TP Hồ Chí Minh: Hoàn thiện nhiều tài liệu tham khảo quan trọng phục vụ công tác quản trị sáng chế
(ĐCSVN) - Sở Khoa học Công nghệ TP Hồ Chí Minh (KHCN TP.HCM) vừa tổ chức hội đồng nghiệm thu nhiệm vụ khoa học - công nghệ “Phân tích Luật Sáng chế của 3 đối tác thương mại quan trọng với Việt Nam theo khuôn khổ thực thi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP): Nhật Bản, Úc, Canada; và đưa ra các khuyến nghị về quản trị sáng chế đối với các chủ thể Việt Nam”. Đây là nhiệm vụ do Viện Quản trị Tài sản trí tuệ Minh Đức chủ trì thực hiện.
Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có 30 chương, trong đó chương 18 là chương cam kết về sở hữu trí tuệ (SHTT). Từ nhiều năm nay, nội dung SHTT trong các Hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương (các FTA) thường được hướng dẫn dưới dạng “các cam kết về SHTT mà Việt Nam phải thực thi”.
Tuy nhiên, các chuyên gia trong lĩnh vực quản trị sáng chế và tài sản SHTT cho rằng góc nhìn đó thường vô tình bỏ qua và không đề cập đến khía cạnh rằng pháp luật và các giao kết về SHTT có bản chất là giúp “hưởng lợi từ kết quả sáng tạo và sự độc quyền khai thác kết quả sáng tạo”, qua đó kích thích hoạt động sáng tạo trong nước lẫn trong thương mại quốc tế.
Theo lời đại diện Viện Quản trị Tài sản trí tuệ Minh Đức, thì “thực thi các cam kết về SHTT” chỉ là công cụ thiết yếu có tính hệ quả, không phải là mục tiêu cơ bản của pháp luật SHTT nói chung và của các giao kết về SHTT trong các FTA nói riêng.
Thạc sỹ Nguyễn Thị Anh Xuân, chủ nhiệm nhiệm vụ “Phân tích Luật Sáng chế của 3 đối tác thương mại quan trọng với Việt Nam theo khuôn khổ thực thi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP): Nhật Bản, Úc, Canada; và đưa ra các khuyến nghị về quản trị sáng chế đối với các chủ thể Việt Nam” cho biết, tại TP.HCM, từ năm 2008, Sở KHCN TP.HCM đã phối hợp cùng Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ (VIPRI) thuộc Bộ KHCN tổ chức Chương trình quản trị viên tài sản trí tuệ (IAM) và chương trình này vẫn tiếp tục triển khai.
Mục tiêu của chương trình là bổ sung nguồn nhân lực thực hành về SHTT tại các đơn vị cơ sở (doanh nghiệp, trường, viện…) dưới dạng các nội dung tác nghiệp về quản trị kinh doanh các sản phẩm trí tuệ, trong đó các thao tác pháp lý về xác lập quyền và bảo vệ quyền SHTT là không thể thiếu nhưng rất nên vận dụng dịch vụ sẵn có của hệ thống tư vấn hoặc đại diện về SHTT. Khía cạnh được chương trình IAM tập trung hướng dẫn là các giao kết kinh doanh để khai thác giá trị của các tài sản trí tuệ (TSTT), trong đó có các sáng chế.
Toàn cảnh buổi nghiệm thu nhiệm vụ khoa học - công nghệ |
Trong 11 quốc gia thành viên của CPTPP, thì Nhật Bản, Úc và Canada là 3 quốc gia có hệ thống pháp luật sáng chế lâu đời và phát triển nhất; đồng thời cũng thuộc nhóm đối tác thương mại quan trọng nhất trước mắt và trong tương lai với Việt Nam. Vì thế, việc cung cấp các thông tin chi tiết hơn về pháp luật sáng chế của 3 quốc gia này đến các chủ thể sáng tạo và kinh doanh của Việt Nam sẽ giúp cá nhân, tổ chức Việt Nam chủ động hơn trong việc:
- Đăng ký xác lập quyền đối với sáng chế của mình trên lãnh thổ các nước bạn, nhằm mở rộng thị trường kinh doanh độc quyền đối với các giải pháp kỹ thuật mới của mình (khía cạnh SHTT);
- Xúc tiến bảo vệ quyền trong trường hợp bị xâm phạm (khía cạnh SHTT);
- Tổ chức khai thác quyền trên lãnh thổ các nước bạn qua việc vận dụng các kỹ thuật quản trị kinh doanh TSTT như: lưu chứng và ghi nhận sản phẩm trí tuệ mới phát sinh, giao kết về quyền đăng ký sản phẩm trí tuệ mới, giao kết về bảo mật kết quả sáng tạo hoặc nghiên cứu, thẩm định giá TSTT để phục vụ triển khai kinh doanh, giao kết li-xăng và góp vốn bằng TSTT… (khía cạnh IAM).
Đại diện nhóm triển khai nhiệm vụ cho biết đã khảo sát Luật Sáng chế Nhật Bản, Úc và Canada, đồng thời Việt hóa các văn bản luật. Nhóm cũng đã triển khai xây dựng báo cáo chuyên đề tổng quan về các quy định liên quan đến sáng chế trong CPTPP và Luật Sáng chế của 3 đối tác thương mại nêu trên.
Tiếp theo, nhóm thực hiện tuần tự so sánh đối chiếu những nội dung cơ bản trong pháp luật sáng chế của Nhật Bản, Úc và Canada với pháp luật sáng chế Việt Nam trong việc đăng ký sáng chế tại ba nước của các chủ thể Việt Nam nhằm xác định các điểm khác biệt (định nghĩa sáng chế, đối tượng được bảo hộ sáng chế, điều kiện bảo hộ, thủ tục bảo hộ, phí và lệ phí bảo hộ) trong việc đăng ký sáng chế ở Việt Nam so với 3 đối tác thương mại.
Các thành viên hội đồng tư vấn nghiệm thu nhiệm vụ khoa học - công nghệ trao đổi với đại diện nhóm chuyên gia do Viện Quản trị Tài sản trí tuệ Minh Đức |
Nhóm thực hiện đã phân tích ảnh hưởng của sự khác biệt trong pháp luật sáng chế của ba nước Nhật Bản, Úc và Canada với pháp luật sáng chế Việt Nam trong hoạt động quản trị sáng chế của các cá nhân, tổ chức Việt Nam khi tham gia thương mại và nghiên cứu phát triển ở từng nước. Từ đó, đưa ra các khuyến nghị về quản trị sáng chế. Đồng thời, khảo sát, tổng hợp và phân tích các dữ liệu, thông tin và tài liệu về thực trạng và số lượng đơn đăng ký sáng chế của ba nước Nhật Bản, Úc và Canada vào Việt Nam và của Việt Nam vào ba nước trong 11 năm (từ năm 2011 đến năm 2021).
Thêm vào đó, nhóm thực hiện cũng đã biên soạn hoàn tất tài liệu Hướng dẫn vận dụng pháp luật sáng chế của ba nước (Nhật Bản, Úc, Canada), tổng hợp các khuyến nghị về quản trị sáng chế với các chủ thể Việt Nam trong quan hệ với các đối tác thương mại này khi tham gia CPTPP.
"Đây sẽ là nguồn thông tin tham khảo quan trọng cho các cá nhân, tổ chức Việt Nam trước quyết định vươn ra quốc tế", đại diện nhóm triển khai nhiệm vụ khẳng định.
Thạc sỹ Anh Xuân cũng cho biết thêm, về mặt khoa học, nhiệm vụ đã đóng góp thêm một số lập luận về quản trị sáng chế vào lý luận quản trị TSTT hiện còn rất mới tại Việt Nam mà nói chung, hiện vẫn chưa được các trường đại học Việt Nam đưa vào chương trình giảng dạy chính khóa. Về mặt thực tiễn, kết quả của nhiệm vụ khoa học - công nghệ nói trên đã cung cấp thêm cho các nhà sáng chế và các chủ thể đầu tư vào việc tạo ra sáng chế một số công cụ quản trị kinh doanh trong các hoạt động thương mại, đầu tư và R&D, dựa trực tiếp trên các quy định của Luật Sáng chế Nhật Bản, Úc và Canada.
Là một phần của nhiệm vụ, thạc sỹ và nhóm chuyên gia tại Viện Quản trị Tài sản trí tuệ Minh Đức cũng đưa ra kiến nghị rằng, để góp phần tăng trưởng lượng đơn đăng ký sáng chế của các chủ thể Việt Nam tại chính Việt Nam và ra nước ngoài, trong đó có Nhật Bản, Úc và Canada, trong tương lai gần cũng như trong dài hạn; kiến thức về sáng chế và bảo hộ sáng chế nên sớm được đưa vào hệ thống giáo dục, cả dưới dạng các chương trình tập huấn lẫn các hoạt động phong trào qua các cấp học từ tiểu học đến đại học; theo kinh nghiệm tổ chức rất đa dạng tại các quốc gia phát triển. Các chương trình và phong trào như trên có vai trò rất quan trọng trong việc bình dị hóa và phổ cập hóa pháp luật SHTT nói chung, pháp luật sáng chế nói riêng đến giới học sinh, sinh viên và song song đó là đến giới chức quản lý giáo dục, góp phần thúc đẩy văn hóa sáng tạo trong học đường, chuẩn bị sẵn cho học sinh và sinh viên các nhận biết về vai trò của SHTT và sáng chế trong nghiên cứu phát triển và sản xuất kinh doanh, khơi gợi sự quan tâm của giới chức giáo dục đến hoạt động khởi nghiệp sáng tạo, hỗ trợ nhiều cho các giảng viên và sinh viên về kỹ năng kinh doanh và đầu tư vào sáng chế và các loại tài sản trí tuệ khác.
Bên cạnh đó, nhóm kiến nghị, các chủ thể sáng tạo và các chủ thể đầu tư cho phát triển công nghệ cần được hỗ trợ tiếp cận kiến thức cơ bản về bảo hộ sáng chế, không chỉ các thủ tục cần thực hiện, mà cả ý nghĩa kinh tế của các sáng chế và các cơ chế giao kết kinh doanh sáng chế. Bên cạnh việc tuyên truyền pháp luật SHTT doViệt Nam đã được thực hiện từ nhiều năm qua, đại diện Viện Quản trị Tài sản trí tuệ Minh Đức nhấn mạnh rằng đã đến thời điểm phổ cập pháp luật sáng chế nước ngoài, ưu tiên là của các đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam theo các Hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương nhằm cung cấp thêm góc nhìn mở rộng về vai trò của pháp luật sáng chế trong cách tiếp cận quốc tế, đặc biệt là tại các quốc gia phát triển; vừa là bước chuẩn bị cho bước bùng phát của hoạt động và thị trường sáng chế Việt Nam.