Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

TP.Hồ Chí Minh thí điểm trường học sử dụng tiếng Anh làm ngôn ngữ thứ hai

Thứ Sáu, 16/08/2024 23:31 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - “TP.Hồ Chí Minh là đầu tàu kinh tế không chỉ của đất nước mà còn của khu vực, trình độ tiếng Anh của học sinh phải ngang tầm khu vực và thế giới. Với những thành tựu đã đạt được, thành phố phải yêu cầu cao hơn, đòi hỏi hơn nữa. Làm sao thành phố sẽ có những trường học dùng tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai sớm nhất, nhiều nhất toàn quốc” - Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng phát biểu. (Ảnh: Minh Dung)

Ngày 16/8, Sở Giáo dục và Đào tạo TP.Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2023-2024 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm học 2024-2025. Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng đến dự.

Năm học 2023-2024, ngành giáo dục và đào tạo TP.Hồ Chí Minh đã khắc phục khó khăn, cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, cụ thể hóa các mục tiêu nhằm thực hiện trọng tâm xây dựng thành phố là trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP.Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Hiếu cho biết, năm học mới, dự kiến toàn thành phố tăng 24.097 học sinh (gồm: 17.288 công lập và 6.809 ngoài công lập). Đây cũng là năm học Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được triển khai ở tất cả các lớp từ lớp 1 đến lớp 12 và cũng là năm học đầu tiên tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Theo đó, toàn ngành tập trung một số nhiệm vụ trọng tâm sau: tiếp tục đổi mới quản lý nhà nước trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo; đảm bảo công bằng trong tiếp cận giáo dục cho mọi đối tượng, trong đó quan tâm đối tượng là người dân tộc thiểu số, học sinh xã đảo, trẻ mồ côi, trẻ em không nơi nương tựa, người khuyết tật, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo; thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên; nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp; tăng cường công tác chính trị, giáo dục quốc phòng an ninh đối với nhà giáo và học sinh, sinh viên; tiếp tục xây dựng mô hình “trường học hạnh phúc”; thực hiện các đề án, chương trình về sức khỏe, phát triển giáo dục thể chất, thể thao trường học; triển khai kế hoạch “Chiến lược phát triển giáo dục TP.Hồ Chí Minh từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; tăng cường hội nhập quốc tế…

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng trao danh hiệu tập thể lao động xuất sắc cho các đơn vị. (Ảnh:PV) 

Ông Nguyễn Văn Hiếu nhấn mạnh, từ năm 2012, TP.Hồ Chí Minh đã triển khai đề án phổ cập và nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh cho học sinh phổ thông và chuyên nghiệp TP.Hồ Chí Minh và đến nay vẫn kiên trì thực hiện. Điều này phù hợp với Kết luận của Bộ Chính trị, trong đó yêu cầu từng bước đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học. TP.Hồ Chí Minh sẽ nghiên cứu các tiêu chí để chọn một số trường học thí điểm sử dụng tiếng Anh làm ngôn ngữ thứ hai trong nhà trường.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng ghi nhận và đánh giá năm học 2023-2024, toàn ngành giáo dục và đào tạo thành phố đã phát huy được những thuận lợi, khắc phục khó khăn, nỗ lực đạt được nhiều kết quả toàn diện trên nhiều lĩnh vực, bám sát nhiệm vụ trọng tâm ngay từ đầu năm học đã triển khai, đồng thời, giáo dục và đào tạo thành phố đã cụ thể hóa dựa trên tình hình của thành phố.

“TP.Hồ Chí Minh là đầu tàu kinh tế không chỉ của đất nước mà còn của khu vực, trình độ tiếng Anh của học sinh phải ngang tầm khu vực và thế giới. Với những thành tựu đã đạt được, thành phố phải yêu cầu cao hơn, đòi hỏi hơn nữa. Làm sao thành phố sẽ có những trường học dùng tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai sớm nhất, nhiều nhất toàn quốc. Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ cùng với thành phố triển khai bởi thành phố đã có những quy định, căn cứ để thực hiện như việc triển khai đề án tiếng Anh trong suốt thời gian qua” - Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cũng cho biết, trong năm học này, có nhiều điểm mới trong đó diễn ra kỳ thi tuyển sinh lớp 10, thi tốt nghiệp THPT, thi học sinh giỏi các cấp theo chương trình mới. Do đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ sớm ban hành quy chế để các trường thực hiện, triển khai. Muộn nhất tháng 11 sẽ ban hành quy chế thi tốt nghiệp, sẽ có quy chế hướng dẫn thi tuyển sinh vào lớp 10 để các học sinh có sự chuẩn bị, cán bộ giáo viên cũng không bỡ ngỡ trong phương thức thi tuyển./.

CM

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN