Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

TP Hồ Chí Minh: Nới lỏng nhưng không mở cửa ồ ạt, an toàn của người dân là trên hết

Thứ Năm, 30/09/2021 15:15 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Sau ngày 30/9, không phải tất cả hoạt động trên địa bàn TP Hồ Chí Minh được mở ồ ạt mà thận trọng từng bước, có lộ trình, đảm bảo an toàn, sức khỏe người dân là trên hết. Đó là thông tin được Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Lê Hòa Bình chia sẻ tại buổi họp báo sáng ngày 30/9.

 

Đồng chí Lê Hòa Bình, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh trình bày chỉ thị mới (Ảnh: Tuyết Mai)

"An toàn tới đâu mở cửa tới đó, mở cửa thì phải an toàn"

Mở đầu họp báo, đồng chí Lê Hòa Bình cho biết, mặc dù công tác phòng, chống dịch của Thành phố đã đạt được nhiều kết quả rất quan trọng, hệ thống y tế được tăng cường, củng cố; số ca nhập viện, chuyển nặng và tử vong liên tục giảm; tỷ lệ tiêm vaccine cho người từ 18 tuổi trở lên đạt trên 95% với tiêm mũi 1 và trên 45% với mũi tiêm mũi 2... Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh ở Thành phố vẫn còn phức tạp, số ca mắc mới, số ca nhiễm bệnh đang điều trị tại nhà và các cơ sở y tế, tỷ lệ tử vong vẫn còn cao. Vì vậy, TP Hồ Chí Minh ban hành chỉ thị mới về công tác phòng, chống dịch với mục tiêu nhằm tăng cường kiểm soát, phòng, chống dịch trên toàn địa bàn; kéo giảm số ca nhập viện và số ca tử vong đến mức thấp nhất; ưu tiên bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân; củng cố, phục hồi hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở; từng bước khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội an toàn, hiệu quả; quan tâm mở các hoạt động sản xuất, dịch vụ; đảm bảo an sinh xã hội bền vững cho người dân; đưa sinh hoạt của người dân bước sang trạng thái bình thường mới.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Lê Hòa Bình, tinh thần của chỉ thị mới không phải cho các hoạt động được ồ ạt mở cửa trở lại mà phải có lộ trình để đảm bảo an toàn với tinh thần sức khỏe người dân là trên hết.

Theo đó, các ngành nghề được hoạt động theo thứ tự ưu tiên, có lộ trình, theo danh mục cụ thể. Nguyên tắc là thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để triển khai từng bước thận trọng, chặt chẽ, chắc chắn theo phương châm "an toàn là trên hết", "an toàn tới đâu mở cửa tới đó, mở cửa thì phải an toàn". TP Hồ Chí Minh sẽ bám sát tình hình thực tiễn để xem xét, áp dụng các biện pháp cao hơn hoặc nới lỏng giãn cách xã hội phù hợp.

Chỉ thị mới cũng nhằm đưa sinh hoạt của người dân bước sang trạng thái bình thường mới, tuy nhiên không có nghĩa là người dân đổ ra đường cùng một lúc, không đảm bảo an toàn phòng dịch.

TP cũng yêu cầu người dân luôn nêu cao tinh thần cảnh giác, khi tham gia lưu thông sử dụng mã QR của ứng dụng VNEID và ứng dụng Y tế HCM có thể hiện lịch sử tiêm vắc xin (đến khi ứng dụng PC- COVID chính thức đưa vào hoạt động).

Trường hợp không có mã QR, xuất trình giấy tờ chứng minh là F0 đã khỏi bệnh dưới 180 ngày hoặc đã tiêm chủng (ít nhất 1 mũi đối với loại vắc xin tiêm 2 mũi và ít nhất 14 ngày sau tiêm) khi được cơ quan chức năng yêu cầu.

Người dân thực hiện nghiêm 5K, không tự ý đi lại giữa các tỉnh, thành phố khác; trường hợp cấp thiết phải đi lại liên tỉnh phải thực hiện theo quy định tại khoản 3 Mục II của Chỉ thị.

Người dân có những triệu chứng (ho, sốt, khó thở…) hoặc cần cấp cứu y tế, liên hệ ngay với số điện thoại đường dây nóng của Tổ phản ứng nhanh COVID-19 tại địa phương hoặc Tổng đài cấp cứu 115. 

Người nước ngoài khi nhập cảnh vào Thành phố phải khai báo y tế tại cửa khẩu và sử dụng mã QR hoặc giấy tờ thay thế cho các hoạt động tại Thành phố.

Phó Chủ tịch UBND Thành phố Lê Hòa Bình nhấn mạnh: "Sau ngày 30/9 sẽ không cấp giấy đi đường và dùng công nghệ thông tin để giảm phiền hà cho người dân nhưng phải đảm bảo an toàn”.

 Sau ngày 30/9, Thành phố sẽ không cấp giấy đi đường và dùng công nghệ thông tin để giảm phiền hà cho người dân (Ảnh: V.Lê)

Một số lĩnh vực, ngành nghề sẽ được hoạt động trở lại

Theo chỉ thị mới, từ 0 giờ ngày 1/10, TP Hồ Chí Minh sẽ từng bước nới lỏng giãn cách xã hội tương ứng với cấp độ được đánh giá theo hướng dẫn tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả với dịch" của Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống COVID-19.

Đơn vị nhà nước được hoạt động trở lại, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị quyết định số lượng lao động đảm bảo an toàn phòng chống dịch. Các cơ quan lãnh sự, tổ chức quốc tế chủ động quyết định phương án làm việc phù hợp với quy định phòng chống dịch.

Đối với các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao, hoạt động tham quan bảo tàng được hoạt động với điều kiện đáp ứng Bộ Tiêu chí đánh giá an toàn phòng, chống dịch, mỗi nhóm tham quan tại từng khu vực trưng bày tối đa 10 người cùng một thời điểm. Những sự kiện biểu diễn văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao, thi đấu được tổ chức quy mô tối đa 70 người với điều kiện 100% người tham gia đã được tiêm đủ liều vaccine hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 được cơ quan có thẩm quyền cho phép tổ chức. Các hoạt động thể dục thể thao, rèn luyện sức khỏe hàng ngày của người dân được hoạt động, nếu hoạt động theo từng nhóm tối đa 15 người/nhóm. Trường hợp có 100% người tham gia đã được tiêm đủ liều vaccine hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 được hoạt động tối đa 100 người.

Đối với hoạt động tập trung ngoài trời, trong nhà: Hoạt động trong nhà (hội họp, tập huấn, hội thảo,...) tập trung tối đa 10 người; trường hợp người tham gia đã được tiêm đủ liều vaccine hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 được tập trung tối đa 70 người. Hoạt động ngoài trời tập trung tối đa 15 người; trường hợp người tham gia đã được tiêm đủ liều vaccine hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 được tập trung tối đa 100 người.

Tổ chức đám tang, đám cưới hạn chế tối đa 20 người cùng một thời điểm.

Thành phố cũng cho phép các ngành nghề được hoạt động trở lại gồm: doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, Công viên phần mềm Quang Trung và trên địa bàn các quận, huyện, thành phố Thủ Đức; hợp tác xã, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh nông, lâm, ngư nghiệp; dịch vụ hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, cơ sở thú y, đối tượng hành nghề thú y; công trình giao thông, xây dựng.

TP Hồ Chí Minh cũng cho phép các ngành nghề dịch vụ thương mại được hoạt động trở lại như: khám chữa bệnh, phục hồi chức năng; cung cấp lương thực, thực phẩm; xăng dầu; chi nhánh ngân hàng, kho bạc, các cơ sở kinh doanh dịch vụ trực tiếp liên quan hoạt động tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, logistics; bưu chính, viễn thông; xuất bản báo chí; hoạt động kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử...

Tuy nhiên, các hoạt động sau tiếp tục tạm dừng: Các sự kiện văn hóa, nghệ thuật, tôn giáo, tín ngưỡng, mít tinh, lễ phát động trừ các trường hợp được cơ quan có thẩm quyền cho phép hoạt động. Hoạt động kinh doanh, dịch vụ: quán bar, spa, massage, dịch vụ làm đẹp, dịch vụ ăn uống tại chỗ, rạp chiếu phim, vũ trường, karaoke, trò chơi điện tử.

 Hoạt động bán hàng rong, vé số dạo. Hoạt động của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ khác trừ các trường hợp được cho phép hoạt động quy định tại phụ lục 3.

Huy động mọi nguồn lực để đạt bao phủ vaccine toàn dân sớm nhất (Ảnh: V.Lê) 

Huy động mọi nguồn lực để đạt bao phủ vaccine toàn dân sớm nhất

Đối với hoạt động phòng chống dịch COVID-19, về tiêm vaccine, TP Hồ Chí Minh đa dạng hóa nguồn vaccine, huy động mọi nguồn lực để đạt bao phủ vaccine toàn dân sớm nhất. Ưu tiên tiêm đủ liều cho lực lượng tuyến đầu, người có nguy cơ cao (có bệnh nền, trên 50 tuổi, phụ nữ mang thai), lực lượng sản xuất. Triển khai tiêm vaccine cho trẻ em khi có hướng dẫn của Bộ Y tế và có nguồn vaccine phù hợp.

Về xét nghiệm, Thành phố thực hiện nghiêm chiến lược xét nghiệm của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 và hướng dẫn của Bộ Y tế để chủ động phát hiện và tách nguồn lây nhiễm mạnh tại các khu vực nguy cơ cấp 3 và 4 và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp.

TP Hồ Chí Minh thực hiện xét nghiệm tầm soát tất cả các trường hợp có triệu chứng nghi ngờ, xét nghiệm giám sát trọng điểm tại các khu vực có nguy cơ cao, tập trung đông người như chợ đầu mối, bến xe, các bến xe và phương tiện vận chuyển, bệnh viện, trường học... Thành phố cũng khuyến khích doanh nghiệp, tổ chức và người dân tự làm xét nghiệm nhanh kháng nguyên định kỳ.

Thành phố tiến hành đánh giá cấp độ dịch thường xuyên theo đơn vị hành chính với quy mô phù hợp và quyết định những biện pháp theo Hướng dẫn tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả với dịch COVID-19” của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19.

Trong công tác điều trị, TP Hồ Chí Minh tiếp tục hạn chế tối đa số bệnh nhân trở nặng, kéo giảm tỷ lệ tử vong xuống mức thấp nhất có thể. Thành phố nâng cao năng lực điều trị của hệ thống các bệnh viện; nghiên cứu thành lập “Khoa COVID” tại các bệnh viện chuyên khoa nhiễm và bệnh viện đa khoa. Thành phố đảm bảo 100% các quận, huyện, TP Thủ Đức có kế hoạch thiết lập Trạm Y tế lưu động và Tổ chăm sóc người mắc COVID-19 tại cộng đồng…

Vẫn theo tinh thần rất cần thiết mới ra đường

Phát biểu tại buổi họp, đồng chí Lê Hải Bình, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, cho biết: "Chúng ta đang đi cùng nhân loại để đối mặt với thách thức chưa từng có, biến chủng Delta đang gây ra sự lúng túng cho các quốc gia. Singapore sau hơn 10 ngày nới lỏng giãn cách, tới ngày 28/9 con số người mắc đã lên đến 2.236 người. Đây là con số cao nhất trước đến giờ do đó lại phải siết lại. Ở Úc là 1.838 người, con số cũng tăng lên đạt đỉnh do đứng trước sức ép phục hồi kinh tế nên phải nới lỏng".

Đồng chí chia sẻ những ngày qua, UBND TP Hồ Chí Minh đã xây dựng rất nhiều dự thảo, khảo sát nhiều đối tượng như người dân, chuyên gia, thậm chí đại sứ Việt Nam ở nước ngoài về kinh nghiệm của các nước khác.

“Dự thảo là quá trình trăn trở, nếu lỏng quá sẽ xuất hiện nguy cơ dịch bệnh, nếu chặt quá sẽ khó phục hồi kinh tế. Đây thực sự là quyết định rất cân não”, đồng chí Bình cho biết.

Tinh thần của chỉ thị là tuân thủ rất kỹ phương châm của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19. Đồng chí nhắc lại Thủ tướng đã nhấn mạnh tinh thần mới là “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh”. Quan điểm là an toàn mới mở, an toàn đến đâu mở tới đó, an toàn mới sản xuất, sản xuất phải an toàn. Một trong những băn khoăn khi xây dựng chỉ thị này là phải đáp ứng phù hợp với đặc thù của Thành phố

“Chúng ta có cái Tết đủ đầy, rực rỡ hay không là phụ thuộc vào ý thức từ bây giờ của chúng ta. Một người lơ là, một tập thể lơ là thì rất có thể sẽ đóng lại. Chúng ta vẫn theo tinh thần rất cần thiết mới ra đường", đồng chí lê Hải Bình nhấn mạnh.

Về hoạt động giáo dục, đào tạo, TP Hồ Chí Minh tiếp tục tổ chức dạy - học gián tiếp, trên môi trường internet, qua truyền hình; từng bước củng cố các điều kiện để có thể kết hợp dạy - học trực tiếp. Các loại hình đào tạo cho người đã được tiêm đủ liều vaccine, có thể dạy – học trực tiếp nếu đảm bảo các tiêu chí an toàn theo quy định. Bố trí các hoạt động lệch ca, lệch giờ; không tổ chức các hoạt động tập trung đông người, giãn cách tối đa, đảm bảo giới hạn về số người tập trung theo quy định.
V.Lê

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN