Trách nhiệm của chủ kinh doanh bể bơi để xảy ra đuối nước?
(ĐCSVN) - Thời gian gần đây xảy ra một số vụ tai nạn đuối nước thương tâm ở các bể bơi, trong đó đa phần là bể bơi tư nhân và đối tượng chính là trẻ em. Vậy dưới góc độ pháp lý, trách nhiệm của các chủ bể bơi sẽ như thế nào?
Trước đó, chiều 11/3, một bé trai cùng gia đình từ quận Bình Thạnh sang hồ bơi tại một khu dân cư cao cấp ở phường Phú Hữu, quận 9, TP Hồ Chí Minh chơi. Đang bơi trong hồ, bé bất ngờ bị đuối nước rồi chìm sâu xuống đáy. Sau đó mặc dù đã được các bác sĩ tận tình cứu chữa, nhưng đáng tiếc cháu bé không qua khỏi.
Và gần đây là một vụ việc tương tự tại TP Bắc Giang. Chiều 5/6, chị H ở TP Bắc Giang đưa 3 đứa cháu nhỏ (một cháu 9 tuổi, một cháu 6 tuổi và một cháu 4 tuổi) đi tắm ở bể bơi Bốn mùa thuộc Công ty TNHH đầu tư và thương mại 379 ở tổ dân phố 1A, phường Trần Nguyên Hãn, TP Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang. Trong lúc tắm tráng và thay quần áo cho cháu 4 tuổi để chuẩn bị ra về, hai cháu còn lại đợi ở ngoài khu vực gần bể dành cho trẻ em. Ít phút sau trở ra, chị H tá hỏa khi không tìm thấy cháu 6 tuổi. Chị chạy vòng ra xe ô tô, chạy tìm quanh khu vực thay đồ và nơi có người đang tắm nhưng vẫn không thấy. Sau đó ít phút cháu bé 6 tuổi được những người đi tắm cùng phát hiện bị đuối nước và chìm ở khu vực bể dành cho người lớn.
Có thể thấy, tai nạn đuối nước với trẻ em ở các bể bơi có phần do sơ xuất của những người lớn. Tuy nhiên, cũng không thể không nhắc đến trách nhiệm của chủ kinh doanh loại dịch vụ này, bởi yếu tố an toàn cho người sử dụng dịch vụ kinh doanh là do luật định đã không được đảm bảo.
Vậy dưới góc độ pháp lý, câu chuyện trách nhiệm của các chủ bể bơi liên quan đến các tai nạn đuối nước đáng tiếc được xác định như thế nào?
Bàn về vấn đề này, Luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng Văn phòng luật sư Đồng đội (Đoàn luật sư TP Hà Nội) phân tích: Tôi rất lấy làm tiếc đồng thời chia sẻ với những mất mát của các gia đình có con em bị đuối nước thương tâm. Mùa hè là thời điểm nhu cầu vui chơi, giải trí cao, đặc biệt là hoạt động tại các bể bơi và kéo theo đó là những nguy hiểm, bất an có thể xảy ra. Trong khi đó, có không ít cơ sở hoạt động không phép, không bảo đảm đầy đủ điều kiện tiêu chuẩn theo quy định.
Theo quy định tại Thông tư 02/2011/TT-BVHTTDL, hoạt động bể bơi phải bảo đảm đầy đủ các điều kiện như: cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân viên chuyên môn… Đặc biệt tại Khoản 3 Điều 6 Thông tư này nhấn mạnh: trong thời gian bể bơi hoạt động, phải có nhân viên y tế thường trực có trình độ từ trung cấp trở lên.
Như vậy, nếu cơ sở nào có bể bơi sai phạm thì trước hết cơ quan chức năng cần yêu cầu cơ sở dừng hoạt động, đồng thời xử lí vi phạm của cơ sở. Nếu vi phạm nghiêm trọng và để xảy ra chết người thì cơ quan công an sẽ vào cuộc điều tra và xác minh nguyên nhân tử vong, những cơ sở này sẽ phải chịu trách nhiệm dân sự bồi thường cho gia đình hoặc có thể là trách nhiệm hình sự theo kết luận của cơ quan công an.
Việc kinh doanh bể bơi là hoạt động kinh doanh có điều kiện, chủ kinh doanh phải luôn đề cao sự an toàn và tính mạng, sức khỏe của người khác, tránh hậu quả đáng tiếc xảy ra (đuối nước, nước dùng hóa chất nhiều mà không kiểm định, vệ sinh công cộng, lây lan bệnh ngoài da, bệnh về mắt..). Hoạt động kinh doanh vui chơi, giải trí, bơi lội cần nghĩ đến đóng góp cho cộng đồng, xã hội và kinh doanh an toàn cũng chính là điều kiện cho sự ổn định và phát triển của các cơ sở kinh doanh hoạt động này. Mặt khác, cũng cần nói đến trách nhiệm của các bậc phụ huynh, khi cho con em tham gia vui chơi, giải trí phải rất chú ý, quan sát để đảm bảo các em luôn ở trong khu vực an toàn.
Cùng phân tích về vấn đề, Luật sư Nguyễn Hồng Bách, Công ty luật TNHH Bross và Cộng sự (Đoàn luật sư TP Hà Nội) có quan điểm: Những vụ tai nạn đuối nước đối với trẻ em xảy ra tại các cơ sở kinh doanh bể bơi có thể do rất nhiều nguyên nhân, có thể xuất phát từ sự chủ quan, lơ là của các bậc phụ huynh, của các nhân viên, người có trách nhiệm tại các cơ sở kinh doanh bể bơi, hoặc/và các cơ sở kinh doanh này đã không tuân thủ, đáp ứng được đầy đủ các điều kiện luật định về cơ sở vật chất, trang thiết bị hoặc nhân viên chuyên môn.
Nếu các vụ tai nạn đuối nước xảy ra do lỗi của các cơ sở kinh doanh bể bơi hoặc nhân viên của các cơ sở này, thì theo quy định tại các Điều 584, Điều 585, Điều 590, Điều 591 và Điều 600 Bộ luật Dân sự năm 2015, các cơ sở kinh doanh bể bơi sẽ phải có trách nhiệm bồi thường các thiệt hại theo quy định của pháp luật dân sự về bồi thường trong trường hợp sức khỏe hoặc tính mạng bị xâm phạm, với các khoản bồi thường như: Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại; chi phí hợp lý cho việc mai táng và một khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần, cũng như các thiệt hại khác (nếu có) theo quy định của pháp luật.
Đối với những cá nhân có trách nhiệm thì tùy vào diễn biến của vụ việc, cũng như các hành vi vi phạm cụ thể, tính chất và mức độ vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính” theo quy định tại Điều 129 Bộ luật Hình sự năm 2015, với mức hình phạt thấp nhất là 01 năm tù và cao nhất có thể lên đến 12 năm tù. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 đến 5 năm./.