TP Hồ Chí Minh: Tiếp tục đổi mới, đưa ngành xuất bản phát triển lên một bước mới
(ĐCSVN) - Đánh giá cao những kết quả mà hoạt động xuất bản của TP Hồ Chí Minh đã đạt được trong thời gian qua, Đồng chí Phan Xuân Thủy, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đã chỉ ra một số vấn đề trọng tâm mà TP Hồ Chí Minh cần tập trung thực hiện trong thời gian tới nhằm đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ của hoạt động xuất bản trong tình hình mới.
Chiều 11/9, đồng chí Phan Xuân Thủy, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đã có buổi làm việc với Thường trực Thành ủy TP Hồ Chí Minh nhằm khảo sát kết quả 20 năm thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản.
Toàn cảnh buổi làm việc |
Phát biểu định hướng nội dung làm việc, đồng chí Phan Xuân Thủy, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cho biết, sau 20 năm thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW, ngày 25/8/2004 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa IX, hoạt động xuất bản đã có nhiều chuyển biến tích cực, đạt được nhiều thành tựu, xây dựng được nền xuất bản hiện đại, độc lập, tự chủ, đáp ứng nhu cầu thị trường và việc thụ hưởng văn hóa, tri thức của Nhân Dân. Tuy nhiên, sau 20 năm triển khai, một số nội dung của Chỉ thị đã bộc lộ những hạn chế, đặt ra nhiều vấn đề trong thực tiễn hiện nay. Do đó, trong năm 2024, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp các cơ quan liên quan tập trung đánh giá, tổng kết 20 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW của Ban Bí thư về "Nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản" để kịp thời tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành văn bản mới thay thế, đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ của hoạt động xuất bản trong tình hình mới.
Tại buổi làm việc này, đồng chí Phan Xuân Thủy yêu cầu các đại biểu trao đổi, đề xuất, kiến nghị để làm rõ một số nội dung: đánh giá toàn diện những kết quả nổi bật mà TP Hồ Chí Minh đã đạt được trong hoạt động xuất bản trong thời gian qua; Chỉ ra những những bài học kinh nghiệm, cách làm sáng tạo của TP Hồ Chí Minh. Đặc biệt, đồng chí Phan Xuân Thủy đề nghị các đại biểu đi sâu vào phân tích tồn tại, hạn chế, vướng mắc, điểm nghẽn; chỉ ra nguyên nhân của những khó khăn và đặc biệt là đề xuất các giải pháp, biện pháp để hoạt động xuất bản đạt hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới.
Bám sát nhiệm vụ chính trị, thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Phước Lộc, Phó Bí thư Thành ủy, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh cho biết, sau 20 năm thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW, hoạt động xuất bản của TP Hồ Chí Minh đã có nhiều chuyển biến tích cực, phát triển nhanh về quy mô, số lượng, chất lượng xuất bản phẩm được nâng cao, góp phần đảm bảo thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ chính trị, các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của Thành phố.
Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng việc nâng cao toàn diện lĩnh vực xuất bản theo Chỉ thị số 42-CT/TW; tạo điều kiện để hoạt động xuất bản phát huy vị thế là lĩnh vực tư tưởng-văn hóa, có nhiệm vụ truyền bá các giá trị tinh thần, góp phần nâng cao dân trí, phát triển văn hóa và khoa học của xã hội; xây dựng đạo đức, lối sống và phát triển toàn diện nhân cách con người Việt Nam.
Đồng chí Nguyễn Phước Lộc, Phó Bí thư Thành ủy, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh phát biểu tại buổi làm việc |
Báo cáo với đoàn công tác, đồng chí Tăng Hữu Phong, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện nay, TP Hồ Chí Minh có 2 nhà xuất bản do Thành phố quản lý, 4 nhà xuất bản thuộc các trường đại học TP Hồ Chí Minh. Ngoài ra, trên địa bàn Thành phố còn có 4 văn phòng đại diện nhà xuất bản nước ngoài và 28 chi nhánh nhà xuất bản Trung ương, địa phương; 1.360 doanh nghiệp in, chiếm gần 2/3 số doanh nghiệp hoạt động in của cả nước, trong đó, gần 700 cơ sở in được Sở Thông tin và Truyền thông cấp phép, xác nhận đăng ký hoạt động in. Thành phố có tổng số 1.509 thư viện địa phương và hệ thống thư viện tại các trường từ phổ thông đến đại học.
Cụ thể về hoạt động xuất bản Thành phố trong thời gian qua, đồng chí Tăng Hữu Phong cho biết, các ấn phẩm được xuất bản và phát hành của Thành phố đã chuyển tải nội dung, tư tưởng theo đúng tôn chỉ, mục đích của giấy phép hoạt động xuất bản; hình thức thể hiện đa dạng với các sản phẩm sách in, sách điện tử; năng lực tổ chức bản thảo tốt, đề tài ngày càng phong phú, xuất bản phẩm chất lượng cao. (Trong đó, tiêu biểu như Nhà xuất bản Trẻ có số lượng sách thuộc kế hoạch sách tự doanh chiếm trên 98%; hằng năm, các nhà xuất bản của Thành phố đều có ấn phẩm đạt giải Sách Quốc gia và nhiều giải thưởng sách khác do sở, ngành, địa phương tổ chức) và có ưu tiên đầu tư, trợ giá cho mảng sách kén độc giả thông qua cơ chế đặt hàng.
Cơ quan chủ quản các nhà xuất bản trực thuộc Đảng bộ Thành phố luôn quan tâm chỉ đạo nhà xuất bản bám sát nhiệm vụ chính trị, thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích; chăm lo, tạo điều kiện về cơ sở vật chất, nhân lực để các nhà xuất bản hoàn thành nhiệm vụ chính trị, nâng cao chất lượng hoạt động xuất bản. Các đơn vị xuất bản, phát hành sách tập trung đa dạng hóa sản phẩm phục vụ nhu cầu người đọc. Hệ thống phát hành sách Thành phố ngày càng phát triển, hoàn thiện, phát huy vai trò cầu nối đưa sách đến bạn đọc.
Việc xây dựng, phát triển văn hóa đọc được Thành phố duy trì thực hiện, đầu tư trong nhiều năm qua. Trung bình mỗi năm Thành phố diễn ra gần 400 các hoạt động về hội sách, triển lãm, giao lưu tác giả tác phẩm, giới thiệu sách, đặc biệt có những hội sách mang tính quốc tế. Nhiều hoạt động định kỳ đã trở thành điểm nhấn văn hóa, thu hút đông đảo người dân như: Lễ hội Đường sách Tết Nguyên Đán (từ năm 2000 đến nay), Hội sách TP Hồ Chí Minh, Hội sách Thiếu nhi, Ngày Sách và Văn hóa đọc... thu hút hàng trăm ngàn lượt người/năm.
Với chủ trương huy động các nguồn lực xã hội, trong thời gian qua nhờ cơ chế mở đã góp phần phát triển sự nghiệp xuất bản, in, phát hành, hướng đến mục tiêu cao nhất là phục vụ văn hóa tinh thần cho người dân Thành phố. Đồng thời, khai thác mạnh mẽ năng lực, trí tuệ của các cá nhân trong hoạt động sáng tác, biên tập sách và tiềm lực tài chính, kinh doanh phát hành xuất bản phẩm của các tổ chức theo định hướng văn hóa, tư tưởng và đúng quy định pháp luật đã tạo ra diện mạo sôi động của ngành xuất bản trong giai đoạn hiện nay.
Tại buổi làm việc, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến để góp phần đưa hoạt động xuất bản của TP Hồ Chí Minh ngày càng phát triển |
Chủ động hội nhập, đưa ngành xuất bản phát triển lên một bước mới
Bên cạnh kết quả đạt được, đồng chí Tăng Hữu Phong cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, khuyết điểm. Trong đó, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý nhà nước chưa theo kịp sự phát triển lĩnh vực xuất bản trên địa bàn Thành phố. Chất lượng, đề tài xuất bản phẩm còn hạn chế so với yêu cầu của thời kỳ hội nhập; hiệu quả phát hành còn hạn chế; việc chăm lo phát triển nhu cầu đọc giữa nội thành và các huyện ngoại thành còn khoảng cách.
Bên cạnh đó, năng lực đổi mới, nâng cấp và hiện đại hóa cơ sở vật chất, kỹ thuật, công nghệ xuất bản của các nhà xuất bản còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Ngoài ra, còn tình trạng vi phạm hành chính trong lĩnh vực xuất bản, ảnh hưởng tiêu cực đến thương hiệu, gây thiệt hại không nhỏ đến các nhà xuất bản và thị trường phát hành xuất bản phẩm…
Tại buổi làm việc, các đại biểu của đoàn công tác đã đặt ra những câu hỏi, cùng trao đổi nhằm đi sâu vào phân tích, làm rõ những kết quả mà hoạt động xuất bản của TP Hồ Chí Minh đã đạt được trong thời gian qua, đặc biệt chỉ ra những khó khăn, nguyên nhân và giải pháp.
