Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Trách nhiệm của cơ quan Nhà nước trong phòng, chống rửa tiền

Thứ Hai, 24/10/2022 19:03 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Thảo luận tại tổ, các đại biểu Quốc hội tán thành sự cần thiết phải sửa đổi luật Phòng, chống rửa tiền, đồng thời đề nghị, Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung các đối tượng báo cáo trong dự thảo luật; cần làm rõ hơn nữa trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước trong phòng, chống rửa tiền theo nhóm giải pháp phòng và chống …

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, chiều 24/10, các đại biểu thảo luận tại tổ về dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi), dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thời hiệu xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức.

Bổ sung, làm rõ đối tượng báo cáo trong dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi)

Thảo luận tại tổ, nhiều đại biểu bày tỏ sự quan tâm đến dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi). Dự thảo Luật được bố cục gồm 4 chương, 65 điều; về cơ bản kế thừa quy định tại Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2012. Phạm vi điều chỉnh tập trung vào việc quy định các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý tổ chức, cá nhân có hành vi rửa tiền, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng, chống rửa tiền; hợp tác quốc tế trong phòng, chống rửa tiền...

Nhiều ý kiến bày tỏ sự nhất trí với sự cần thiết sửa đổi Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2012 nhằm thể chế hóa các chủ trương của Đảng, Nhà nước; đáp ứng yêu cầu hội nhập, thực hiện các điều ước, cam kết quốc tế. Các đại biểu cho rằng, việc sửa đổi sẽ góp phần khắc phục những bất cập của luật hiện hành; bảo đảm an ninh, an toàn tài chính, tiền tệ quốc gia; tăng cường hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; khắc phục thiếu hụt về cơ chế phòng, chống rửa tiền và tài trợ khủng bố, tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt...

Tuy nhiên, các đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát kỹ lưỡng các nội dung tại dự thảo Luật với các luật có liên quan, như tính đồng bộ, thống nhất của dự thảo Luật với các quy định liên quan đến ứng dụng công nghệ thông tin trong thu thập dữ liệu, xác minh thông tin nhận biết khách hàng hoặc thông qua thuê tổ chức khác hay bên thứ ba... tại Luật An ninh mạng và dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi).

Đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ chiều 24/10. Ảnh: ĐT 

Đi vào một số nội dung cụ thể, liên quan đến đối tượng báo cáo trong dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Thành Trung (Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái) đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung các đối tượng báo cáo của luật như: Công ty viễn thông, cung cấp dịch vụ Mobile Money, dịch vụ chuyển tiền bưu chính,…

Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị, kéo dài thời gian để đối tượng báo cáo, vấn đề báo cáo bằng văn bản và thời gian trong khoảng từ 3 - 5 ngày làm việc; cần quy định cụ thể tại luật trường hợp nào được áp dụng biện pháp trì hoãn giao dịch cũng như chủ thể nào có quyền yêu cầu áp dụng biện pháp trì hoãn giao dịch mà không quy định tại văn bản hướng dẫn thi hành;… 

Quan tâm tới dự thảo luật, đại biểu Vương Quốc Thắng (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam) cho biết, tiền số, tài sản số là một sản phẩm công nghệ xuất hiện phổ biến trong thời gian qua. Tiền số, tài sản số rất dễ dàng được trao đổi trên phạm vi toàn cầu nên tiền số, tài sản số là một kênh để tội phạm có thể lợi dụng rửa tiền, tài trợ khủng bố.

Nhấn mạnh, vấn đề tiền số, tài sản số có nguy cơ bị lạm dụng để thực hiện các hoạt động phi pháp, đại biểu Vương Quốc Thắng đề nghị, cần thiết phải nghiên cứu và xây dựng khung pháp lý để quản lý tiền số, tài sản số để ngăn chặn rủi ro. Bên cạnh đó, cũng cần phải mở rộng phạm vi đối tượng báo cáo là tổ chức cung cấp dịch vụ tài sản số để tạo cơ sở pháp lý cho các cơ quan có thẩm quyền quản lý, thanh tra, giám sát hoạt động này.

Liên quan đến các báo cáo giao dịch đáng ngờ tại Điều 26, Điều 27, Điều 28, Điều 29, Điều 31, đại biểu Nguyễn Thị  Phú Hà (Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình) cho rằng, quy định tại dự luật còn chung chung, khó áp dụng. Đại biểu, đề nghị cơ quan soạn thảo cần rà soát, bổ sung và hoàn thiện để quy định sau khi ban hành đảm bảo tính khả thi, phát huy hiệu quả trên thực tế.

Liên quan đến quy định về trì hoãn giao dịch tại Điều 44, đại biểu Trần Tuấn Anh (Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa) cho rằng, Ban soạn thảo cần phải làm rõ cơ sở hợp lý để nghi ngờ và trì hoãn giao dịch, nếu không sẽ mang cảm tính và rất dễ bị lạm dụng. Tốt nhất nên quy định cụ thể ngay trong dự thảo luật để bảo đảm không hạn chế quyền con người và đồng thời phù hợp với Hiến pháp 2013. 

Đề cập đến vấn đề liên quan đến tiền điện tử, đại biểu Quốc hội Trần Tuấn Anh nêu rõ, đây là khái niệm chưa có trong các quy định pháp luật của chúng ta. Nhưng thực tế, trong hoạt động thực tế của kinh tế thế giới, rất nhiều quốc gia đã nhìn nhận và công nhận vai trò của tiền điện tử và thậm chí có cả những quy định cụ thể của pháp luật để điều chỉnh và đảm bảo cái vai trò của đồng tiền điện tử. Tuy nhiên đây là khái niệm rất mới, do vậy dự thảo Luật cần phải định nghĩa và quy định thật cụ thể về nội dung này.

Nhất trí với việc bổ sung các quy định về đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền, tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương) đề nghị nên quy định theo hướng: định kỳ 2 năm một lần hoặc theo yêu cầu của Quốc hội, Chính phủ có báo cáo đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền để báo cáo Quốc hội bởi đây là vấn đề quan trọng, có thể ảnh hưởng đến an ninh, an toàn tài chính, tiền tệ quốc gia và các cam kết của Việt Nam với quốc tế, do đó, nếu có rủi ro phát sinh liên quan đến chính sách, pháp luật thì Quốc hội phải kịp thời xem xét.

 Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương) phát biểu tại tổ chiều 24/10. (Ảnh: Lâm Hiển)

Đại biểu Hoàng Hữu Chiến (Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang) đề nghị cần rà soát bổ sung, làm rõ nhiệm vụ, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước có liên quan trong phòng, chống rửa tiền theo hai nhóm giải pháp phòng và chống. Theo đại biểu, đây là nội dung cốt lõi, quan trọng nhất của dự luật, sau này có thực hiện hiệu quả được hay không cũng phụ thuộc vào điều này. Tuy nhiên “dự luật chưa quy định rõ, còn chung chung. Trách nhiệm, nhiệm vụ cụ thể của từng cơ quan có liên quan trong "phòng" rửa tiền là gì? trong "chống" rửa tiền là gì? – phải cố gắng xác định rõ”, Đại biểu Hoàng Hữu Chiến nhấn mạnh.

Đồng bộ trong xử lý kỷ luật về Đảng và hành chính đối với cán bộ

Thảo luận tại tổ về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức, đại biểu Phạm Thị Thanh Trà (Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái), Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng, đây là một việc rất cần thiết, xuất phát từ chủ trương của Đảng, yêu cầu tập trung siết chặt kỷ luật, kỷ cương đối với cán bộ, công chức, viên chức, nhất là trong yêu cầu của nhiệm vụ, tình hình mới; đảm bảo khi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức bị xử lý kỷ luật về Đảng thì đồng thời phải xử lý kỷ luật về mặt hành chính.

Theo Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà, quy định về thời hiệu xử lý kỷ luật Đảng và thời hiệu xử lý kỷ luật hành chính đối với cán bộ, công chức, viên chức hiện nay còn khác nhau. Cụ thể, cùng là khiển trách, thời hiệu kỷ luật Đảng là 5 năm, kỷ luật hành chính là 2 năm; với cảnh cáo, thời hiệu kỷ luật Đảng là 10 năm, kỷ luật hành chính là 5 năm. Chính sự vướng mắc, không đồng bộ đó đã dẫn tới những trường hợp xử lý về Đảng nhưng không xử lý được về hành chính.

Vì vậy, dự thảo Nghị quyết đề xuất áp dụng ngay thời hiệu xử lý kỷ luật hành chính đồng bộ với quy định xử lý kỷ luật của Đảng trong thời gian nghiên cứu, trình Quốc hội sửa đổi các luật có liên quan. Theo đó, đề xuất áp dụng thời hiệu kỷ luật 5 năm đối với hành vi vi phạm của cán bộ, công chức, viên chức đến mức phải xử lý khiển trách; 10 năm đối với hành vi vi phạm đến mức phải cảnh cáo trở lên. Các trường hợp không áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật được thực hiện theo quy định của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.

Cần quy định cụ thể về tranh luận, tránh "chen luận"

Góp ý vào dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi), đề cập đến vấn đề tranh luận, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang) đề nghị, cần quy định cụ thể, chặt chẽ hơn đối với việc tranh luận của đại biểu Quốc hội nhằm bảo đảm quyền tranh luận của từng đại biểu cũng như thể hiện rõ tính tranh luận trên nghị trường. Bởi thực tế, vẫn có những phát biểu không mang tính tranh luận mà “chen luận”.

Về trách nhiệm của đại biểu Quốc hội, đa số đại biểu Quốc hội đồng tình với việc dự thảo Nghị quyết đã sửa đổi, bổ sung quy định trách nhiệm của đại biểu Quốc hội theo hướng phải tập trung chuẩn bị ý kiến, tham gia thảo luận vào các nội dung của kỳ. Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình) cho rằng, những điều chỉnh, bổ sung này rất hợp lý để bảo đảm nâng cao chất lượng kỳ họp cũng như là chất lượng của đại biểu Quốc hội.

Tuy nhiên, đại biểu Thanh cho rằng, dự thảo Luật chưa có quy định để đánh giá việc thực hiện trách nhiệm của đại biểu Quốc hội. Do vậy, để bảo đảm các quy định được thực hiện nghiêm túc, đại biểu đề nghị, dự thảo Nghị quyết cần bổ sung quy định về cơ chế để theo dõi, giám sát và đánh giá kết quả hoạt động nhằm bảo đảm tính khả thi của quy định trách nhiệm của đại biểu Quốc hội.

Đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng (Đoàn ĐBQH tỉnh Cần Thơ) đề nghị thêm, cần bổ sung quy định trách nhiệm của đại biểu Quốc hội phải nghiên cứu tài liệu và phải tham gia phát biểu ý kiến tại các phiên họp của Quốc hội và coi đây là một tiêu chí để đánh giá chất lượng của đại biểu Quốc hội, nhất là các cái đại biểu quốc hội chuyên trách./.

Đỗ Thoa

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN