TP Hồ Chí Minh nỗ lực thực hiện cơ chế đặc thù về quản lý khoa học và công nghệ
(ĐCSVN) - Ngành khoa học và công nghệ TP Hồ Chí Minh luôn được Đảng bộ và lãnh đạo Thành phố quan tâm, chỉ đạo và cùng sát cánh để phát huy những tiềm năng, lợi thế, nắm bắt những cơ hội, đẩy lùi khó khăn, vượt qua thách thức, qua đó đã đạt được những thành tựu và bài học kinh nghiệm quan trọng.
Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Báo Chính phủ |
Ngành khoa học và công nghệ đã có những đóng góp tích cực góp phần đưa Thành phố trở thành một trong những trung tâm lớn của cả nước về kinh tế, văn hoá, giáo dục - đào tạo và đặc biệt là khoa học và công nghệ. Thành tựu của ngành khoa học và công nghệ Thành phố còn có sức lan tỏa, thúc đẩy sự phát triển của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói riêng và cả nước nói chung.
Thành tựu và khó khăn trong hoạt động khoa học và công nghệ
Thời gian qua, hoạt động khoa học và công nghệ của Thành phố đã đạt được những thành tựu quan trọng và khá toàn diện, góp phần tạo chuyển biến tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội. Minh chứng rõ nét nhất là giai đoạn 2016 - 2022, kinh tế Thành phố tăng trưởng khá, tiếp tục giữ vững vị trí là đầu tàu kinh tế của cả nước, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng bình quân 5,47%, tỷ trọng kinh tế Thành phố đóng góp trên 17,05% kinh tế cả nước và 26,2% tổng thu ngân sách Nhà nước. Cơ cấu kinh tế của Thành phố đã chuyển biến tích cực, dịch vụ và công nghiệp có giá trị gia tăng cao đã làm nền tảng cho phát triển. Tỷ trọng 4 ngành công nghiệp trọng yếu có hàm lượng khoa học công nghệ cao: cơ khí chế tạo, điện tử - công nghệ thông tin, hoá chất - nhựa, cao su và chế biến tinh lương thực thực phẩm đang tăng dần qua các năm. Ngành nông nghiệp Thành phố đang chuyển dần sang nông nghiệp công nghệ cao, ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất giống cây, giống con và các sản phẩm có hiệu quả kinh tế cao theo hướng phát triển nông nghiệp đô thị sản xuất tập trung có năng suất cao. Kết quả này được thể hiện thông qua chỉ số năng suất yếu tố tổng hợp (TFP) luôn tăng và ở mức cao trong giai đoạn 2016 - 2022, đạt trung bình 46,7%, trong đó đóng góp của khoa học và công nghệ vào tăng trưởng TFP là 74%.
Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Thành phố là nền tảng vững chắc hỗ trợ hoạt động đổi mới sáng tạo với các nguồn lực, như: gần 2.200 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, chiếm 50% số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp của cả nước; hơn 200 quỹ đầu tư mạo hiểm, 53 tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, 97 trường đại học và cao đẳng và hơn 500 sự kiện khởi nghiệp và gần 80 cuộc thi khởi nghiệp mỗi năm đang diễn ra tại TP Hồ Chí Minh; từ đó, có thể thấy hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo của Thành phố ngày càng lớn mạnh và đang tiến gần đến Top 100 thành phố có hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo năng động nhất toàn cầu. Đặc biệt, năm 2023, TP Hồ Chí Minh được xếp hạng 114 trong bảng xếp hạng thành phố có hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo năng động nhất toàn cầu do Trung tâm nghiên cứu và lập bản đồ hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu - StartupBlink công bố.
Mặc dù đạt được nhiều thành tựu, nhưng Thành phố cũng gặp nhiều thách thức, khó khăn và hạn chế trong hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ cũng như về đổi mới sáng tạo.
Đầu tư cho khoa học và công nghệ còn hạn chế, nhỏ, lẻ và tản mạn; tỷ lệ chi cho các hoạt động nghiên cứu và phát triển chỉ chiếm 8,41% tổng chi ngân sách cho khoa học và công nghệ, chưa tương xứng với tốc độ phát triển kinh tế của Thành phố, với xu hướng chung của khu vực và thế giới. Đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ tuy có tăng về số lượng nhưng chất lượng chưa đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Thiếu các tập thể khoa học mạnh, các chuyên gia đầu ngành có khả năng dẫn dắt các hướng nghiên cứu mới, hoặc chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ ở trình độ quốc tế, chưa tạo được sản phẩm khoa học và công nghệ thực sự mang tính đột phá, chủ lực, mang thương hiệu của Thành phố; cơ chế, chính sách còn thiếu đồng bộ, chưa thực sự tạo động lực cho phát triển và ứng dụng kết quả khoa học và công nghệ vào sản xuất; chưa có những cơ chế, chính sách đủ mạnh khuyến khích doanh nghiệp đầu tư đổi mới, nhập khẩu công nghệ phục vụ sản xuất, kinh doanh tạo ra sản phẩm mới có giá trị gia tăng cao.
Thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo theo cơ chế đặc thù
Nền kinh tế tri thức dựa ngày càng nhiều vào các thành tựu của khoa học và công nghệ (Ảnh: tapchicongthuong.vn) |
Trên cơ sở những tồn tại, hạn chế nêu trên, Thành phố đã mạnh dạn đề xuất những cơ chế, chính sách đặc thù về quản lý khoa học và công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm phát huy tối đa mọi nguồn lực của Thành phố và đã được Quốc Hội thông qua ngày 24/6/2023 tại Điều 8 Nghị quyết số 98/2023/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh.
Hiện nay, Hội đồng Nhân dân Thành phố đã thông qua các Nghị quyết, cụ thể: Nghị quyết số 20/2023/NQ-HĐND ngày 11/11/2023 của Hội đồng Nhân dân Thành phố quy định lĩnh vực ưu tiên, tiêu chí, điều kiện, nội dung và mức hỗ trợ dự án đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn TP Hồ Chí Minh.
Theo Nghị quyết, các dự án ở giai đoạn tiền ươm tạo mức hỗ trợ không quá 40 triệu đồng/dự án và thời gian hỗ trợ không quá 6 tháng/dự án; các dự án ở giai đoạn ươm tạo mức hỗ trợ không quá 80 triệu đồng/dự án và thời gian hỗ trợ không quá 12 tháng/dự án; các dự án ở giai đoạn tăng tốc mức hỗ trợ không quá 400 triệu đồng/dự án và thời gian hỗ trợ không quá 12 tháng/dự án. Các dự án trên nhằm hỗ trợ thù lao cho cá nhân, nhóm cá nhân trực tiếp thực hiện dự án, chi phí tổ chức hoạt động tuyển chọn dự án, chi phí thuê chuyên gia, chi phí sử dụng các dịch vụ hỗ trợ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp…
Tiếp đến, Nghị quyết số 19/2023/NQ-HĐND ngày 11/11/2023 của Hội đồng Nhân dân Thành phố ban hành quy định tiêu chí, đối tượng, điều kiện, được hưởng tiền lương, tiền công, chế độ phúc lợi và các chính sách ưu đãi khác đối với các chức danh lãnh đạo trong tổ chức khoa học và công nghệ công lập và thù lao thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ.
Nội dung quy định mức tiền lương, tiền công các chức danh lãnh đạo trong tổ chức khoa học và công nghệ công lập dao động từ 30 triệu - 120 triệu đồng/tháng tùy theo chức danh, trình độ, năng lực. Cụ thể, chủ nhiệm nhiệm vụ 60 triệu đồng/tháng; thư ký khoa học 36 triệu đồng/tháng; thành viên chính 48 triệu đồng/tháng; thành viên 36 triệu đồng/tháng; kỹ thuật viên, nhân viên hỗ trợ 12 triệu đồng/tháng.
Nghị quyết số 27/2023/NQ-HĐND ngày 08/12/2023 về mức thu nhập chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt đối với lĩnh vực TP Hồ Chí Minh có nhu cầu thu hút. Đây là một trong những chính sách thu hút và trọng dụng nhân tài nhằm bổ sung kịp thời và có hiệu quả lực lượng lao động chất lượng cao cho những ngành, lĩnh vực đặc thù của Thành phố. Trong đó, chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt được hỗ trợ ban đầu tối đa 100 triệu đồng và mức thu nhập hằng tháng từ 30 triệu đồng đến 100 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, mức thu nhập khuyến khích nghiên cứu khoa học phát huy năng lực trí tuệ cá nhân được hưởng là 5% kinh phí ngân sách Thành phố chi cho công trình, sản phẩm khoa học tham gia thực hiện nhưng không thấp hơn 50 triệu đồng và không vượt quá 1 tỉ đồng. Đối với các đề tài, đề án, công trình thực hiện theo nhóm, tổng mức thu nhập khuyến khích là 5%, không thấp hơn 30 triệu đồng/người/công trình và tổng mức khuyến khích dành cho cả nhóm không quá 2 tỉ đồng. Bên cạnh đó, Nghị quyết còn hỗ trợ 50% tiền thuê nhà ở hàng tháng với mức tối đa 7 triệu đồng/người/tháng.
Ngoài ra, Hội đồng Nhân dân xem xét ban hành hai chính sách trong thời gian tới, đó là: Nghị quyết Quy định về miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn thuế thu nhập cá nhân trên địa bàn TP Hồ Chí Minh; Nghị quyết quy định việc thử nghiệm có kiểm soát các giải pháp công nghệ mới trong phạm vi khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung, trung tâm đổi mới sáng tạo trên địa bàn TP Hồ Chí Minh.
Với các chính sách nêu trên, TP Hồ Chí Minh hy vọng rằng, các chuyên gia, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài trong thời gian tới sẽ tham gia đóng góp, triển khai các dự án hợp tác trong đào tạo nhân lực, nghiên cứu phát triển, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển kinh tế - xã hội Thành phố./.