Một trong những nội dung được trao đổi tại buổi làm việc đó là vấn đề chuyển đổi số trong thông tin - truyền thông đang tạo ra những thời cơ cũng như thách thức đối với công tác xuất bản hiện nay. Xu hướng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động xuất bản ngày càng được thể hiện rõ. Xuất bản điện tử được phát triển mạnh mẽ cùng với những hình thức kinh doanh xuất bản phẩm mới như: kinh doanh, phát hành sách trực tuyến qua mạng internet... Vì vậy, yêu cầu đặt ra cho ngành xuất bản là phải tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức xuất bản, đa dạng hóa xuất bản phẩm gắn với nâng cao năng lực của đơn vị xuất bản, chủ động hội nhập, đưa ngành xuất bản phát triển lên một bước mới.
Đối với tình trạng bán sách in lậu, in giả, phát hành trên sàn thương mại điện tử, các nền tảng mạng xã hội, đại biểu cho rằng, mặc dù Thành phố đã tích cực rà soát, xử lý vi phạm, tuy nhiên, trên thực tế, các nhà xuất bản, các cơ quan chức năng chưa có biện pháp quản lý quyết liệt để ngăn chặn. Công tác tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân về phòng, chống tiêu thụ sách in lậu, in giả chưa được quan tâm đúng mức.
Đồng chí Phan Xuân Thủy, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương kết luận tại buổi làm việc |
Trong thời gian tới, để hoạt động xuất bản phát huy hiệu quả, các đại biểu cho rằng, cần tiếp tục nâng cao nhận thức của hệ thống chính trị về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc nâng cao chất lượng toàn diện hoạt động xuất bản. Cần hoàn thiện hệ thống pháp luật tạo điều kiện cho hoạt động xuất bản phát triển. Cần nghiên cứu, xây dựng các quy phạm pháp luật theo hướng tạo thuận lợi cho sự tham gia của các nhà xuất bản Việt Nam tiếp cận thị trường thế giới và ngược lại. Nhanh chóng kiện toàn công tác nhân sự lãnh đạo nhà xuất bản, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng đội nhân lực đảm bảo chất lượng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Kết luận buổi làm việc, đồng chí Phan Xuân Thủy ghi nhận, đánh giá cao công tác lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, quyết liệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Chỉ thị 42-CT/TW của Thành ủy TP Hồ Chí Minh gắn với điều kiện thực tiễn của Thành phố, qua đó, giúp cho các nhà xuất bản trên địa bàn Thành phố hoạt động tốt nhất.
Điểm lại những kết quả mà hoạt động xuất bản của TP Hồ Chí Minh đã đạt được trong thời gian qua, chỉ ra những mặt còn hạn chế, đồng chí đề nghị trong thời gian tới, TP Hồ Chí Minh cần tập trung quan tâm một số vấn đề sau:
Thứ nhất, tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm của cơ quan chủ quản nhà xuất bản trong lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động xuất bản, in và phát hành xuất bản phẩm, giữ vững vai trò tiên phong, trọng điểm trong lĩnh vực xuất bản, in và phát hành khu vực phía Nam.
Thứ hai, triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả việc quy hoạch, sắp xếp, phát triển nhà xuất bản theo hướng tinh gọn, chất lượng, hiện đại hóa. Tăng cường hơn nữa giao lưu, liên kết xuất bản, hợp tác quốc tế về xuất bản.
Thứ ba, quan tâm chỉ đạo thực hiện công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí sử dụng đội ngũ lãnh đạo, biên tập viên, người làm xuất bản vững vàng về chính trị, giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, có đạo đức nghề nghiệp nhằm đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; khẩn trương có giải pháp chỉ đạo, quản lý trong việc kiện toàn nhân sự người đứng đầu ở một số nhà xuất bản.
Đồng chí cũng đề nghị các cơ quan tham mưu của Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội Xuất bản Việt Nam tổng hợp các đề xuất, kiến nghị của Thành ủy TP Hồ Chí Minh tại cuộc họp, đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền triển khai toàn diện trong bối cảnh hiện nay. Đặc biệt, từ các ý kiến của đại biểu tại buổi làm việc hôm nay tổng hợp, tham mưu lãnh đạo, trình Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành văn bản mới thay thế, đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ của hoạt động xuất bản trong tình hình mới.