Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

TP Hồ Chí Minh: Nỗ lực để đảm bảo metro số 2 triển khai đúng kế hoạch

Thứ Ba, 28/05/2024 08:49 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) - Trong năm 2024, Ban Quản lý đường sắt đô thị TP Hồ Chí Minh tập trung nguồn lực để thi công tại 12 vị trí. Những phần còn lại sẽ thi công trong nửa đầu năm 2025 để sẵn sàng bàn giao mặt bằng cho các nhà thầu chính trong năm 2025 theo đúng kế hoạch.

Tuyến metro số 2 có chiều dài hơn 11km (đoạn đi ngầm dài hơn 9km, đoạn đi trên cao dài gần 2km) với 10 nhà ga (9 nhà ga ngầm, 1 nhà ga trên cao) 

Dự án xây dựng tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) được UBND TP Hồ Chí Minh phê duyệt năm 2010 và phê duyệt điều chỉnh vào năm 2019. Tổng mức đầu tư khoảng 47.900 tỉ đồng. Trong đó sử dụng nguồn vốn vay ODA từ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW), Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) và vốn đối ứng từ ngân sách.

Tuyến metro số 2 có chiều dài hơn 11km (đoạn đi ngầm dài hơn 9km, đoạn đi trên cao dài gần 2km) với 10 nhà ga (9 nhà ga ngầm, 1 nhà ga trên cao). Dự án đi qua 6 quận: 1, 3, 10, 12, Tân Bình, Tân Phú với tổng diện tích thu hồi 251.136m2. Tổng kinh phí bồi thường, hỗ trợ là hơn 3.753 tỉ đồng. Đến nay, tỉ lệ bàn giao mặt bằng đạt 86,6% (508/586 trường hợp).

Theo kế hoạch, tuyến metro số 2 dự kiến hoàn thành vào năm 2026, thế nhưng giờ đây Dự án này sẽ phải lùi thời gian hoàn thành đến năm 2030. Qua quá trình triển khai thực hiện Dự án, khó khăn vướng mắc chính và lớn nhất hiện nay là thủ tục thu xếp các khoản vay vốn ODA từ các nhà tài trợ ADB, KFW, EIB (bao gồm cả việc gia hạn các hiệp định vay đã ký với KFW) phức tạp, kéo dài và đến nay chưa hoàn thành, đã tác động trực tiếp đến tiến độ triển khai công tác đấu thầu gói thầu Tư vấn CS2B và các gói thầu xây dựng, thiết bị chính của dự án. Đồng thời, công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn. Theo Ban quản lý đường sắt đô thị TP Hồ Chí Minh (Ban Quản lý Dự án), đến cuối tháng 3 vừa qua, mặt bằng tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) đạt gần 90% (522/585 trường hợp). Hiện đã hoàn tất việc lựa chọn nhà thầu các gói di dời - tái lập công trình cấp nước, thoát nước, chiếu sáng, biển báo, đèn tín hiệu giao thông vào tháng 12/2023.

Theo Ban Quản lý Dự án, trong năm 2024 sẽ tập trung nguồn lực để thi công tại 12 vị trí. Trong đó có 10 vị trí chuẩn bị mặt bằng cho các nhà ga và 2 đoạn đào hở để cơ bản hoàn thành toàn bộ công tác di dời hạ tầng kỹ thuật. Những phần còn lại sẽ thi công trong nửa đầu năm 2025 để sẵn sàng bàn giao mặt bằng cho các nhà thầu chính trong năm 2025 theo đúng kế hoạch.

Tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên dự kiến đưa vào vận hành trong năm nay

Ban Quản lý Dự án sẽ tăng cường quản lý công tác chuẩn bị hồ sơ mời thầu, thương thảo hợp đồng với các nhà thầu; ứng dụng công nghệ BIM trong công tác thiết kế, quản lý dự án từ khâu thiết kế, quản lý thi công xây dựng để kiểm soát chất lượng, tiến độ và chi phí thực hiện, hoàn thành dự án tuyến metro số 2 Bến Thành - Tham Lương và công trình kết nối đồng bộ tuyến metro số 1 và số 2 tại khu vực nhà ga Bến Thành theo đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng.

Hiện nay, trong quá trình triển khai Dự án, với việc đi xuyên tâm TP Hồ Chí Minh có mật độ giao thông lớn thì công tác di dời hạ tầng kỹ thuật có thể gặp khó khăn, đặc biệt là trong tổ chức, phân luồng giao thông đảm bảo an toàn giao thông cho người dân. Ban Quản lý Dự án cho biết, công tác thi công tập trung chủ yếu vào ban đêm. Ban ngày, đội thi công chỉ tái lập lại mặt bằng kết hợp điều hành đồng bộ về giao diện để đảm bảo an toàn giao thông.

Được biết, hiện tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên khối lượng thực hiện toàn dự án đạt trên 98%, nhưng để đưa dự án vào vận hành khai thác thương mại cần phải tiếp tục thực hiện công tác nghiệm thu hoàn thành; đánh giá và cấp chứng nhận an toàn hệ thống; bàn giao tài sản kết cấu hạ tầng, thực hiện các thủ tục kết thúc dự án. Dự kiến, dự án sẽ đưa vào vận hành trong năm 2024.

Bên cạnh tuyến metro số 1 và số 2, các tuyến còn lại vẫn trong giai đoạn xin chủ trương đầu tư, đề xuất dự án, thu xếp vốn...

Theo Ban Quản lý đường sắt đô thị Thành phố, từ kinh nghiệm thực tiễn dự án tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), thời gian tới, Ban sẽ tập trung nguồn lực, thu xếp nguồn vốn để triển khai các dự án metro đang chuẩn bị đầu tư. Lãnh đạo Ban Quản lý đường sắt đô thị TP Hồ Chí Minh cũng yêu cầu các nhà thầu tập trung chú ý công tác quản lý an toàn lao động và vệ sinh môi trường trong quá trình triển khai thi công./.

V.Lê

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN