TP Hồ Chí Minh đẩy mạnh hợp tác phát triển kinh tế - xã hội với các tỉnh vùng Đông Nam Bộ
(ĐCSVN) - Với vai trò là hạt nhân trong liên kết phát triển kinh tế vùng, TP Hồ Chí Minh đã có thỏa thuận hợp tác phát triển toàn diện về kinh tế - xã hội với tất cả các tỉnh trong vùng Đông Nam Bộ, nhằm phát huy các lợi thế về vị trí địa lý, cơ sở hạ tầng và các mối quan hệ đối ngoại.
Các đại biểu tham dự hội nghị (Ảnh: Thanh Mảng) |
Ngày 18/3, tại tỉnh Bình Phước, TP Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Phước phối hợp tổ Hội nghị tổng kết Chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP Hồ Chí Minh với các tỉnh vùng Đông Nam Bộ.
Tham dự hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh; Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh; Nguyễn Mạnh Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước; Nguyễn Thành Tâm, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh; Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông; cùng Chủ tịch và Phó Chủ tịch UBND các tỉnh: Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh, Long An; và đông đảo doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh Bình Phước.
Hội nghị tổng kết Chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP Hồ Chí Minh với các tỉnh vùng Đông Nam Bộ nhằm tạo đột phá cho nền kinh tế của từng địa phương, mở ra cơ hội mới để thu hút những dự án từ các nhà đầu tư TP Hồ Chí Minh cho các địa phương trong vùng.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền cho biết: Đối với Bình Phước, Chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa tỉnh với TP Hồ Chí Minh trong những năm qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền phát biểu khai mạc (Ảnh: Thanh Mảng) |
Đến nay, Bình Phước có 206 dự án của các nhà đầu tư đến từ TP Hồ Chí Minh, với số vốn đăng ký gần 20 ngàn tỷ đồng; có 2 siêu thị Co.op Mart tại thành phố Đồng Xoài và huyện Đồng Phú, có 71 cửa hàng tiện ích Bách Hóa Xanh tại 11 huyện, thị xã, thành phố. Các hoạt động hợp tác về văn hóa, du lịch, y tế, giáo dục, thông tin truyền thông và an sinh xã hội ngày càng có nhiều kết quả tốt đẹp.
Qua đó, có thể khẳng định, Chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa tỉnh Bình Phước với TP Hồ Chí Minh rất có hiệu quả, góp phần tăng thu ngân sách và giải quyết được nhiều việc làm cho lao động địa phương, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Phước trong nhiều năm qua.
Đồng chí Trần Tuệ Hiền khẳng định, với lợi thế về đất đai rộng lớn, khí hậu ôn hòa, địa hình bằng phẳng, giao thông thuận lợi, Bình Phước luôn sẵn sàng chào đón các doanh nghiệp, nhà đầu tư đến hợp tác đầu tư, sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
Bình Phước sẽ tiếp tục kết nối phát triển với các tỉnh, thành trong vùng. Tỉnh rất cần sự phối hợp, hỗ trợ của các địa phương, đặc biệt là về hạ tầng giao thông.
Tại hội nghị, các đại biểu nhấn mạnh lại tầm quan trọng của vùng Đông Nam Bộ. Đây là vùng kinh tế năng động, sáng tạo, đi đầu trong đổi mới và phát triển, đóng góp to lớn vào tăng trưởng kinh tế, xuất khẩu, thu ngân sách nhà nước và giải quyết việc làm của cả nước.
Đông Nam Bộ có khu vực kinh tế tư nhân phát triển mạnh với số lượng doanh nghiệp đứng đầu cả nước; là địa bàn thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài(FDI) lớn nhất, chiếm 41,1% tổng vốn FDI của cả nước; trong đó, TP Hồ Chí Minh là hạt nhân của vùng, là trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo của vùng và của cả nước.
Nhận thức ngày càng rõ hơn vị trí, vai trò và tầm quan trọng của vùng Đông Nam Bộ; các tỉnh, thành phố trong vùng luôn tích cực đổi mới tư duy, tầm nhìn, phát huy sự năng động, sáng tạo trong chỉ đạo điều hành, đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương.
Đồng chí Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh phát biểu tại hội nghị (Ảnh: Thanh Mảng) |
Thời gian qua, TP Hồ Chí Minh chỉ mới ký kết hợp tác với 3 tỉnh vùng Đông Nam Bộ và triển khai nhiều chương trình hợp tác, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương và có đóng góp nhất định cho sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước. Việc hợp tác được triển khai trên nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội giữa các địa phương như: thương mại; công thương; nông nghiệp; xúc tiến đầu tư; du lịch; khoa học và công nghệ; thông tin và truyền thông; đô thị, môi trường; giao thông vận tải; văn hóa, thể thao; phát thanh, truyền hình; lao động và xã hội; an ninh, trật tự. Qua chương trình hợp tác đã có được những kết quả tích cực trên mọi lĩnh vực…
Phát biểu tại hội nghị, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết: qua việc liên kết Vùng, TP Hồ Chí Minh là địa phương được tiếp nhận và thụ hưởng nhiều từ các kết quả hợp tác, mở ra không gian phát triển mới, với nhiều ý tưởng sáng tạo, kinh nghiệm và mô hình phát triển kinh tế của địa phương. TP Hồ Chí Minh xác định cần có trách nhiệm phải đẩy mạnh tăng cường ký kết hợp tác có trọng điểm, trọng tâm với từng địa phương.
Đồng chí Phan Văn Mãi thông tin, thời gian qua, TP Hồ Chí Minh đã Thỏa thuận hợp tác phát triển toàn diện về kinh tế- xã hội với 3 tỉnh Bình Phước, Đồng Nai, Tây Ninh; riêng tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu và Bình Dương là chưa có ký kết thỏa thuận toàn diện
Theo đồng chí Phan Văn Mãi, để phát triển vùng trong thời gian tới, TP Hồ Chí Minh xác định 7 nội dung cần đẩy mạnh như hợp tác quy hoạch, kết nối cung cầu, giao thông hạ tầng công nghiệp, hạ tầng dịch vụ; thích ứng với biến đổi khí hậu... Ngoài ra, TP đề nghị, các tỉnh xem xét việc có nên lập tổ chức hội đồng vùng hay không, tổ chức thế nào, điều phối hoạt động ra sao; có nên thành lập quỹ cho việc phát triển hạ tầng giao thông vùng.
Với vai trò là hạt nhân trong liên kết phát triển kinh tế vùng, tại hội nghị này, TP Hồ Chí Minh đã có thỏa thuận hợp tác phát triển toàn diện về kinh tế - xã hội với tất cả các tỉnh trong vùng Đông Nam Bộ, nhằm phát huy các lợi thế về vị trí địa lý, cơ sở hạ tầng và các mối quan hệ đối ngoại. Qua đó, nâng cao hơn nữa tầm giá trị vùng đảm nhiệm chức năng đầu mối giao lưu với khu vực và thế giới, đi đầu trong hội nhập quốc tế của cả nước. Phát huy vai trò là khu vực trung tâm giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; trung tâm nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học - công nghệ và trung tâm công nghiệp hàng đầu cả nước./.