Trả lại đúng vai trò Ban đại diện cha mẹ học sinh
(ĐCSVN)- Chưa năm học mới nào, cộng đồng phụ huynh lên tiếng đòi giải tán Ban đại diện cha mẹ học sinh “mạnh” như năm nay, đặc biệt là sau khi một phụ huynh ở TP HCM viết đơn gửi Văn phòng Chính phủ kiến nghị giải tán Hội phụ huynh vì cho rằng tình trạng lạm thu ngày càng phát triển và biến tướng dưới nhiều hình thức.
Tình trạng lạm thu diễn ra phức tạp như hiện nay, theo nhiều phụ huynh là do sự “tiếp tay” của Ban đại diện cha mẹ học sinh trường; thậm chí còn được xem là “cánh tay nối dài” cho hiệu trưởng để thu các khoản trái quy định mà được núp dưới hình thức “xã hội hóa” giáo dục.
Ảnh minh họa. Nguồn: VA
Trước hết, cần phải nhìn nhận lại vai trò của Ban đại diện cha mẹ học sinh – nên hay không nên xóa bỏ? Theo quy định hiện nay, mỗi lớp có đều có Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp gồm từ 3 đến 5 thành viên; mỗi trường đều có Ban đại diện cho mẹ học sinh trường với thành viên là trưởng ban hoặc phó ban Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp. Thành viên này là những người được số đông phụ huynh trong lớp tín nhiệm bầu ra, là cầu nối giữa nhà trường – phụ huynh trong việc giáo dục con em mình.
Những đề đạt, nguyện vọng của các phụ huynh sẽ được Ban đại diện chuyển đến lãnh đạo nhà trường, và những quy định, chính sách của nhà trường cũng được phản ánh đến các phụ huynh thông qua Ban đại diện này. Chính vì vậy, vai trò của Ban đại diện là rất quan trọng, việc xóa bỏ không phải dễ.
Nhìn lại cơ chế họp của Ban đại diện cha mẹ học sinh, trước năm học mới, Ban đại diện cha mẹ học sinh họp với nhà trường trước, tiếp nhận chủ trương đóng góp của nhà trường, rồi sau đó mới về họp với phụ huynh ở các lớp để phổ biến và triển khai thực hiện. Với “quy trình” này, phụ huynh muốn tham gia góp ý vào các khoản đóng góp tự nguyện cũng khó.
Mặc dù, tại Thông tư 55 của Bộ GD&ĐT về Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh, mục 5 Điều 3 Chương II quy định: “Ban đại diện cha mẹ học sinh hoạt động theo nguyên tắc đồng thuận”. Tại mục 2c Điều 8 Chương II nêu rõ một trong các quyền của cha mẹ học sinh là “Từ chối ủng hộ khi được Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp, Ban đại diện cha mẹ học sinh trường đề xuất các khoản ủng hộ, nếu bản thân không tự nguyện”.
Quy định ghi rõ vậy, thế nhưng việc thực hiện không dễ dàng gì. Như trường hợp vừa mới đây, tập thể phụ huynh của một trường tiểu học ở ĐA, Hà Nội gửi đơn tố cáo nhà trường thu của học sinh nhiều khoản tiền bất hợp lý.
Khi được hỏi về các khoản thu này, Hiệu trưởng trường tiểu học này xác nhận có thu các khoản đó, nhưng cho rằng, đó là trên nguyên tắc tự nguyện, là sự thỏa thuận giữa phụ huynh với nhà trường, chứ nhà trường không ép buộc. Với cách trả lời này cho thấy, Hiệu trưởng đã chối bỏ trách nhiệm, lỗi lạm thu không thuộc về nhà trường.
Hay như trường hợp vừa mới xảy ra tại một Trường tư thục nổi tiếng Hà Nội thông báo sẽ tăng học phí từ năm học 2018-2019 ở cả 3 cấp học nhận được ý kiến trái chiều từ dư luận. Câu hỏi đặt ra, vậy Ban đại diện cha mẹ học sinh trường đâu? Sao không lên tiếng bảo vệ quyền lợi của các phụ huynh và học sinh? để cộng động mạng phần nhiều là phụ huynh có con học trường tư này phải “dậy sóng” trên các diễn đàn để phản đối.
Mà không chỉ phụ huynh, mà cả chuyên gia giáo dục cũng lên tiếng dẹp Hội phụ huynh, TS Vũ Thu Hương, giảng viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cũng cho rằng, Ban đại diện cha mẹ học sinh đang bị biến tướng, trở thành “bia đỡ đạn” cho lãnh đạo nhà trường khi bị phát hiện lạm thu. Vì vậy, đã đến lúc nên xóa bỏ.
Nói đi cũng phải nói lại, để xảy ra tình trạng lạm thu tràn lan như hiện nay lỗi không ít thuộc các phụ huynh. Tại các cuộc họp phụ huynh đầu năm, cha mẹ cần bày tỏ thái độ rõ ràng, thẳng thắn, không đồng ý khoản thu nào phải nói rõ luôn. Đằng này, họ không phản đối, lẳng lặng nộp rồi… về nhà bức xúc. Họ lý giải “trong lòng mình”, nếu lên tiếng phản đối sợ ảnh hưởng đến học tập của con mình trong trường, nhất là khi không được sự đồng tình số đông phụ huynh thì lúc đó con mình chịu phải chiu rất nhiều “thiệt thòi”, thêm nữa cũng vì sĩ diện. Và cứ năm này qua năm khác, việc đóng góp các khoản “tự nguyện” trở thành mặc nhiên, và sự bức xúc cũng sẽ nhanh chóng qua đi.
TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội thẳng thắn chia sẻ: “Xóa Ban đại diện cha mẹ học sinh chỉ là hình thức, muốn triệt tận gốc "căn bệnh" lạm thu phải từ... nhà trường. Hoàn toàn sai lầm khi đổ nguyên nhân của căn bệnh lạm thu là do Ban phụ huynh. Việc đòi giải tán ban này lại càng không đúng”.
Theo TS Nguyễn Tùng Lâm, câu chuyện lạm thu phải được giải quyết từ 3 phía: trước hết xuất phát từ bản thân hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm. Tiếp đến, Ban đại diện cha mẹ học sinh phải làm thật đúng chức năng của mình, có đủ năng lực. Cuối cùng phải có sự tham gia giám sát của cộng đồng là chính quyền địa phương.
Một phụ huynh (Hà Nội) chia sẻ, Ban đại diện phải đóng vai trò chia sẻ trách nhiệm với nhà trường, thầy cô trong việc giáo dục con cái. Mục đích cuối cùng là làm sao cho con cái được học hành, chăm sóc chu đáo để trở thành người tốt, người hữu ích. Nếu Ban đại diện đề nghị những khoản thu không cần thiết hoặc sai mục đích, thì lúc đó tập thể phụ huynh phải có trách nhiệm lên tiếng; đồng thời phải công khai, minh bạch thu –chi các khoản tự nguyện đóng góp.
Phụ huynh này gợi ý, với những khoản đóng góp trên tinh thần tự nguyện thì không nên “ép” nhau, đặc biệt không nên cào bằng các khoản đóng góp tự nguyện, ai có nhiều đóng nhiều, ai có ít thì đóng ít, thậm chí miễn đóng cho những trường hợp điều kiện khó khăn. Và để tránh tình trạng ưu ái con những Mạnh Thường Quân, hiệu trưởng không nên công khai tên tuổi người đóng góp cho giáo viên biết. Hội trưởng sẽ thu từ các hội viên, nộp và ký nhận về trường.
Về phía lãnh đạo Bộ GD&ĐT, trước đề nghị giải tán Hội phụ huynh (Ban đại điện cha mẹ học sinh), Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa cho rằng, Ban đại diện cha mẹ học sinh vẫn rất cần thiết, có chức năng kết nối giữa nhà trường và gia đình trong quá trình giáo dục học sinh. Tuy nhiên, cần xem xét hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh để đảm bảo đúng hiệu quả và phát huy đúng vai trò chức năng của mình.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa khẳng định, tới đây, Bộ GD&ĐT sẽ xem xét sửa đổi Thông tư Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh và các văn bản có liên quan đến thu - chi đảm bảo thống nhất và phù hợp với thực tiễn; đồng thời, Bộ GD&ĐT sẽ tăng cường thanh, kiểm tra để có biện pháp chấn chỉnh việc thực hiện theo quy định. Trách nhiệm của Ban đại diện, phụ huynh và nhà trường là phải cùng nhau xây dựng môi trường giáo dục tốt nhất cho con em mình./.