Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

TP Hồ Chí Minh đảm bảo nguồn hàng phục vụ người dân dịp Tết

Thứ Hai, 29/01/2024 14:45 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Tại TP Hồ Chí Minh, để đảm bảo nhu cầu mua sắm tăng đột biến của người tiêu dùng vào dịp Tết Nguyên đán, các trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi, hệ thống siêu thị, chợ đầu mối đã sẵn sàng phương án tăng lượng hàng từ 2 - 3 lần so với ngày thường, đồng thời có phương án kéo giãn thời gian hoạt động.

Nhân viên Sở An toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh lấy mẫu kiểm nghiệm nhanh tại chợ đầu mối Bình Điền. (Ảnh: TTXVN)

Theo Sở Công thương TP Hồ Chí Minh, chương trình bình ổn thị trường năm nay doanh nghiệp tham gia trên cơ sở đồng thuận, đồng hành, góp phần ổn định giá cả, không để xảy ra khan hàng, thiếu hụt nguồn cung cục bộ gây sốt giá. Các doanh nghiệp dành hơn 22.000 tỷ đồng chuẩn bị hàng hóa phục vụ 2 tháng Tết, trong đó hơn 8.500 tỷ đồng chuẩn bị hàng bình ổn thị trường.

Dự kiến, cận Tết lượng hàng nhập về các chợ đầu mối tăng mạnh so với ngày thường, lên đến 13.000 – 15.000 tấn/ngày. Các trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi, hệ thống siêu thị… cũng đã ký kết hợp đồng thu mua với nhà cung cấp, chuẩn bị nguồn hàng hóa phục vụ tết. Các đơn vị sẵn sàng phương án tăng lượng hàng từ 2 - 3 lần so với ngày thường, đồng thời có phương án kéo giãn thời gian hoạt động để đảm bảo nhu cầu tăng đột biến của người tiêu dùng.

Theo Công ty Quản lý kinh doanh chợ Bình Điền, dự kiến trong tuần cận Tết, sản lượng hàng hóa nhập chợ có thể tăng bình quân với mức 20% - 35% so với ngày thường; đặc biệt trong đêm cao điểm nhất (dự kiến ngày 26 và 27 tháng Chạp), sản lượng có thể tăng từ 40 - 60%, đạt khoảng 3.200 đến 4.000 tấn/đêm. Một số mặt hàng dự báo có xu hướng tăng giá trong thời điểm cận Tết như hải sản tươi sống, trái cây bày cúng tăng từ 10% đến 20%. Một số mặt hàng hoa tươi cao cấp tăng giá từ 2 đến 3 lần so với bình thường.

Để chuẩn bị nguồn hàng hoá phục vụ Tết Giáp Thìn 2024, Công ty đã chủ động liên hệ và làm việc với các chủ vựa lớn, thương lái tại chợ Bình Điền, qua đó nắm bắt tình hình từng mặt hàng chủ lực trong dịp Tết 2024 như sản lượng, giá cả, dự báo cung - cầu nhằm thông tin điều tiết lượng hàng nhập chợ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, đảm bảo không tăng giá đột biến hoặc dư thừa nguồn cung dẫn đến thiệt hại cho người kinh doanh, nuôi trồng.

Còn tại chợ đầu mối Hóc Môn, Công ty Quản lý chợ đã xây dựng kế hoạch về chuẩn bị nguồn hàng và các dịch vụ liên quan để chuẩn bị hàng hóa phục vụ người dân mua sắm, đón Tết. Dự kiến, trong những ngày cao điểm từ ngày 25 đến 28 tháng Chạp âm lịch, lượng hàng nhập chợ sẽ tăng dần; trong đó lượng rau dao động từ 1.800 tấn - 2.500 tấn/ngày, lượng trái cây dao động từ 2.200 tấn - 2.500 tấn/ngày, hoa tươi dao động từ 200 - 400 tấn/ngày.

 TP Hồ Chí Minh đảm bảo nguồn hàng phục vụ người dân trong dịp Tết Nguyên đán. (Ảnh: V.Lê)

Không chỉ đảm bảo số lượng hàng hóa, TP Hồ Chí Minh cũng đặc biệt quan tâm tới việc đảm bảo an toàn thực phẩm. Theo bà Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh, nhằm đảm bảo vấn đề kiểm soát an toàn thực phẩm tại các chợ đầu mối, đơn vị này đã cử các đội an toàn thực phẩm túc trực thường xuyên, phối hợp công ty quản lý chợ kiểm tra hằng đêm, lấy mẫu kiểm tra định kỳ và đột xuất các mặt hàng. Đối với hàng hóa có xuất xứ nước ngoài, các tổ kiểm tra đều giám sát nguồn gốc xuất xứ lô hàng nhập khẩu, kiểm tra điều kiện bảo quản, bao bì, nhãn mác theo quy định.

Cùng với đó, để đảm bảo an toàn hàng hóa cuối năm, Cục Quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh đã triển khai kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Trong đó tập trung kiểm tra chặt chẽ các nhóm mặt hàng thiết yếu và có nguy cơ. Đặc biệt, đã chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường thường xuyên tập trung kiểm tra tại các khu vực địa bàn nổi cộm, các tuyến phố du lịch, trung tâm thương mại và các nhóm hàng hóa trọng điểm.

Về nội dung này, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Dương Anh Đức đã yêu cầu các sở, ngành, địa phương chuẩn bị nguồn cung các mặt hàng, bảo đảm chất lượng, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu của người dân.

Bên cạnh đó cần tăng cường công tác kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm, hàng hóa gian lận nguồn gốc xuất xứ, kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng kém chất lượng./.

PV

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN