Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

TP.Hồ Chí Minh tham vấn về Tuần lễ Đổi mới Sáng tạo và Khởi nghiệp và các chính sách hỗ trợ Đổi mới Sáng tạo năm 2023

Thứ Tư, 16/08/2023 20:44 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) - Nhằm tiếp thu ý kiến góp ý của các chuyên gia về nội dung chi tiết triển khai các chính sách về Khởi nghiệp Đổi mới Sáng tạo trong Nghị quyết số 98, cụ thể đối với 02 nhóm chính sách miễn thuế và hỗ trợ kinh phí không hoàn lại. Đồng thời, lắng nghe hiến kế về phương thức tổ chức Tuần lễ Đổi mới Sáng tạo và Khởi nghiệp năm 2023 để cải thiện trong các khâu tổ chức và phù hợp với nhu cầu của cộng đồng.

Tọa đàm đã thu hút được hơn 150 đại biểu là đại diện các thành phần trong Hệ sinh thái Khởi nghiệp Đổi mới Sáng tạo Thành phố cùng tham dự 

Chiều ngày 15/8/2023, tại Hội trường Saigon Innovation Hub (273 Điện Biên Phủ, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP.HCM) đã diễn ra Tọa đàm "Tham vấn ý kiến cộng đồng Khởi nghiệp Đổi mới Sáng tạo về Tuần lễ Đổi mới Sáng tạo và Khởi nghiệp TP.HCM (WHISE) và các chính sách hỗ trợ Đổi mới Sáng tạo năm 2023”, chương trình do Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM tổ chức. Tham dự chương trình về phía Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM có TS. Nguyễn Việt Dũng - Thành ủy viên - Giám đốc Sở; TS. Chu Vân Hải - Phó Giám đốc Sở cùng đại diện Lãnh đạo các phòng chuyên môn và đơn vị trực thuộc Sở. Về phía các Sở ban ngành Thành phố có ông Lê Quốc Cường - Phó Trưởng ban Ban Quản lý khu Công nghiệp cao TP.HCM; ông Trần Trúc Cương - đại diện Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM; ông Nguyễn Đức Bình - Giám đốc Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, thuộc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI. Về phía các chuyên gia trong Hệ sinh thái Khởi nghiệp Đổi mới Sáng tạo Thành phố có ông Đặng Đức Thành - Chủ tịch Công ty Tập đoàn Green+; ông Nguyễn Việt Đức - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư Khởi nghiệp Sáng tao Việt Nam; bà Nguyễn Thị Thanh Thảo - Quản lý cấp cao, Phát triển Kinh doanh tại Qualcomm Việt Nam; ông Phạm Đình Anh Khôi - Giám đốc Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp Công nghệ, trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TP.HCM; ông Lưu Danh Anh Vũ - Giám đốc Kinh doanh và Đối tác HCL Software; bà Nguyễn Thị Diệu Hằng - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp BSSC; bà Vương Thị Hồng Loan - Giám đốc Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp Nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM cùng hơn 150 đại biểu là đại diện các thành phần trong Hệ sinh thái Khởi nghiệp Đổi mới Sáng tạo Thành phố gồm các Sở ban ngành, Uỷ ban nhân dân quận huyện và TP. Thủ Đức, các trường viện, các trung tâm ươm tạo, trung tâm hỗ trợ Khởi nghiệp Đổi mới Sáng tạo, các chuyên gia, quỹ đầu tư trên địa bàn Thành phố.

TS. Nguyễn Việt Dũng - Thành ủy viên - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM phát biểu khai mạc Tọa đàm 

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, TS. Nguyễn Việt Dũng - Thành ủy viên - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM cho rằng, năm 2023 là năm đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong việc định hướng chiến lược phát triển Hệ sinh thái Khởi nghiệp Đổi mới Sáng tạo của TP.HCM khi được Quốc Hội phê duyệt Nghị quyết số 98/NQ-QH15 ngày 24/6/2023 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.

Theo đó, tại Điều 8 của Nghị quyết này Quốc hội đã phê chuẩn hàng loạt các chính sách đặc thù trong lĩnh vực Khởi nghiệp Đổi mới Sáng tạo, cho phép Thành phố thí điểm các chính sách ưu đãi cho các thành phần chủ chốt của Hệ sinh thái Khởi nghiệp Sáng tạo. Các chính sách này thể hiện sự quyết tâm của Quốc hội, của Lãnh đạo Thành phố nhằm tạo điều kiện tối đa cho TP.HCM phát triển hoạt động Khởi nghiệp và Đổi mới sáng tạo, nhất là khi các nội dung, ý tưởng này gần giống với các chính sách về Khởi nghiệp Đổi mới Sáng tạo của các nước trong khu vực.

“Các cơ chế, chính sách đặc thù về Đổi mới Sáng tạo này chỉ có thời hạn trong 5 năm, nên chúng ta cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện để mang lại hiệu quả cao nhất cho các doanh nghiệp, vườn ươm, cho hoạt động Khởi nghiệp Đổi mới Sáng tạo của Thành phố. Trong đó, cần lưu ý 2 nhóm chính sách về miễn thuế và hỗ trợ kinh phí không hoàn lại trong Nghị quyết số 98 về chính sách đặc thù của TP.HCM về Đổi mới Sáng tạo. Chúng tôi vẫn quan niệm, chính sách của nhà nước là để kiến tạo, là cung cấp cơ sở hạ tầng và dịch vụ sao cho tốt, để cộng đồng có thể thụ hưởng được. Còn chính sách về tài chính hỗ trợ của nhà nước thường là để khích lệ tinh thần là chính… Tuy nhiên, thông qua các chính sách hỗ trợ này, đối với các dự án tiềm năng, tôi tin chắc rằng sẽ có sự tham gia đầu tư vào của khu vực tư nhân”, TS. Nguyễn Việt Dũng nhấn mạnh.

ThS. Phan Thị Quý Trúc - Phó Trưởng phòng Phòng Quản lý Công nghệ và Thị trường công nghệ, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM thông tin về các chính sách về Khởi nghiệp Đổi mới Sáng tạo trong Nghị quyết số 98, cụ thể đối với 02 nhóm chính sách miễn thuế và hỗ trợ kinh phí không hoàn lại 

Tại Tọa đàm, ThS. Phan Thị Quý Trúc - Phó Trưởng phòng Phòng Quản lý Công nghệ và Thị trường công nghệ, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM cũng đã có phần trình bày khái quát về Điều 8 của Nghị quyết 98, nhất là Khoản 1 quy định việc hỗ trợ hoạt động Đổi mới Sáng tạo và Khởi nghiệp trong các lĩnh vực ưu tiên của Thành phố.

Cụ thể, đối với nhóm chính sách miễn thuế được quy định tại Điểm a, b Khoản 1, Điều 8 sẽ được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong thời hạn 5 năm từ thời điểm phát sinh thuế thu nhập phải nộp đối với thu nhập từ hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, tổ chức khoa học và công nghệ, trung tâm đổi mới sáng tạo và các tổ chức trung gian hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phát sinh trên địa bàn Thành phố. Miễn thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp của các cá nhân, tổ chức có khoản thu nhập từ chuyển nhượng vốn góp, quyền góp vốn vào doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn Thành phố.

Đối với nhóm chính sách hỗ trợ kinh phí không hoàn lại (quy định tại Điểm đ, khoản 1, Điều 8) sẽ được hỗ trợ không hoàn lại từ nguồn chi thường xuyên của ngân sách Thành phố chi phí ươm tạo dự án đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo bao gồm: chi phí tổ chức hoạt động tuyển chọn dự án; chi phí thuê chuyên gia; tiền công lao động trực tiếp; dịch vụ hỗ trợ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp; chi phí sử dụng cơ sở kỹ thuật, cơ sở ươm tạo, khu làm việc chung.

“Chúng tôi muốn nhận được góp ý của các chuyên gia, của cộng đồng về các lĩnh vực ưu tiên trong hoạt động Khởi nghiệp Đổi mới Sáng tạo bao gồm: Lĩnh vực Thương mại điện tử; Công nghệ tài chính; Logistic; Công nghệ giáo dục; Y tế và chăm sóc sức khỏe; Nông nghiệp công nghệ cao; Phát triển bền vững; Chuyển đổi số; lĩnh vực An ninh mạng. Đối với nhóm chính sách miễn thuế gồm: Doanh nghiệp Khởi nghiệp sáng tạo; Tổ chức khoa học và công nghệ, trung tâm đổi mới sáng tạo và các tổ chức trung gian hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Cụ thể, trong việc Cấp Giấy chứng nhận; Điều kiện Cấp Giấy chứng nhận; Điều kiện Cấp thay đổi nội dung, cấp lại Giấy chứng nhận; Điều kiện Thu hồi Giấy chứng nhận; Điều kiện hủy bỏ hiệu lực Giấy chứng nhận; Điều kiện được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp; Điều kiện được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng vốn góp, quyền góp vốn vào doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn Thành phố. Đối với nhóm Chính sách hỗ trợ không hoàn lại gồm: Cá nhân, nhóm cá nhân, doanh nghiệp có dự án đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo thuộc các lĩnh vực ưu tiên của TP.HCM; Tổ chức khoa học và công nghệ, trung tâm đổi mới sáng tạo, tổ chức trung gian hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, trường Đại học, Viện nghiên cứu có hoạt động hỗ trợ đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo và các tổ chức khác có liên quan trên địa bàn TP.HCM. Cụ thể, với 3 giai đoạn tiền ươm tạo hỗ trợ khoảng 40 triệu đồng/dự án, ươm tạo khoảng 80 triệu đồng/dự án, tăng tốc khoảng 400 triệu đồng/ dự án”, ThS. Phan Thị Quý Trúc thông tin.

TS. Chu Vân Hải - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM thông tin về dự thảo Kế hoạch Tổ chức Tuần lễ Đổi mới Sáng tạo và Khởi nghiệp TP.HCM năm 2023 - WHISE 2023 

Cũng tại Tọa đàm, TS. Chu Vân Hải - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM đã thông tin về dự thảo Kế hoạch Tổ chức Tuần lễ Đổi mới Sáng tạo và Khởi nghiệp TP.HCM năm 2023 - WHISE 2023.

Cụ thể, WHISE 2023 với chủ đề “Chuyển đổi số - động lực mới cho sự phát triển của Thành phố”, hiện đã có 19 sự kiện trong các lĩnh vực Khởi nghiệp, Đổi mới Sáng tạo dự kiến sẽ được tổ chức từ ngày 09/10 - 14/10/2023. Trong đó, 2 ngày từ ngày 13 - 14/10 sẽ diễn ra các sự kiện trọng tâm và Triễn lãm tập trung tại Trung tâm Sự kiện và Triển lãm White Palace Phạm Văn Đồng như Ra mắt nền tảng trực tuyến thúc đẩy Đổi mới Sáng tạo tại TP.HCM H.OIP; Tổng kết Tuần lễ Đổi mới Sáng tạo và Khởi nghiệp - WHISE và Trao Giải thưởng Đổi mới Sáng tạo và Khởi nghiệp - I-Star 2023…

“WHISE là một trong những sự kiện thường niên về Khoa học Công nghệ và Đổi mới Sáng tạo của cộng đồng Khởi nghiệp Đổi mới Sáng tạo Thành phố, được khởi động từ năm 2017 đến nay WHISE đã trải qua 6 mùa tổ chức liên tiếp với nhiều dấu ấn được cộng đồng ghi nhận. Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận lại một số hạn chế và kỳ vọng của WHISE trong thời gian qua để đổi mới hơn trong cách thức tổ chức và hiệu quả mang lại”, TS. Chu Vân Hải chia sẻ.

Đại biểu đặt câu hỏi và đóng góp ý kiến cho Tọa đàm 
Trong khuôn khổ của Tọa đàm, các đại biểu là đại diện các thành phần trong Hệ sinh thái, các chuyên gia đã đánh giá rất cao về các chính sách đặc thù của TP.HCM về Đổi mới Sáng tạo được Quốc hội phê duyệt trên cơ sở Nghị quyết số 98/NQ-QH15 cho đây là động lực lớn để các tổ chức, cá nhân, các đơn vị, doanh nghiệp đã và đang hoạt động khởi nghiệp Đổi mới Sáng tạo trên địa bàn Thành phố phát triển nhanh, mạnh và bền vững hơn. Ngoài ra, các đại biểu cũng cho rằng, về phương án tổ chức Tuần lễ Đổi mới Sáng tạo và Khởi nghiệp năm 2023 cần được thông qua sớm, để có sự hỗ trợ truyền thông tốt hơn. Đồng thời, Ban tổ chức của các sự kiện cũng nên có sự kết nối với nhau nhiều hơn để thu hút được sự tham dự của nhiều nhóm thành phần trong hệ sinh thái.
Nhật Linh

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN