Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Trà Vinh giải ngân hơn 21 tỷ đồng hỗ trợ đồng bào Khmer nâng cao đời sống

Thứ Sáu, 10/03/2023 15:23 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) - Ngày 9/3, Đoàn khảo sát liên ngành Trung ương đã có buổi làm việc với tỉnh Trà Vinh để kiểm tra tình hình triển khai chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 trên địa bàn tỉnh theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP ngày 26/4/2022 của Chính phủ (Nghị định 28).

Những điệu múa cổ truyền của đồng bào Khmer trong lễ hội  (Ảnh: Như Ngọc)

Báo cáo với Đoàn khảo sát, Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Trà Vinh - ông Lê Hoàng Phi cho biết, thực hiện Nghị định 28, Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Trà Vinh đã chỉ đạo các phòng Giao dịch Ngân sách Chính sách xã hội các huyện và Hội sở tỉnh tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo rà soát đối tượng thụ hưởng và triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả các chính sách cho vay ưu đãi theo Nghị định.

Tính đến cuối tháng 1/2023, Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Trà Vinh đã giải ngân cho 466 hộ đồng bào dân tộc Khmer vay vốn để chuyển đổi nghề và xây dựng nhà ở với tổng số tiền 21,25 tỷ đồng, đạt 42,5%. Năm 2023, tỉnh cũng được bố trí 50 tỷ đồng để thực hiện chính sách này.

Theo Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Trà Vinh - ông Lê Hoàng Phi, việc giải ngân nguồn vốn chính sách tín dụng theo Nghị định 28 chậm do nhiều nguyên nhân. Cụ thể, nhiều xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số được công nhận xã nông thôn mới; trong đó nhiều hộ đã thoát nghèo nên một số hộ nghèo trước đó được UBND các huyện phê duyệt hưởng lợi chính sách hiện không còn là hộ nghèo nên các địa phương phải rà soát, điều chỉnh lại... 

 Bà Phạm Thị Thanh Tùng phát biểu chỉ đạo hội nghị (Nguồn ảnh: travinh.gov.vn)

Phát biểu tại buổi giám sát, bà Phạm Thị Thanh Tùng - Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Trưởng đoàn giám sát cho rằng: Kết quả giải ngân của tỉnh Trà Vinh đạt kết quả khá cao so với mức bình quân chung của cả nước (35%). Tuy nhiên, giai đoạn 2021-2025, tỉnh Trà Vinh được bố trí khoảng 652 tỷ đồng để thực hiện chính sách tín dụng này, vì vậy tỉnh phải đẩy nhanh tiến độ giải ngân.

Bà Phạm Thị Thanh Tùng đề xuất các sở, ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh sớm xây dựng, ban hành văn bản hướng dẫn quy trình thẩm định hồ sơ các dự án sẽ triển khai trên địa bàn, định mức hỗ trợ thực hiện chính sách theo quy định. Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Trà Vinh phối hợp với các sở, ban, ngành, các địa phương rà soát các văn bản của Trung ương để tham mưu UBND tỉnh sớm ban bành các văn bản thực hiện phù hợp. Đồng thời, chủ động nắm bắt những khó khăn phát sinh trong quá trình thực hiện chính sách để đề xuất các sở, ngành để kịp thời tháo gỡ.

Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2021-2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 10/2021, với mục tiêu thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi so với bình quân chung cả nước; đến năm 2025 giảm 50% số xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn; đến năm 2030 cơ bản không còn xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn.

Được biết, tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình giai đoạn 2021-2025 tối thiểu 137.664 tỷ đồng; trong đó, tỉnh Trà Vinh dự kiến được bố trí trên 1.711 tỷ đồng. Với số tiền trên, Trà Vinh triển khai 10 dự án với nhiều tiểu dự án để hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số nâng cao mức sống. Chính sách tín dụng ưu đãi theo Nghị định 28 được cụ thể bằng các dự án tập trung giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt và phát triển sản xuất nông, lâm nghiệm bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị. Đến cuối năm 2022, tỉnh Trà Vinh còn 5.404 hộ nghèo; trong đó, hộ nghèo dân tộc Khmer còn 3.223 hộ. 

 

KC

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN