và tuyển dụng.

Được biết, năm 2023 là năm Kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Nhật Bản. Chương trình hợp tác lần này sẽ là một trong những hoạt động chào mừng sự kiện quan trọng này./.

Mỹ Anh

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN