Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Trạm yêu thương: Ánh sáng của ước mơ

Thứ Sáu, 25/10/2024 16:19 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Biến cố xảy ra khi Nguyễn Ánh Phượng (sinh năm 1991, tại Hà Nội) vừa nhận thông báo trúng tuyển Đại học. Từ một cô gái khỏe mạnh bình thường, Phượng phải gắn liền với chiếc xe lăn sau một cơn sốt ác tính. Mọi di chuyển đều phụ thuộc vào chiếc xe lăn, nhưng Ánh Phượng vẫn khát khao được lan tỏa yêu thương và những điều tích cực đến cộng đồng.

Nguyễn Ánh Phượng nhận quà từ Chương trình. 

Xuất hiện trong trường quay Trạm yêu thương với những bông hoa xinh xắn làm bằng len móc, Nguyễn Ánh Phượng tự tin giới thiệu về công việc và đam mê của mình. Những sản phẩm len móc không chỉ giúp cô có thu nhập mà còn có thêm niềm vui, niềm tin vào cuộc sống.

Kể về biến cố của mình, Nguyễn Ánh Phượng cho biết, cô sinh ra là một đứa trẻ bình thường như bao bạn bè cùng trang lứa. Sau khi trúng tuyển ngành Văn hóa học Đại học Văn hóa Hà Nội năm 2009, Phượng trải qua cơn sốt ác tính ngay trước ngày nhập học một tuần. Cơn sốt kèm đau đầu khiến cô gái 9X hôn mê bất tỉnh trong suốt nửa năm tại Bệnh viện Phổi Trung ương. Ngày Phượng tỉnh dậy, cũng là ngày cô nhận tin dữ, hai chân liệt hoàn toàn và không thể di chuyển. Đau đớn về cả thể xác và tinh thần, đã có lúc Phượng nghĩ đến những điều tiêu cực.

Từ một người bình thường, chuẩn bị bước vào giảng đường đại học với bao niềm vui và nhiều điều mới mẻ, giờ đây trước mặt Ánh Phượng chỉ còn lại là bốn bức tường xung quanh. Dù gia đình đã cố gắng chạy chữa, nhưng Phượng không còn có thể điều khiển được đôi chân theo ý mình nữa.

Sinh con ra khỏe mạnh, tương lai đang rộng mở, bỗng chốc tai nạn ập xuống chỉ sau một cơn sốt khiến cô Lê Thị Nga như đứt từng khúc ruột. Thế nhưng, cô luôn mạnh mẽ để trở thành điểm tựa cho con. Không chỉ là một người mẹ, cô còn là người bạn đồng hành trong mọi hành trình chữa bệnh, đi học của Ánh Phượng. “Mỗi người mẹ đều mong muốn những gì tốt đẹp nhất cho con mình. Dù con làm gì, chỉ cần con vui thì mình luôn ủng hộ và đồng hành cùng con”, cô Nga chia sẻ.

Cô Dương Thị Vân và Ánh Phượng tại Chương trình.

Chứng kiến sự yêu thương, ân cần chăm sóc của mẹ, Phượng đã nghĩ mình không thể sống mãi trong sự tiếc nuối này và cần làm điều gì đó để tự nuôi sống bản thân, đỡ đần gánh nặng kinh tế trên vai mẹ.

Nghĩ là làm, năm 2016, Nguyễn Ánh Phượng đã tham gia nhóm thiện nguyện “Hy vọng xanh”. Hoạt động này giúp Ánh Phượng tự tin, thích nghi với cuộc sống của một người khuyết tật, tham gia các công việc thiện nguyện, lan tỏa hạnh phúc đến mọi người.

Sự xuất hiện bất ngờ của cô Dương Thị Vân tại trường quay Trạm yêu thương khiến Phượng xúc động. Cô Vân vừa là cô giáo, vừa là điểm tựa tinh thần giúp Ánh Phượng thích nghi với cuộc sống trong những ngày gặp khó khăn sau biến cố. Cô còn là người đưa Phượng đến với đam mê thiện nguyện, tham gia những hoạt động vì cộng đồng. Được lắng nghe và giúp đỡ những người cùng cảnh ngộ, Phượng có thêm sự đồng cảm và càng thêm tin yêu vào cuộc sống: “Điều mình thấy vui nhất là có thể dùng năng lực của mình để làm điều ý nghĩa”.

Trong tương lai, Ánh Phượng mong muốn công việc đan móc của mình sẽ phát triển hơn nữa để cô có thêm điều kiện giúp đỡ những hoàn cảnh không may trong cuộc sống. Món quà của Trạm yêu thương sẽ phần nào tiếp thêm sức mạnh cho Phượng thực hiện những mong muốn tốt đẹp ấy.

Không chỉ khéo tay, Nguyễn Ánh Phượng còn bật mí nhiều tài lẻ của bản thân trong chương trình Trạm yêu thương, lên sóng lúc 10h00 thứ Bảy ngày 26/10/2024 trên kênh VTV1./.

Tin, ảnh: HP

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN