Tp Hồ Chí Minh: Nhiều chính sách, giải pháp thực hiện bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực
(ĐCSVN) - Thành phố Hồ Chí Minh đã có nhiều chính sách, giải pháp thực hiện bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới như: Ban hành một số chính sách, quy định để hoàn thiện hệ thống pháp luật hỗ trợ nạn nhân của bạo lực trên cơ sở giới, thí điểm “Chương trình Thành phố an toàn, thân thiện với phụ nữ và trẻ em”; triển khai nhiều mô hình, sáng kiến truyền thông thúc đẩy bình đẳng giới và phòng ngừa, can thiệp, hỗ trợ nạn nhân của bạo lực giới, nhất là bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái....
Phó Giám đốc Sở Thông tin truyền thông TP Hồ Chí Minh Nguyễn Ngọc Hồi phát biểu tại sự kiện. |
Đó là chia sẻ của Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Ngọc Hồi tại sự kiện truyền thông “Bữa sáng Ruy Băng Trắng - Vai trò của truyền thông trong thúc đẩy bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực giới” do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Hồ Chí Minh, Sở Thông tin truyền thông Thành phố phối hợp cùng Cơ quan Liên Hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UNWOMEN) tại Việt Nam tổ chức ngày 17/11.
Theo ông Nguyễn Ngọc Hồi, bình đẳng giới hiện nay trở thành một trong những vấn đề toàn cầu và được hầu hết các quốc gia trên thế giới quan tâm. Thực tiễn cho thấy việc phụ nữ được bình đẳng với nam giới khi tham gia vào mọi hoạt động của đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, đồng thời được thừa hưởng mọi thành quả của tiến bộ xã hội là biểu hiện của một xã hội công bằng, dân chủ và văn minh.
Tuy nhiên, để thay đổi các định kiến giới và các hành vi bạo lực bị ảnh hưởng bởi các quan niệm văn hóa xưa nay, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Ngọc Hồi cho rằng cần có chiến lược truyền thông vận động lâu dài, liên tục và sự vào cuộc đồng bộ, mạnh mẽ của các cơ quan, tổ chức và cả cộng đồng. Trong đó, các cơ quan truyền thông, báo chí, nhất là các nhà báo, phóng viên có vai trò hết sức quan trọng trong việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức, tiến tới thay đổi hành vi của cả nạn nhân, người gây ra bạo lực cũng như cộng đồng xã hội./.