Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Trách nhiệm của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian trong bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc theo một số Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và pháp luật Việt Nam

Thứ Sáu, 20/10/2023 23:40 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Trong bối cảnh mới hiện nay, vai trò của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian trong ngăn ngừa và xử lý các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nói chung và quyền tác giả đối với các tác phẩm âm nhạc nói riêng trở nên vô cùng quan trọng…

Ca sỹ Sơn Tùng MTP. Ảnh: Internet 

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin, đặc biệt là mạng Internet, đã giúp con người có thể kết nối và tiếp cận thông tin một cách dễ dàng và nhanh chóng. Tuy nhiên, sự thuận lợi trong việc tiếp cận thông tin cũng khiến những hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trở nên dễ dàng hơn, tinh vi hơn và khó kiểm soát hơn. Trong bối cảnh đó, vai trò của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian trong ngăn ngừa và xử lý các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nói chung và quyền tác giả đối với các tác phẩm âm nhạc nói riêng trở nên vô cùng quan trọng. Nhận thức được vấn đề đó, các quốc gia trên thế giới và Việt Nam đã có những quy định mới nhằm quy định một cách rõ ràng, chặt chẽ trách nhiệm của các chủ thể này.

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin, đặc biệt là mạng Internet, đã giúp các chủ thể ở mọi nơi trên thế giới có thể kết nối và tiếp cận thông tin một cách dễ dàng và nhanh chóng. Cùng với đó, nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật, trong đó có tác phẩm âm nhạc, đã và đang được công bố, phổ biến đến công chúng thông qua các nền tảng công nghệ do các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian (Intermediary Service Provider – ISP) kiểm soát như Youtube, Facebook, Tiktok,.. Điều này đã giúp cho việc truyền tải, phổ biến các tác phẩm đến với công chúng trở nên nhanh chóng và rộng rãi hơn. Đồng thời, người dùng có thể truy cập và sử dụng nội dung một cách tiện lợi, dễ dàng. Song song với những lợi ích đó, do tính chất “phẳng” của môi trường số, các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, trong đó có hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan đối với các tác phẩm âm nhạc, diễn ra ngày càng dễ dàng, phổ biến và vượt ra khỏi lãnh thổ của một quốc gia. Một số ví dụ nổi bật có thể kể đến như: bài hát “Có chắc yêu là đây” của ca sĩ Sơn Tùng MTP bị tố đạo nhạc của một nhạc sĩ nước ngoài. Một ví dụ khác là trường hợp công ty cổ phần VNG kiện Tik Tok – nền tảng trung gian cho phép người dùng chia sẻ video ngắn vào tháng 8 năm 2020. VNG cáo buộc Tik Tok để người dung đăng tải trái phép nhiều bản ghi âm, ghi hình thuộc sở hữu của Zing Mp3 – trang web nghe nhạc trực tuyến thuộc VNG và yêu cầu bồi thường thiệt hại lên tới 221 tỷ đồng. Trong bối cảnh đó, việc nâng cao trách nhiệm của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trong ngăn ngừa và xử lý các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nói chung và quyền tác giả đối với các tác phẩm âm nhạc nói riêng là một yêu cầu cấp thiết.

Hiện nay, các quy định về trách nhiệm của các ISP trong bảo hộ các tác phẩm âm nhạc đã được ghi nhận trong một số Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam là thành viên. Trong số đó phải kể đến Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Châu Âu EU (EVFTA) và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Đồng thời, pháp luật Việt Nam, đặc biệt là Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 sửa đổi, bổ sung năm 2022 (sau đây gọi tắt là Luật Sở hữu trí tuệ năm 2022),[11] đã có một số quy định riêng biệt về trách nhiệm pháp lý về quyền tác giả đối với ISP. Trên cơ sở phân tích và đánh giá quy định của EVFTA, CPTPP và pháp luật Việt Nam hiện hành, bài viết sẽ làm rõ trách nhiệm pháp lý về quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc của ISP. Đồng thời, bài viết cũng chỉ ra một số điểm còn tồn tại của những quy định này và đưa ra một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc trên môi trường số.

Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian và vấn đề bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc trên môi trường số

Theo quy định của pháp luật Việt Nam, “tác phẩm là sản phẩm sáng tạo trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật và khoa học thể hiện bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào”. Tác phẩm bao gồm rất nhiều thể loại khác nhau, trong đó có các tác phẩm âm nhạc. Tác phẩm âm nhạc được hiểu là “tác phẩm được thể hiện dưới dạng nhạc nốt trong bản nhạc hoặc các ký tự âm nhạc khác hoặc được định hình trên bản ghi âm, ghi hình có hoặc không có lời, không phụ thuộc vào việc trình diễn hay không trình diễn”. Tương tự như các tác phẩm khác, tác phẩm âm nhạc là sản phẩm sáng tạo của trí tuệ con người. Nhằm đảm bảo quyền lợi của những người sáng tạo ra các sản phẩm đó cũng như khuyến khích hoạt động sáng tạo của các chủ thể khác trong xã hội, pháp luật các quốc gia và pháp luật Việt Nam đã có quy định về quyền tác giả cũng như cơ chế bảo hộ quyền tác giả đối với các tác phẩm âm nhạc. Theo Khoản 2 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 sửa đổi, bổ sung năm 2022, quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu. Quyền tác giả bao gồm quyền nhân thân và quyền tài sản. Quyền tác giả đối với các tác phẩm âm nhạc phát sinh ngay khi tác phẩm được định hình dưới một hình thức vật chất nhất định mà không phụ thuộc vào việc trình diễn hay không trình diễn, đăng kí hay không đăng ký.

Với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, đặc biệt là mạng Internet và các nền tảng do các ISP cung cấp, các tác phẩm âm nhạc đã và đang được công bố, phổ biến đến công chúng một cách rộng rãi và nhanh chóng. “ISP” (hay Intermediary service provider - viết tắt là ISP) là doanh nghiệp cung cấp phương tiện kỹ thuật để tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ đưa nội dung thông tin số lên môi trường mạng viễn thông và mạng Internet; cung cấp kết nối trực tuyến cho công chúng tiếp cận, sử dụng nội dung thông tin số trên môi trường mạng viễn thông và mạng Internet. Các ISP phổ biến có thể kể đến như: nền tảng truyền thông mạng xã hội (Facebook, Instagram, Zalo…); nền tảng đa phương tiện (Youtube, Tiktok…). Thông qua các nền tảng này, công chúng ở mọi nơi trên thế giới có thể biết đến tác phẩm âm nhạc của các tác giả một cách đơn giản và nhanh chóng. Song song với đó, việc sao chép, chỉnh sửa đối với các tác phẩm âm nhạc cũng trở nên vô cùng dễ dàng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các quyền mà pháp luật đã ghi nhận cho tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả đối với các tác phẩm âm nhạc đó. Trong bối cảnh đó, các ISP, với vai trò là chủ thể kết nối người sử dụng nền tảng và tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả của các tác phẩm âm nhạc, đóng một vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa, kiểm soát, và xử lý kịp thời các hành vi xâm phạm quyền tác giả đối với các tác phẩm âm nhạc trên nền tảng mà doanh nghiệp đó cung cấp.

Trách nhiệm của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian trong bảo hộ tác phẩm âm nhạc theo quy định của một số hiệp định tự do hoá thương mại thế hệ mới mà Việt Nam là thành viên

Cùng với tiến trình hội nhập quốc tế, Việt Nam đã và đang đàm phán, ký kết nhiều hiệp định tự do hoá thương mại trong đó có các quy định liên quan đến trách nhiệm của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian (ISP) trong bảo hộ tác phẩm âm nhạc. Trong số đó phải kể đến các quy định trong EVFTA và CPTPP.

*  Theo Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)

 CPTPP là một hiệp định thương mại tự do thế hệ mới được chính thức ký kết vào tháng 03/2018 bởi 11 quốc gia trên cơ sở Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Hiệp định chính thức có hiệu lực tại Việt Nam từ 11/1/2019. Hiện nay, CPTPP là văn kiện thương mại có hiệu lực với khoảng 500 triệu dân ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương với giá trị đóng góp khoảng 14% GDP của thế giới và khoảng 15% thương mại toàn cầu. Mục tiêu chính của CPTPP là tăng cường hợp tác kinh tế cũng như các chính sách, quy định thương mại giữa các quốc gia, thông qua đó tiến tới xóa bỏ các loại thuế quan và rào cản thương mại đối với hàng hóa, dịch vụ xuất, nhập khẩu giữa các nước thành viên, nhằm tăng cường thương mại và đầu tư, thúc đẩy sáng kiến, đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế và lợi ích xã hội. Hiệp định đã có các quy định điều chỉnh nhiều lĩnh vực cơ bản như thương mại hàng hoá, thương mại dịch vụ, chính sách cạnh tranh, hợp tác về môi trường, lao động, và đặc biệt là sở hữu trí tuệ. Tại chương 18 với 83 điều, Hiệp định đã điều chỉnh nhiều vấn đề liên quan đến bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ, trong đó có các quy định riêng biệt về trách nhiệm pháp lý của nhà cung cấp dịch vụ trung gian đối với việc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nói chung và quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc nói riêng.

Hiệp định đã đưa ra định nghĩa riêng biệt về ISP tại Điều 18.81. Theo đó, ISP được hiểu bao gồm:

- Doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ trực tuyến cho việc truyền dẫn, định tuyến, hoặc cung cấp kết nối cho truyền thông trực tuyến kỹ thuật số, giữa hai hay nhiều điểm do người dùng xác định, đối với các nội dung do người dùng lựa chọn, thực hiện chức năng truyền tải, định tuyến hoặc cung cấp những liên kết của tài liệu mà không làm thay đổi nội dung của nó, hoặc việc lưu trữ trung gian và tạm thời các tài liệu đó được tiến hành tự động trong một quy trình kỹ thuật, và

- Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trực tuyến thực hiện chức năng (a) lưu trữ tài liệu theo sự chỉ dẫn của người sử dụng, trên một hệ thống hoặc không gian mạng được kiểm soát hoặc vận hành bởi nhà cung cấp dịch vụ, hoặc (b) chuyển hoặc kết nối người dùng đến một vị trí trực tuyến bằng việc sử dụng các công cụ định vị thông tin bao gồm các siêu liên kết và thư mục.

Bên cạnh việc đưa ra một định nghĩa rất rộng và bao quát hầu hết các lĩnh vực của các ISP, CPTPP còn có quy định liên quan đến trách nhiệm pháp lý của chủ thể này trong bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ, trong đó bao gồm cả quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc. Theo đó, về nguyên tắc ISP sẽ phải chịu trách nhiệm đối với các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (bao gồm cả hành vi xâm phạm quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc) xảy ra trên nền tảng mà doanh nghiệp đó cung cấp hoặc kiểm soát. Hay nói cách khác, trong trường hợp có hành vi xâm phạm quyền tác giả đối với các tác phẩm âm nhạc xảy ra trên các nền tảng mà ISP cung cấp hoặc kiểm soát, chủ sở hữu quyền tác giả có thể yêu cầu ISP bồi thường thiệt hại trừ trường hợp doanh nghiệp này chứng minh được mình thuộc trường hợp được giảm hoặc miễn trừ trách nhiệm.

 CPTPP cũng quy định pháp luật quốc gia sẽ cụ thể hoá những trường hợp ISP được giảm hoặc miễn trách nhiệm pháp lý đối với các hành vi xâm phạm quyền tác giả đó. Trong đó bao gồm, ISP sẽ được miễn trừ trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với các hành vi xâm phạm quyền tác giả diễn ra trên hệ thống hoặc mạng được vận hành bởi hoặc thay mặt họ nếu (i) doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian không phải là người điều khiển, khởi xướng, hay chỉ đạo các hành vi xâm phạm quyền tác giả đó; và (ii) doanh nghiệp thực hiện một trong các chức năng sau:

- Truyền dẫn, định tuyến, hoặc cung cấp kết nối đến các tài liệu mà không làm thay đổi nội dung của tài liệu đó, hoặc lưu trữ trung gian và tạm thời các tài liệu đó một cách tự động trong một quy trình kỹ thuật;

- Lưu trữ tạm thời thực hiện thông qua một quy trình tự động;

- Lưu trữ, theo chỉ định của người dùng, tài liệu trên hệ thống hoặc mạng được điều khiển hoặc vận hành bởi doanh nghiệp đó với điều kiện doanh nghiệp phải nhanh chóng gỡ bỏ hoặc ngăn chặn việc truy cập đến tài liệu trên mạng hoặc hệ thống của họ khi thực tế biết được hành vi xâm phạm quyền tác giả hoặc biết được các sự kiện, tình huống trong đó hành vi xâm phạm là rõ ràng hiển nhiên.

- Chuyển hoặc kết nối người dùng đến một vị trí trực tuyến bằng việc sử dụng các công cụ định vị thông tin, gồm cả siêu liên kết và thư mục với điều kiện ISP gỡ bỏ hoặc ngăn chặn việc truy cập đến tài liệu trên mạng hoặc hệ thống của họ khi thực tế biết được hành vi xâm phạm quyền tác giả hoặc biết được các sự kiện, tình huống trong đó hành vi xâm phạm là rõ ràng hiển nhiên.

Bên cạnh đó, CPTPP cũng quy định ISP có trách nhiệm hợp tác với chủ sở hữu quyền tác giả đối với các tác phẩm âm nhạc trong việc ngăn chặn các hành vi lưu trữ và truyền tải các nội dung đã được bảo hộ mà chưa được sự cho phép của chủ thể quyền. Cụ thể, các quốc gia có thể xây dựng quy định về cơ chế thông báo phản hồi về các hành vi xâm phạm quyền tác giả đối với các tác phẩm âm nhạc trên các nền tảng do ISP cung cấp. Theo đó, thay vì thực hiện các thủ tục pháp lý tại cơ quan có thẩm quyền như khởi kiện tại tòa án, yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, chủ sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc có thể gửi thông báo về nội dung vi phạm và yêu cầu ISP thực hiện ngay các biện pháp nhằm gỡ bỏ hoặc ngăn chặn truy cập nội dung bị cáo buộc xâm phạm. ISP cũng có trách nhiệm thông báo cho chủ thể quyền các thông tin thuộc phạm vi quản lý của mình nhằm xác định đối tượng bị cáo buộc là vi phạm. Tuy nhiên, những thông tin này chỉ được khai thác với mục đích bảo hộ hoặc thực thi quyền tác giả đó.

Đồng thời, các quốc gia cũng có thể đưa ra các quy định nhằm tạo động lực cho các ISP có hành động thích hợp để ngăn chặn các hành vi xâm phạm các tác phẩm đã được bảo hộ trên nền tảng mà họ cung cấp hoặc kiểm soát.

Như vậy có thể thế các quy định về trách nhiệm của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trong bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ nói chung và quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc nói riêng trong CPTPP khá cụ thể và rõ ràng. Tuy nhiên, hiện nay, nghĩa vụ của các quốc gia thành viên trong việc xây dựng quy định pháp lý nhằm hiện thực hiện hoá các trách nhiệm của ISP trong CPTPP hiện đang tạm hoãn thực hiện.

* Theo Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA):

Bên cạnh CPTPP, các quy định về trách nhiệm pháp lý của ISP trong bảo hộ quyền tác giả đối với các tác phẩm âm nhạc cũng được quy định khá rõ ràng trong Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA). EVFTA là hiệp định thương mại tự do thế hệ mới giữa Việt Nam và 27 nước thành viên EU được ký kết vào ngày 30/06/2019. Với phạm vi cam kết rộng và mức độ cam kết cao nhất, EVFTA được coi là một Hiệp định toàn diện, chất lượng cao và đảm bảo cân bằng về lợi ích cho cả Việt Nam và EU, đồng thời phù hợp với các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), cũng như đã lưu ý đến chênh lệch về trình độ phát triển giữa hai bên. Việc ký kết và phê chuẩn EVFTA phù hợp với chính sách đối ngoại và chủ trương của ta trong việc đưa quan hệ với các đối tác lớn như EU, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nâng cao vị thế quốc tế của Việt Nam. Hiệp định bao gồm 17 Chương, 8 Phụ lục, 2 Nghị định thư, 2 Biên bản ghi nhớ và 4 Tuyên bố chung điều chỉnh nhiều vấn đề như: Thuế quan, cạnh tranh nhà nước, mua sắm Chính phủ, …Hiệp định đã quy định các vấn đề liên quan đến bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ tại chương 12. Đặc biệt, tại Mục C Tiểu mục 3, Hiệp định đã có quy định về trách nhiệm của các quốc gia thành viên trong việc ban hành các quy định về trách nhiệm pháp lý của ISP trong bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ nói chung, trong đó có bảo hộ quyền tác giả đối với các tác phẩm âm nhạc trên môi trường số. Cụ thể, theo khoản 1 Điều 12.55 của EVFTA, ISP sẽ phải chịu trách nhiệm về việc xâm phạm quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc xảy ra trên nền tảng mà doanh nghiệp đó cung cấp hoặc kiểm soát trừ trường hợp được miễn trừ hoặc giới hạn trách nhiệm. Theo quy định của Hiệp định, ISP sẽ được miễn trừ trách nhiệm trong trường hợp sau đây:

- Thứ nhất, ISP chỉ truyền dẫn trong mạng viễn thông các thông tin do người sử dụng dịch vụ cung cấp, hoặc cung cấp truy cập mạng viễn thông ("chỉ truyền dẫn" – mere conduit);

- Thứ hai, ISP chỉ tạm thời lưu trữ thông tin do người sử dụng cung cấp (caching). Cụ thể, ISP được phép lưu trữ tự động, trung gian và tạm thời các thông tin do người sử dụng dịch vụ cung cấp. Tuy nhiên, việc lưu trữ tạm thời này chỉ được thực hiện nhằm đảm bảo việc truyền tải thông tin đến người sử dụng dịch vụ được hiệu quả và đảm bảo 5 điều kiện sau đây:

(i) không thay đổi thông tin trừ trường hợp vì lý do kỹ thuật;

 (ii) tuân thủ các điều kiện về tiếp cận thông tin;

 (iii) tuân thủ các quy định liên quan đến cập nhật thông tin, được quy định cụ thể theo cách thức được ngành công nghiệp công nhận và sử dụng rộng rãi;

(iv) không được can thiệp để có được dữ liệu về việc sử dụng thông tin bằng việc sử dụng hợp pháp công nghệ đã được ngành công nghiệp thừa nhận và sử dụng rộng rãi;

(v) gỡ bỏ hoặc ngăn chặn việc truy cập thông tin đã được lưu trữ khi biết rằng thực tế là thông tin tại nguồn truyền dẫn đã được gỡ bỏ khỏi mạng hoặc truy cập đã bị chặn;

- Thứ ba, trường hợp ISP cho phép lưu trữ thông tin do người sử dụng cung cấp trong một thời gian dài (hosting) sẽ được miễn trừ trách nhiệm đối với các hành vi xâm phạm quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc trên nền tảng do mình cung cấp nếu đáp ứng được hai điều kiện. Một là, doanh nghiệp chứng minh được trong quá trình cho phép lưu trữ thông tin, doanh nghiệp không biết về việc nội dung thông tin được lưu trữ có xâm phạm đến quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc được bảo hộ. Hai là, ngay khi phát hiện có hành vi xâm phạm quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc, ISP đã nhanh chóng gỡ bỏ hoặc ngăn chặn việc truy cập những thông tin vi phạm này.

Bên cạnh các điều kiện do Hiệp định quy định, các quốc gia thành viên có thể bổ sung thêm các điều kiện để các ISP được hưởng giới hạn hoặc miễn trừ trách nhiệm trong từng trường hợp nêu trên.

Trách nhiệm của ISP trong bảo hộ tác phẩm âm nhạc theo quy định của pháp luật Việt Nam

Tại Việt Nam, các ISP đã và đang phát triển một cách mạnh mẽ nhằm người cung cấp và sử dụng hàng hoá, dịch vụ tại Việt Nam và các quốc gia khác trên thế giới. Tuy nhiên, do tính chất “phẳng” của môi trường số, các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, trong đó có quyền tác giả đối với các tác phẩm âm nhạc, diễn ra ngày càng dễ dàng, phổ biến. Trong bối cảnh đó, nhằm nâng cao hiệu quả của việc bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ trên không gian mạng và thực thi các cam kết quốc tế, pháp luật Việt Nam đã có những quy định riêng biệt ISP và trách nhiệm của chủ thể này trong bảo hộ các tác phẩm âm nhạc.

Theo quy định của pháp luật Việt Nam, ISP là các doanh nghiệp cung cấp một, một số hoặc toàn bộ các dịch vụ sau đây:

- Dịch vụ “chỉ truyền dẫn” là dịch vụ truyền dẫn trên mạng viễn thông và mạng Internet nội dung thông tin số do người sử dụng dịch vụ cung cấp hoặc dịch vụ cung cấp khả năng truy nhập vào mạng viễn thông và mạng Internet;

- Dịch vụ “lưu trữ đệm” là dịch vụ truyền dẫn trên mạng viễn thông và mạng Internet nội dung thông tin số do người sử dụng dịch vụ cung cấp mà có hoạt động lưu trữ tự động, trung chuyển và tạm thời nội dung thông tin số đó. Hoạt động lưu trữ tự động, trung chuyển và tạm thời này được thực hiện với mục đích duy nhất là làm cho việc chuyển tiếp nội dung thông tin số đó một cách hiệu quả hơn đến người sử dụng dịch vụ khác theo yêu cầu của họ;

- Dịch vụ “lưu trữ nội dung thông tin số theo yêu cầu” là dịch vụ cho người sử dụng lưu trữ nội dung thông tin số do người sử dụng cung cấp theo yêu cầu của họ.

Các doanh nghiệp này có thể là doanh nghiệp Việt Nam hoặc doanh nghiệp nước ngoài, bao gồm: (i) Doanh nghiệp viễn thông cung cấp dịch vụ truy nhập Internet, dịch vụ kết nối Internet; (ii) Doanh nghiệp viễn thông cung cấp dịch vụ kênh thuê riêng; (iii) Doanh nghiệp cho thuê chỗ đặt máy chủ, cho thuê máy chủ dùng riêng; (iv) Doanh nghiệp cho thuê chỗ lưu trữ nội dung thông tin số theo yêu cầu; (v) Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng xã hội trực tuyến; (vi) Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ tìm kiếm nội dung thông tin số; và (vii) và các doanh nghiệp khác cung cấp một hoặc một số dịch vụ có chức năng đưa nội dung thông tin số lên môi trường mạng viễn thông và mạng Internet; cung cấp kết nối trực tuyến cho công chúng tiếp cận, sử dụng nội dung thông tin số trên môi trường mạng viễn thông và mạng Internet.

Như vậy, rất nhiều chủ thể cung cấp cơ sở hạ tầng cho việc truyền phát, phân phối tác phẩm âm nhạc như Facebook, Youtube, Tiktok,… đều thuộc nhóm doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian và phải chịu trách nhiệm pháp lý đối với việc bảo hộ và thực thi quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc được cung cấp trên nền tảng của mình.

Theo khoản 2 Điều 198b Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi, bổ sung năm 2022, các ISP có trách nhiệm triển khai các biện pháp kỹ thuật, phối hợp với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, các chủ thể quyền thực thi các biện pháp bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan trên môi trường mạng viễn thông và mạng Internet. Quy định này buộc các ISP phải chủ động rà soát, bảo vệ, kiểm tra các nội dung trên môi trường mạng viễn thông và mạng Internet mà doanh nghiệp đó cung cấp. Đồng thời, doanh nghiệp có trách nhiệm tiếp nhận và rà soát khả năng xâm phạm quyền tác giả khi có đơn yêu cầu của chủ thể quyền hoặc khi có yêu cầu các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Bên cạnh đó, khi phát hiện có hành vi xâm phạm quyền tác giả, doanh nghiệp cũng có trách nhiệm thực hiện các biện pháp kỹ thuật và phối hợp với các chủ thể quyền và cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhằm xử lý các hành vi xâm phạm.

Đối với các trường hợp hành vi xâm phạm quyền tác giả đối với các tác phẩm âm nhạc xuất hiện trên mạng truyền thông hoặc mạng Internet mà doanh nghiệp cung cấp, doanh nghiệp có thể phải chịu trách nhiệm pháp lý trực tiếp hoặc chịu trách nhiệm pháp lý gián tiếp.

Thứ nhất, trong trường hợp ISP trực tiếp thực hiện hành vi xâm phạm quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc, doanh nghiệp này sẽ phải chịu các trách nhiệm pháp lý tương ứng theo quy định của pháp luật đối với các hành vi xâm phạm quyền tác giả. Trong trường hợp này, chủ thể quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc có quyền khởi kiện trực tiếp ISP do xâm phạm quyền tác giả hoặc có thể yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền thực hiện các biện pháp xử lý hành vi vi phạm của ISP theo quy định của pháp luật.

Thứ hai, nếu ISP không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các biện pháp cần thiết theo quy định tại khoản 2 Điều 198b Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi, bổ sung năm 2022 nhằm bảo vệ quyền tác giả đối với các tác phẩm âm nhạc trên nền tảng mà doanh nghiệp đó cung cấp, chủ thể này sẽ phải chịu trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại do hành vi xâm phạm quyền tác giả do người sử dụng dịch vụ gây ra.

Tuy nhiên, tương ứng với các quy định của EVFTA và CPTPP, pháp luật Việt Nam cũng đã xây dựng một cơ chế “Bến An toàn” (Safe Harbor) cho các ISP. Theo đó, ISP sẽ được miễn trừ trách nhiệm pháp lý đối với hành vi xâm phạm quyền tác giả đối với các tác phẩm âm nhạc trên môi trường mạng viễn thông và mạng internet liên quan đến việc cung cấp hoặc sử dụng dịch vụ của doanh nghiệp đó trong các trường hợp sau đây:

Thứ nhất, chỉ thực hiện việc truyền dẫn nội dung thông tin số hoặc cung cấp khả năng truy nhập đến nội dung thông tin số (mere conduit);

Thứ hai, khi thực hiện chức năng lưu trữ đệm (caching) trong quá trình truyền dẫn thông tin, ISP phải thực hiện một cách tự động, tạm thời nhằm mục đích trung chuyển thông tin và làm cho việc truyền dẫn thông tin hiệu quả hơn, với các điều kiện sau: chỉ biến đổi thông tin vì lý do công nghệ; tuân thủ các điều kiện truy nhập, sử dụng nội dung thông tin số; tuân thủ các quy tắc về cập nhật nội dung thông tin số được quy định cụ thể theo cách thức được ngành công nghiệp thừa nhận và sử dụng rộng rãi; không ngăn cản việc sử dụng hợp pháp công nghệ được thừa nhận rộng rãi trong ngành công nghiệp để lấy dữ liệu về việc sử dụng nội dung thông tin số; gỡ bỏ nội dung thông tin số hoặc không cho truy nhập đến nội dung thông tin số khi biết rằng nội dung thông tin số đó đã được gỡ bỏ tại nguồn khởi đầu hoặc nguồn khởi đầu đã hủy việc truy nhập đến nội dung thông tin số đó;

Thứ ba, ISP lưu trữ nội dung thông tin số của người sử dụng dịch vụ theo yêu cầu của người sử dụng dịch vụ (hosting) với các điều kiện sau: (i) doanh nghiệp không biết rằng nội dung thông tin số đó xâm phạm quyền tác giả; và (ii) doanh nghiệp có hành động nhanh chóng gỡ bỏ hoặc ngăn chặn việc truy nhập đến nội dung thông tin số đó khi biết rằng nội dung thông tin số đó xâm phạm quyền tác giả. Cụ thể, theo yêu cầu của chủ thể quyền và dựa trên các tài liệu chứng cứ chứng minh do chủ thể này cung cấp, các ISP phải tạm gỡ bỏ hoặc ngăn chặn việc truy đến nội dung thông tin xâm phạm quyền tác giả và thông báo cho chủ thể quyền và bên có nội dung số đó. Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày tạm gỡ bỏ/ngăn chặn như đã nêu trên, nếu ISP không nhận được thông báo phản đối việc tạm gỡ bỏ/ngăn chặn kèm theo tài liệu chứng cứ chứng minh cho phản đối đó thì ISP phải gỡ bỏ/ngăn chặn việc truy nhập tới nội dung số đó. Trường hợp nhận được phản đối của bên bị yêu cầu gỡ bỏ, trong vòng 72 giờ, ISP khôi phục lại thông tin số bị gỡ hoặc ngăn chặn đồng thời chuyển tiếp văn bản phản đối kèm theo chứng cứ của bên bị yêu cầu cho chủ thể quyền. Sau khi đã chuyển tiếp phản đối kèm chứng cứ của bên bị yêu cầu cho bên yêu cầu mà bên yêu cầu hoặc bên bị yêu cầu không khởi kiện dân sự hoặc yêu cầu cơ quan thực thi xử lý hành vi xâm phạm hoặc tòa án, cơ quan thực thi không thụ lý đơn yêu cầu thì ISP khôi phục lại thông tin số đã gỡ bỏ hoặc ngăn chặn. Nếu Tòa án hoặc cơ quan thực thi thụ lý đơn yêu cầu thì ISP thực hiện theo quyết định của Tòa án hoặc cơ quan thực thi. Đây còn được gọi là “Quy trình 72 giờ & 10 ngày làm việc”. Đối với với thông tin số được phát trực tiếp (livestream) theo thời gian thực, chủ thể quyền chủ động cung cấp chứng cứ xâm phạm tới ISP trước giờ phát trực tiếp tối thiểu 24 giờ để kịp thời ngăn chặn. Theo đó, ISP ngay lập tức tạm gỡ bỏ/ngăn chặn việc truy nhập tới nội dung số đồng thời thông báo cho bên yêu cầu và bên bị yêu cầu; tiếp tục thực hiện theo “Quy trình 72 giờ & 10 ngày làm việc” như đã quy định tại khoản 1 Điều 114 Nghị định 17/2023/NĐ-CP.

Trong trường hợp nhận được yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền tác giả, cơ quan chuyên môn quản lý nhà nước về quyền tác giả của Bộ Văn hoá, Thể Thao, và Du lịch, ISP sẽ được miễn trách nhiệm nếu thực hiện việc gỡ bỏ hoặc ngăn chặn việc truy nhập thông tin vi phạm và đồng thời phải thông báo cho bên có nội dung số bị gỡ bỏ, và phải báo cáo kết quả thực hiện cho cơ quan thực thi đã yêu cầu trong thời gian 24 giờ kể từ khi nhận được yêu cầu. Yêu cầu gỡ bỏ hoặc ngăn chặn việc truy nhập tới nội dung số xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan được tiến hành bởi cơ quan thực thi là bằng chứng chứng minh rằng ISP biết nội dung thông tin số đó xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan. Điều này có nghĩa là nếu ISP cung cấp dịch vụ hosting không thực hiện các biện pháp gỡ bỏ hoặc ngăn chặn hành vi xâm phạm quyền tác giả trên nền tảng của mình trong thời hạn 24 giờ kể từ khi nhận được yêu cầu thi ISP sẽ không còn được hưởng miễn trừ trách nhiệm pháp lý đối với các thông tin xâm phạm đó mà phải chịu trách nhiệm liên đới đối với các hành vi xâm phạm quyền tác giả trên nền tảng của ISP đó. Trường hợp bên có nội dung thông tin số bị gỡ bỏ/ngăn chặn hoặc ISP phản đối với quyết định của cơ quan có thẩm quyền, các chủ thể này có quyền tiến hành khiếu nại, tố cáo, khởi kiện theo quy định pháp luật đối với quyết định của cơ quan có thẩm quyền.

Kết luận và khuyến nghị

Với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ và mạng Internet tại Việt Nam, các hành vi xâm phạm quyền tác giả đối với các tác phẩm nghệ thuật, đặc biệt là các tác phẩm âm nhạc, trên không gian mạng đã trở nên ngày càng phức tạp và khó kiểm soát. Nhằm đảm bảo ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi xâm phạm quyền tác giả, bảo đảm quyền của các tác giả cũng như đảm bảo thực thi các cam kết quốc tế, pháp luật Việt Nam đã có những quy định chi tiết và khá đầy đủ về trách nhiệm của các chủ thể liên quan, trong đó có trách nhiệm của các ISP trong việc ngăn chặn kịp thời việc xâm phạm quyền tác giả xuất hiện trên nền tảng do các ISP cung cấp. Các quy định này phù hợp với các nghĩa được nêu trong EVFTA và CPTPP. Theo đó, các ISP sẽ phải chịu trách nhiệm đối với các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ xảy ra trên nền tảng của mình nếu hành vi đó do ISP tự thực hiện hoặc do người sử dụng của ISP thực hiện. Việc ghi nhận trách nhiệm gián tiếp của ISP đối với việc xâm phạm quyền tác giả trên nền tảng do ISP đó cung cấp hoặc kiểm soát sẽ tạo động lực buộc các ISP phải tham gia tích cực hơn, chủ động hơn và hiệu quả hơn trong việc gỡ bỏ, ngăn chặn và hạn chế các thông tin bị cáo buộc là xâm phạm quyền tác giả, từ đó nâng cao hơn hiệu quả thực thi quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc trên môi trường số. Bên cạnh đó, việc bổ sung quy định về các trường hợp miễn trừ trách nhiệm của ISP trong trường hợp đã thực hiện các biện pháp một cách nhanh chóng để xử lý các thông tin xâm phạm quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc sẽ giúp đảm bảo thực hiện mục tiêu kép: (i) đảm bảo thực thi quyền sở hữu trí tuệ trên môi trường số và (ii) đảm bảo thúc đẩy tự do Internet, đặc biệt là trong bối cảnh các thông tin xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên môi trường số có thể xuất hiện và phổ biến một cách nhanh chóng cũng như ở phạm vi rộng mà các ISP khó có thể nhận diện hoặc kiểm soát ngay lập tức.

Thực tiễn thời gian qua tại Việt Nam cho thấy các ISP, đặc biệt là các nền tảng thường xuyên có số lượng người sử dụng cao như Youtube, Facebook, Tiktok… cũng đã thiết lập và vận hành các công cụ kiểm tra nhằm phát hiện nhanh chóng và ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm và đơn phương từ chối cung cấp dịch vụ trái với quy định của pháp luật về quyền tác giả và quyền liên quan. Đồng thời các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm trong bảo hộ và thực thi quyền tác giả đối với các tác phẩm âm nhạc cũng đã chủ động phát hiện và gửi yêu cầu đối với các ISP để kịp thời gỡ bỏ hoặc xóa các nội dung vi phạm quyền tác giả đối với các tác phẩm âm nhạc, cắt, ngừng và tạm ngừng đường truyền. Ví dụ, trong năm 2019, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC), tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc, đã gửi nhiều cảnh báo, báo cáo vi phạm về quyền tác giả đối với nhiều website, ứng dụng (app) nhạc, các bản ghi (link) vi phạm quyền tác giả. Trên cơ sở đó, trên 2000 link vi phạm đã bị tháo dỡ trên các nền tảng do các ISP cung cấp hoặc kiểm soát.

Tuy nhiên, các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành về trách nhiệm pháp lý của ISP đối với hành vi xâm phạm quyền tác giả trên nền tảng do ISP cung cấp còn một số điểm chưa rõ ràng. Thứ nhất, Luật Sở hữu trí tuệ Sửa đổi, bổ sung năm 2022 và Nghị định 17/2023/NĐ-CP đã quy định về những trường hợp ISP được miễn trách nhiệm pháp lý nhưng chưa làm rõ được nghĩa vụ chứng minh thuộc về chủ thể quyền hay thuộc về ISP. Cụ thể, theo điều 198b, ISP sẽ được miễn trách nhiệm pháp lý nếu ISP không biết về hành vi xâm phạm hoặc ISP biết về hành vi xâm phạm và chủ động ngăn chặn một cách nhanh chóng. Như vậy, chủ thể nào sẽ có nghĩa vụ chứng minh là ISP đã biết mà không có biện pháp gỡ bỏ hoặc ngăn chặn, hoặc biện pháp mà ISP sử dụng chưa đủ “nhanh chóng”?

Thứ hai, pháp luật Việt Nam hiện hành cho phép ISP được miễn trừ trách nhiệm pháp lý đối với xâm phạm quyền tác giả xuất hiện trên nền tảng của mình nếu ISP thực hiện “nhanh chóng” các biện pháp để gỡ bỏ thông tin sau tác giả đối với tác phẩm âm nhạc được phổ biến trên Internet, hay trong việc xác định các hành vi xâm phạm quyền của mình. Trong khi đó, với tư cách là chủ thể cung cấp nền tảng kết nối cho người sử dụng, ISP có đủ các hiểu biết về các hành vi xâm phạm quyền tác giả cũng như có các biện pháp kĩ thuật, công nghệ để tìm kiếm, xác định những thông tin vi phạm. Vì vậy, việc chỉ yêu cầu các ISP phản ứng một cách “nhanh chóng” với tiêu chí về mặt thời gian đối với các thông tin do chủ thể quyền hoặc cơ quan có thẩm quyền cung cấp sẽ khiến các ISP thiếu tích cực, chủ động trong việc ngăn ngừa và xử lí kịp thời các thông tin vi phạm. 

Thứ ba, pháp luật Việt Nam chưa quy định về nghĩa vụ của ISP trong việc ngăn chặn tái phạm dẫn đến hệ quả chưa loại trừ tối đa khả năng tái diễn hành vi xâm phạm quyền tác giả trên nền tảng do ISP cung cấp. Tại Việt Nam, hiểu biết về pháp luật sở hữu trí tuệ của người dân còn chưa đầy đủ, mức xử phạt các hành vi xâm phạm quyền tác giả đối với các tác phẩm âm nhạc còn chưa đủ sức răn đe. Trong khi đó, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, hiện nay Việt Nam đã có hơn 61 triệu người sử dụng mạng Internet trên cả nước. Điều này đã khiến các hành vi xâm phạm quyền tác giả đối với các tác phẩm âm nhạc của người sử dụng mạng Internet xuất hiện phổ biến và lặp đi lặp lại như việc tải xuống các bản nhạc, video trên các nền tảng mà không trả phí. Trong khi đó, pháp luật sở hữu trí tuệ mới có quy định về nghĩa vụ của ISP trong việc gỡ bỏ hoặc ngăn chặn thông tin vi phạm mà chưa có quy định về nghĩa vụ của ISP đối với những người sử dụng thường xuyên cung cấp các thông tin vi phạm trên ISP nhằm ngăn chặn một cách có hiệu quả những chủ thể thực hiện các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên các nền tảng này.

Với mục tiêu bảo vệ hiệu quả quyền sở hữu trí tuệ trên không gian số nhưng vẫn đảm bảo tự do thông tin trên Internet, các quy định về trách nhiệm của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian trong các Hiệp định tự do hoá thương mại mà Việt Nam là thành viên cũng như pháp luật sở hữu trí tuệ hiện hành là vô cùng kịp thời và cần thiết. Những quy định này sẽ giúp nâng cao trách nhiệm của các ISP hoạt động tại Việt Nam trong việc chủ động xác định và ngăn chặn các hành vi xâm phạm quyền tác giả đối với các tác phẩm âm nhạc và tăng cường sự hợp tác giữa các chủ thể quyền, ISP và cơ quan có thẩm quyền trong việc thực thi có hiệu quả các biện pháp nhằm bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trên môi trường số. Tuy nhiên, pháp luật Việt Nam về vấn đề này hiện vẫn còn một số tồn tại cần sớm được khắc phục nhằm đảm bảo khả năng xử lí và ngăn chặn các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên không gian mạng một cách hiệu quả hơn./.

Thu Thuỷ - Đức Minh - Phương Thảo - Lan Trinh

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN