Trân trọng, khuyến khích tinh thần năng động, sáng tạo vì lợi ích chung
(ĐCSVN) - Những ngày qua, dư luận đã đánh giá cao Kết luận số 14-KL/TW của Bộ Chính trị mới ban hành về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. Đông đảo cán bộ, đảng viên cho rằng, nội dung Kết luận số 14-KL/TW rất sâu sắc, thiết thực, phù hợp với thực tiễn lịch sử và yêu cầu của sự nghiệp cách mạng hiện nay.
Được ban hành trên cơ sở xem xét báo cáo của Ban Tổ chức Trung ương về Đề án “Xây dựng cơ chế khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung” và ý kiến của các cơ quan liên quan, nội dung Kết luận số 14-KL/TW của Bộ Chính trị khẳng định: 'trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng, Nhà nước ta luôn khuyến khích, phát huy tinh thần năng động, sáng tạo của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Qua hơn 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, đất nước ta đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Những thành tựu này khẳng định đường lối đổi mới đúng đắn của Đảng, tinh thần năng động, sáng tạo và sự nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân, trong đó có đóng góp rất quan trọng của nhiều thế hệ cán bộ lãnh đạo, quản lý với bản lĩnh chính trị vững vàng, năng lực tổng kết thực tiễn sắc bén, tư duy đổi mới sáng tạo, khả năng cụ thể hoá và tổ chức thực hiện hiệu quả đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Trước yêu cầu của nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới, Bộ Chính trị yêu cầu cần đặc biệt quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, có bản lĩnh chính trị, trí tuệ, gương mẫu, quyết tâm đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, sẵn sàng đương đầu với khó khăn, thử thách, luôn nỗ lực hành động vì lợi ích chung. Nhiều chuyên gia, cán bộ lão thành cách mạng nhìn nhận, chủ trương này là hoàn toàn đúng đắn, phù hợp. Theo đồng chí Lê Quang Thưởng, nguyên Phó Trưởng ban thường trực, Ban Tổ chức Trung ương, những người thông minh, giỏi giang thường khát khao làm những điều mới mẻ, có tính chất mở đường, khai phá, tạo ra những đột phá, làm lợi cho cơ quan, đơn vị, địa phương, đất nước. Song thực tiễn cho thấy, quá trình khai phá, mở đường đột phá luôn có những rủi ro nhất định, nên việc Bộ Chính trị ban hành Kết luận 14 sẽ giúp đội ngũ cán bộ yên tâm hơn, mạnh dạn hơn trong tham mưu, đề xuất và tổ chức cho cơ quan, địa phương tích cực đổi mới, sáng tạo vì nhiệm vụ chung.
Đồng chí Lê Quang Thưởng, nguyên Phó Trưởng ban thường trực, Ban Tổ chức Trung ương (Ảnh IT) |
Cùng chung quan điểm nói trên, đồng chí Bùi Đình Quyển, nguyên Bí thư Huyện ủy Phú Xuyên (Hà Nội) cho rằng, Kết luận của Bộ Chính trị là rất đúng. Đảng nêu rõ chủ trương ủng hộ và bảo vệ những người sáng tạo, đổi mới, dám nghĩ, dám làm sẽ là tiền đề để tạo ra những thay đổi tích cực trong mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế xã hội. “Tuy nhiên, để Kết luận số 14-KL/TW thực sự đi vào đời sống, cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan chức năng các cấp cần chú trọng bảo vệ những đột phá, sáng tạo vì lợi ích chung; trong bố trí đội ngũ cán bộ, cần chú trọng ưu tiên bố trí, sử dụng cán bộ có tư duy đổi mới, cách làm đột phá, sáng tạo, hiệu quả; những trường hợp đổi mới chưa mang lại kết quả như mong muốn, cần có sự xem xét, nhìn nhận khách quan, công tâm”, đồng chí Bùi Đình Quyển phân tích thêm.
Đồng chí Bùi Đình Quyển, nguyên Bí thư Huyện ủy Phú Xuyên, thành phố Hà Nội (Ảnh: NTP). |
Thực tiễn lịch sử cũng cho thấy, cán bộ, đảng viên chỉ thực sự mạnh dạn đổi mới, khi tinh thần năng động, sáng tạo của họ được trân trọng, khuyến khích. Đó cũng là cơ sở để tạo nên những bước đột phá, những điểm nhấn trong thực hiện nhiệm vụ của mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương. Song, không phải sự đổi mới, sáng tạo nào cũng sẽ được ghi nhận ngay. Câu chuyện Khoán 10 đến nay vẫn còn là một bài học về sự sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của cán bộ. Thời điểm những năm 1966 - 1967, khi nông thôn miền Bắc đều áp dụng kiểu kinh tế hợp tác xã thì đồng chí Kim Ngọc, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc lại có quyết định táo bạo, phá rào đi trước khi giao khoán ruộng đất cho từng hộ nông dân. Điều đó đã vượt ra phạm vi, khuôn khổ của tư duy, quan điểm, đường lối của Đảng lúc đó. Thực tiễn cho thấy, đồng chí Kim Ngọc là người có tư duy sáng tạo, đổi mới, đặt lợi ích của nhân dân lên trên và sẵn sàng chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Hàng chục năm sau, tinh thần dám nghĩ, dám làm của đồng chí Kim Ngọc mới được lịch sử nhìn nhận một cách đúng đắn.
Theo Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu, Anh hùng LLVTND, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, hiện nay, Đảng ta đang tập trung chỉnh đốn vấn đề đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên. Bên cạnh đó, phải có chủ trương và cơ chế phù hợp thì mới khai thác được tối ưu trí tuệ, tài năng của đội ngũ cán bộ trên các lĩnh vực, đặc biệt là về chính trị, tư tưởng, kinh tế, xã hội. Quá trình dám nghĩ, dám làm có vấn đề thành công và những việc có thể chưa thành công, nhưng nếu cán bộ, đảng viên thực sự có động cơ, mục đích trong sáng, hành động vì lợi ích chung của cộng đồng, của đất nước thì họ cần được bảo vệ, động viên. Do đó, Kết luận số 14-KL/TW của Bộ Chính trị sẽ giúp cán bộ thêm vững tin trong quá trình thí điểm những việc làm mang tính sáng tạo, đột phá.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã luôn nhấn mạnh vai trò của cán bộ đối với sự nghiệp cách mạng. Người nêu rõ: “cán bộ là cái gốc của mọi công việc”. Do đó, trong mọi giai đoạn cách mạng, công tác giáo dục, quản lý, sử dụng cán bộ luôn có ý nghĩa vô cùng quan trọng.
Đặc biệt hiện nay, để thực hiện thành công đường lối đổi mới và Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, yêu cầu khách quan đặt ra là cần có những cán bộ “6 dám” (dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám nói, dám đột phá sáng tạo và dám đương đầu với khó khăn, thử thách). Muốn vậy, chúng ta phải có cơ chế phù hợp, phát huy được năng lực, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ có đức, có tài, có tâm và có tầm, để cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc. Do đó, việc quán triệt, thực hiện có hiệu quả Kết luận số 14-KL/TW của Bộ Chính trị chính là rất cần thiết, phù hợp với quy luật tất yếu phát triển đất nước và yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc hiện nay./.