Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

TP Hồ Chí Minh tiên phong phát triển nông nghiệp công nghệ cao

Thứ Hai, 27/11/2023 18:03 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) - Đảng bộ và chính quyền TP Hồ Chí Minh xác định phát triển nông nghiệp công nghệ cao là hướng đi trọng tâm, đột phá trong phát triển nông nghiệp và nông thôn thành phố trong giai đoạn 2021-2030.

Do đó, xuyên suốt các nghị quyết của Đảng bộ, các chương trình, kế hoạch, văn bản pháp luật của Chính quyền Thành phố đều đề cập đến vai trò, tầm quan trọng để phát triển có hiệu quả nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn giai đoạn tiếp theo.

Tập trung vào phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp đô thị

Đại hội đại biểu Đảng bộ TP Hồ Chí Minh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra các nhiệm vụ phát triển TP Hồ Chí Minh giai đoạn tiếp theo, trong đó đề cập đến việc “phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp đô thị...”; nhấn mạnh “phát triển khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự là động lực chủ yếu phát triển kinh tế xã hội”.

Theo đó, Thành phố cần tập trung vào phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp đô thị. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp; tập trung nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học để sản xuất giống cây, giống con chất lượng và năng suất cao, từng bước hình thành trung tâm giống cây, giống con của khu vực; phát triển khoa học - công nghệ, nông nghiệp công nghệ cao gắn với đào tạo nguồn nhân lực để tận dụng tốt cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Song song với đó, thành phố cần tiếp tục thực hiện hiệu quả, xây dựng bộ tiêu chí nông thôn mới phù hợp với quá trình đô thị hóa của vùng nông thôn; phát triển nông thôn mới lên đô thị nông nghiệp công nghệ cao.

Dưa chuột chùm gai siêu trái. (Ảnh minh họa: PV)

Nhằm có cơ sở để chính quyền TP Hồ Chí Minh triển khai thực hiện có hiệu quả quan điểm, định hướng của Đảng bộ thành phố về phát triển nông nghiệp công nghệ cao, Đảng bộ TP Hồ Chí Minh đã ban hành Chương trình hành động 02-CTrHĐ/TU ngày 31/12/2020 về việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ TP Hồ Chí Minh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Trong đó, nhấn mạnh mục tiêu tổng quát là “Nâng cao trách nhiệm nêu gương và năng lực lãnh đạo của Đảng bộ, xứng đáng với niềm tin của Nhân dân; phát huy truyền thống đoàn kết, năng động, sáng tạo, nghĩa tình; huy động hiệu quả mọi nguồn lực, đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ, tận dụng thời cơ cách mạng công nghiệp lần thứ tư và tăng cường hội nhập quốc tế; đảm bảo quốc phòng - an ninh; phát triển nhanh, bền vững, vì cả nước, cùng cả nước, vì hạnh phúc của Nhân dân”.

Từ mục tiêu tổng quát này, Chương trình hành động cũng đã xác định các nhiệm vụ trọng tâm nhằm phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Riêng ngành nông nghiệp, Đảng bộ Thành phố xác định cần “Tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp đô thị, trở thành trung tâm giống cây, giống con của khu vực. Xây dựng chương trình hỗ trợ, phát triển nhóm sản phẩm chủ lực của ngành nông nghiệp thành phố, Xây dựng và áp dụng bộ tiêu chí nông thôn mới phù hợp với quá trình đô thị hóa của vùng nông thôn thành phố; phát triển nông thôn mới theo hướng nông nghiệp đô thị công nghệ cao”; “Tiến hành rà soát và điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, làm cơ sở quy hoạch hạ tầng dịch vụ, cảng, logistics, công nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao”.

Đáng chú ý, Ủy ban Nhân dân TP Hồ Chí Minh ban hành Quyết định 6150/QĐ-UBND phê duyệt Chương trình Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025 nhằm thực hiện chủ trương của Đảng về phát triển ứng dụng công nghệ cao trong kinh tế - xã hội nói chung, nông nghiệp nói riêng, TP Hồ Chí Minh cũng thực hiện theo xu hướng chung của cả nước.

Theo đó, TP Hồ Chí Minh là địa phương đầu tiên xây dựng Khu Nông nghiệp công nghệ cao theo mô hình đa chức năng, gắn nghiên cứu, trình diễn, chuyển giao công nghệ với việc tổ chức dịch vụ du lịch sinh thái đồng thời thu hút đầu tư của các doanh nghiệp. Quy mô diện tích của Khu là 88,17 ha được thành phố đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ. Chương trình cũng chỉ ra được thành tựu của địa phương trong việc tiên phong ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, đó chính là “Thành phố là đơn vị đi đầu trong cả nước về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, điển hình trên các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản".

Kết quả điều tra sơ bộ về tình hình ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp tại TP Hồ Chí Minh (năm 2015) cho thấy: hầu hết các hộ nông dân và doanh nghiệp trong phạm vi điều tra điều tra đã áp dụng một số biện pháp kỹ thuật công nghệ cao (trồng cây trong nhà lưới, hệ thống tưới tự động phun sương, nhỏ giọt, máy vắt sữa bò...). Trên địa bàn Thành phố đã hình thành những đơn vị nghiên cứu khoa học công nghệ trong nông nghiệp như: Khu nông nghiệp công nghệ cao, Trung tâm công nghệ sinh học, Trại trình diễn và thực nghiệm chăn nuôi bò sữa công nghệ cao; Các doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tiêu biểu như: Công ty cổ phần Giống cây trồng miền Nam, Công ty cổ phần phát triển và đầu tư Nhiệt đới, Tập đoàn Vingroup. Các nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao phục vụ sản xuất nông nghiệp đã được triển khai thông qua các mô hình sản xuất nông nghiệp trong trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản được chú trọng đầu tư xây dựng và nhân ra diện rộng như: Mô hình chăn nuôi trang trại áp dụng công nghệ chuồng kín; mô hình sản xuất rau an toàn, hoa lan trong nhà lưới; mô hình nuôi cá cảnh... góp phần hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp, đô thị ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn thành phố. Nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao có giá trị sản xuất cao như mô hình trồng hoa lan cắt cành, mô hình chăn nuôi bò sữa quy mô lớn (quy mô >100 con bò sữa)”. 

Chương trình hành động thực hiện có hiệu quả định hướng của Đảng bộ địa phương

Tuy đạt được những thành quả đáng khích lệ, nhưng theo Sở Nông nghiệp và PTNT TP Hồ Chí Minh, việc ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp của thành phố chưa tương xứng tiềm năng; chưa có sự gắn kết giữa nhà khoa học với đơn vị sản xuất... Trong khi đó, quỹ đất phát triển nông nghiệp công nghệ cao ngày càng bị thu hẹp; thiếu nhân lực đáp ứng yêu cầu.

Nhằm khắc phục những hạn chế tồn tại, tiếp tục thực hiện quan điểm, định hướng của Đảng bộ TP Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2020-2025 về phát triển nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, Ủy ban Nhân dân TP Hồ Chí Minh đã ban hành Quyết định 2092/QĐ-UBND về phê duyệt chương trình phát triển giống cây, con và nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2020- 2030. Với mục tiêu tổng quát là “Nâng cao năng lực nghiên cứu, lai tạo và chọn lọc, sản xuất, quản lý giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản theo hướng công nghiệp hiện đại; khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư nghiên cứu, sản xuất giống, nhằm đảm bảo cung cấp đầy đủ giống chất lượng cao, góp phần thực hiện thành công định hướng cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2020 - 2030. Phát triển nông nghiệp công nghệ cao là xu hướng chủ đạo và tất yếu của ngành nông nghiệp Thành phố, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, phục vụ phát triển đô thị theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, giá trị gia tăng, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh cao và thân thiện với môi trường”.

Từ quan điểm trên, Ủy ban Nhân dân TP Hồ Chí Minh cũng nhấn mạnh mục tiêu chung đến năm 2030 là “Đẩy mạnh nông nghiệp công nghệ cao, trong đó tập trung vào công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, công nghệ tự động hóa và các công nghệ tiên tiến để tạo ra các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao về giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản; phương pháp canh tác, nuôi trồng sản phẩm thương phẩm và công nghệ bảo quản nông sản sau thu hoạch, để tạo ra sản phẩm nông nghiệp có năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng, an toàn và có sức cạnh tranh cao”. Từ đó xác định giải pháp cần thực hiện để phát triển nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn như sau: Cần quy hoạch và mở rộng, nâng cấp cơ sở hạ tầng khu, vùng sản xuất phát triển giống và nông nghiệp công nghệ cao; Nâng cao năng lực nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ; Đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cao; Nâng cao năng lực quản lý; Xúc tiến thương mại về giống, sản phẩm nông nghiệp; Tăng cường hợp tác trong nước và quốc tế; Đẩy mạnh cải cách, hỗ trợ, cải thiện môi trường đầu tư sản xuất, nâng cao khả năng hội nhập quốc tế; Có chính sách phù hợp thúc đẩy sự phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã xác định cần xây dựng và triển khai thực hiện các chính sách dưới đây nhằm phát triển mạnh mẽ và bền vững nền nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn thành phố bao gồm: Chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị trên địa bàn Thành phố, trong đó nghiên cứu bổ sung nội dung thu hút đầu tư hiệu quả cho phát triển giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nhất là lĩnh vực đất đai, vốn và khoa học, công nghệ.

Bên cạnh đó, thực hiện chính sách khuyến khích phát triển hợp tác xã, mô hình liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo chuỗi, trọng tâm là mối liên kết giữa nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã với các doanh nghiệp cung ứng, tiêu thụ nông sản; khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và các cơ sở ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao khác, nhằm phát huy vai trò hạt nhân của mối liên kết khu và vùng trong chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực và liên kết sản xuất, tiêu thụ theo chuỗi giá trị ngành hàng.

Cùng với đó cần xây dựng chính sách kích cầu đầu tư tạo điều kiện để thu hút các tập đoàn, doanh nghiệp trong nước và ngoài nước đầu tư dự án theo mô hình liên kết, mô ứng dụng công nghệ thông tin, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn và các mô hình tiên tiến hiện đại khác phù hợp vào phát triển giống cây, con và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; ươm tạo doanh nghiệp; các quy định liên quan cơ chế, chính sách ưu đãi tạo điều kiện mời gọi các nhà đầu tư tham gia phát triển giống cây, con và nông nghiệp công nghệ cao và đầu tư sản xuất tại các khu nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn thành phố; Cơ chế chính sách về vốn, bao gồm vốn tín dụng và vốn đầu tư, trong đó ngân sách Nhà nước hỗ trợ vốn đầu tư.

Trong thời gian  tới, muốn ngành nông nghiệp TP Hồ Chí Minh phát triển vững mạnh, tạo điều kiện cho sự phát triển bền vững kinh tế, xã hội địa phương, điều quan trọng là Đảng bộ và Chính quyền Thành phố cần tiếp tục chủ động trong việc lãnh đạo, trực tiếp triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, quan điểm, định hướng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao./.

CM

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN