TP Hồ Chí Minh: Xác định rõ nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
(ĐCSVN) - Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi vừa ký ban hành Chỉ thị số 12 về thực hiện nhiệm vụ, giải pháp tăng trưởng kinh tế TP Hồ Chí Minh đến năm 2025 (Chỉ thị 12), trong đó nêu rõ các mục tiêu phấn đấu cụ thể.
UBND TP Hồ Chí Minh đặt ra các mục tiêu phấn đấu. Cụ thể là TP Hồ Chí Minh đạt mức tăng trưởng kinh tế GRDP năm 2024 ít nhất 7,5% và năm 2025 là 8 - 8,5%. (Ảnh: VS)
|
UBND TP Hồ Chí Minh đặt ra các mục tiêu phấn đấu. Cụ thể là TP Hồ Chí Minh đạt mức tăng trưởng kinh tế GRDP năm 2024 ít nhất 7,5% và năm 2025 là 8 - 8,5%.
Tỉ trọng kinh tế số năm 2024 phấn đấu đạt 22% và năm 2025 là 25%.
Chỉ số PCI, Par-Index phấn đấu đạt trong nhóm 10 địa phương dẫn đầu cả nước đến cuối năm 2025. Tổng diện tích nhà ở đạt từ 40 triệu m2 trở lên (chỉ tiêu đại hội là 50 triệu m2) và xây dựng ít nhất 26.200 căn nhà ở xã hội (theo chỉ tiêu Chính phủ giao).
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) năm 2024 tăng 6,5%, trong đó 4 ngành công nghiệp trọng điểm tiếp tục là động lực tăng trưởng, với mức tăng cao hơn mức tăng chung của toàn ngành; kim ngạch xuất khẩu tăng ít nhất 10% so với năm 2023.
Tỉ lệ rác sinh hoạt được xử lý bằng công nghệ mới hoặc tái chế đạt 80% trở lên, phát triển ít nhất 150ha đất công viên cây xanh.
Để thực hiện các mục tiêu trên, UBND TP Hồ Chí Minh đề ra nhiều nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.
Đó là, thúc đẩy thực hiện và giải ngân đầu tư công, tăng cường khả năng hấp thụ vốn đầu tư; thực hiện chỉ tiêu công hiệu quả, tiếp tục kích cầu tiêu dùng và chương trình bình ổn thị trường; thúc đẩy hoạt động xuất khẩu; thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới.
Cùng với đó, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thực hiện đồng bộ, hiệu quả các biện pháp cải cách hành chính.
Cùng với đó là nhóm giải pháp thúc đẩy hợp tác kinh tế vùng, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế; tăng cường bảo vệ môi trường, mở rộng quỹ đất phát triển sản xuất, công nghiệp và dịch vụ, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án an sinh xã hội.
Trong đó, UBND TP Hồ Chí Minh yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư triển khai các dự án theo phương thức đầu tư công - tư (PPP), BOT theo Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội.
Sở Giao thông Vận tải thực hiện chính sách đầu tư hoàn thiện đường bộ ven biển TP Hồ Chí Minh theo phương thức PPP trong năm 2025; phối hợp Bộ Giao thông Vận tải và địa phương liên quan trong việc đầu tư xây dựng tuyến đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - Cảng hàng không quốc tế Long Thành trong quý 4/2024. Đồng thời, hoàn thiện đề án xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ trong tháng 8/2024; phối hợp đẩy nhanh tiến độ điều chỉnh cục bộ quy hoạch 1/2000 dự án đường Vành đai 2; tham mưu quy trình, quy chuẩn sử dụng cát biển để tháo gỡ khó khăn trong cung ứng vật liệu đắp nền dự án đường Vành đai 3; hoàn chỉnh nghiên cứu tiền khả thi dự án đường Vành đai 4…
Sở Xây dựng phải hoàn tất thủ tục pháp lý đầu tư để sớm khởi công xây dựng dự án nhà ở xã hội tại xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh vào tháng 12/2024. Đồng thời, tham mưu chấp thuận chủ trương đầu tư dự án nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp tại phường Hiệp Thành, quận 12 vào tháng 11/2024. Bên cạnh đó, hoàn thành kế hoạch xây dựng các dự án nhà ở xã hội, nhà ở tái định cư phục vụ di dời, tái định cư đối với nhà đất trên và ven kênh rạch trong quý 3/2024.
Để thực hiện các mục tiêu, UBND TP Hồ Chí Minh đề ra nhiều nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. |
UBND TP Hồ Chí Minh giao Quỹ phát triển nhà ở TP Hồ Chí Minh trong tháng 9/2024 hoàn tất nghiên cứu xây dựng đề án về nhà ở cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong hệ thống chính trị thành phố…
Ban quản lý các khu công nghiệp và khu chế xuất tham mưu đề xuất các giải pháp để hình thành thêm khoảng 800ha đất công nghiệp gồm Khu công nghiệp Hiệp Phước giai đoạn 2, Khu công nghiệp Lê Minh Xuân mở rộng, Khu công nghiệp Lê Minh Xuân 2 và Khu công nghiệp Phạm Văn Hai.
Hoàn thiện, trình UBND Thành phố đề án thí điểm chuyển đổi 5 khu chế xuất, khu công nghiệp là Tân Thuận, Tân Bình, Cát Lái, Bình Chiểu, Hiệp Phước…
UBND TP Hồ Chí Minh yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, UBND các địa phương xây dựng kế hoạch xác định rõ nhiệm vụ, giải pháp, nguồn lực thực hiện và dự kiến kết quả đạt được. Cụ thể hóa thành các mục tiêu, nhiệm vụ, triển khai, kiểm tra việc thực hiện và định kỳ cập nhật tiến độ các nhiệm vụ cùng kết quả thực hiện chương trình công tác năm./.