Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

TP Hồ Chí Minh: Bàn giải pháp phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm 2024

Thứ Năm, 13/06/2024 11:39 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) - Hội nghị lần thứ 31 Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hồ Chí Minh khóa XI tập trung thảo luận và cho ý kiến về một số nội dung trọng tâm. Cụ thể là thảo luận, cho ý kiến về Dự thảo Báo cáo công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, công tác dân vận 6 tháng đầu năm 2024; nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm 2024; Dự thảo Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội TP 6 tháng đầu năm 2024; nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm 2024.

Đó là nhấn mạnh của đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh tại Hội nghị lần thứ 31, Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hồ Chí Minh khóa XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 được khai mạc vào ngày 13/6.

Hội nghị lần này sẽ thảo luận và cho ý kiến về nhiều nội dung quan trọng góp phần phát triển bền vững TP Hồ Chí Minh

Cùng dự Hội nghị có các đồng chí: Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh; Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP Hồ Chí Minh; Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Hồ Chí Minh; Nguyễn Phước Lộc, Phó Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh.

Các đại biểu đã thảo luận cho ý kiến về: Nội dung định hướng chỉ đạo (chủ đề, mục tiêu tổng quát Đại hội), đề cương chi tiết Báo cáo Chính trị trình Đại hội Đại biểu Đảng bộ TP Hồ Chí Minh lần thứ XII, nhiệm kỳ 2025 - 2030; Dự thảo các Kế hoạch phục vụ của các Tiểu ban chuẩn bị Đại hội Đại biểu Đảng bộ Thành phố lần thứ XII, nhiệm kỳ 2025 - 2030 (Kế hoạch chuẩn bị Văn kiện Đại hội; Kế hoạch về công tác nhân sự Đại hội; Kế hoạch chuẩn bị và tổ chức phục vụ Đại hội); Dự thảo Quy chế làm việc của Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy, Thường trực Thành ủy khóa XI (điều chỉnh, bổ sung); Quy hoạch TP Hồ Chí Minh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Hội nghị cũng thảo luận cho ý kiến về: Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP Hồ Chí Minh đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060; Đề án phát triển Hệ thống Đường sắt đô thị TP Hồ Chí Minh nhằm cụ thể hóa mục tiêu theo Kết luận số 49-KL/TW ngày 28 tháng 02 năm 2023 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Đề án xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ.

 Đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh, từ đầu năm tới nay,  kinh tế đất nước nói chung và TP Hồ Chí Minh nói riêng có nhiều chuyển biến tích cực mặc dù bối cảnh chung của thế giới còn gặp nhiều khó khăn. Kinh tế Thành phố từ đầu năm tới nay đạt mức tăng trưởng khá; các ngành sản xuất công nghiệp, dịch vụ trọng yếu có nhiều khởi sắc. Tình hình thu ngân sách được đảm bảo; nhiều công trình lớn, có ý nghĩa được khởi công, hoàn thành; nhiều khó khăn tiếp tục được tháo gỡ tạo thuận lợi cho quá trình phát triển của Thành phố. Cùng với đó, tình hình an ninh, quốc phòng được giữ vững, trật tự xã hội được đảm bảo. Việc triển khai các nghị quyết của Trung ương, Thành phố trong đó đặc biệt là Nghị quyết 98 có nhiều kết quả tích cực.

Trong quá trình phát triển, Thành phố luôn nhận được sự đồng tình, ủng hộ tham gia trên tinh thần ý thức, trách nhiệm của người dân và cộng đồng doanh nghiệp, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ kinh tế - xã hội mà Thành phố đã đề ra đồng thời không nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực đạt được, đồng chí Nguyễn Văn Nên cũng chỉ ra một số hạn chế còn tồn tại. Trong đó, mức tăng trưởng GRDP của Thành phố tới nay mới chỉ đạt 6,46%, thấp hơn mức tăng trưởng đã đề ra là 7,5 - 8%. Do đó, đồng chí nhấn mạnh, trong thời gian tới, các cấp, các ngành, đơn vị của Thành phố cần phải nỗ lực cố gắng hơn nữa.

Bên cạnh đó, đồng chí cũng cho rằng, khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp Thành phố còn yếu. Một số yếu tố cạnh tranh của Thành phố cải thiện chậm và tình hình giải ngân vốn đầu tư công đạt tỉ lệ thấp. Đồng chí Bí thư Thành ủy đánh giá cao việc UBND TP Hồ Chí Minh có tổ chức đánh giá, nhắc nhở, phê bình, chỉ ra hạn chế của từng nơi, từng dự án nhưng trên hết là vẫn phải tìm ra giải pháp để giải ngân đạt từ 90% trở lên trong năm nay.

Về quy hoạch TP Hồ Chí Minh và đồ án điều chỉnh quy hoạch chung Thành phố, Bí thư Thành ủy TP Hồ  Chí Minh cho rằng đây là nhiệm vụ quan trọng, có ý nghĩa đặc biệt đối với sự phát triển bền vững của Thành phố. Mặc dù triển khai thực hiện chậm so với các địa phương nhưng do đặc thù TP Hồ Chí Minh lớn và rộng, cần thời gian để làm kỹ lưỡng.

Đồng chí Nguyễn Văn Nên cho biết, tới thời điểm này, các đồ án quy hoạch của TP Hồ Chí Minh được chuẩn bị công phu, bám sát các nghị quyết của Bộ Chính trị và Trung ương, lấy ý kiến góp ý rộng rãi của các nhà khoa học, chuyên gia, các đồng chí nguyên lãnh đạo, đội ngũ trẻ, của người Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài ở Việt Nam, học tập kinh nghiệm của nhiều nước tiên tiến trên thế giới…

Đồng chí Nguyễn Văn Nên đề nghị các cơ quan nhanh chóng tiếp thu các ý kiến tại hội nghị và các chuyên gia, hoàn thành đồ án để trình HĐND TP Hồ Chí Minh, Thủ tướng Chính phủ trong thời gian tới.

Về đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị TP Hồ Chí Minh, đồng chí Nguyễn Văn Nên chia sẻ, có ý kiến cho rằng: "TP Hồ Chí Minh mà không có hệ thống đường sắt đô thị hoàn chỉnh là bất ổn", TP Hồ Chí Minh phải quyết tâm không để rơi vào tình trạng này.

Tuyến metro số 1 đã qua 20 năm đến nay mới hoàn thành được 96% và đang hoàn thành các công đoạn cuối cùng để đưa vào vận hành.

"Qua 20 năm mới thực hiện được một tuyến, bây giờ chúng ta còn 200km nếu vẫn thực hiện như thế thì không chấp nhận được, phải làm cách khác, có cơ chế chính sách đổi mới, phải đột phá mới được. Thực hiện metro số 1 để chúng ta rút kinh nghiệm để thực hiện", Bí thư Thành ủy nói.

Về Đề án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, theo Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh, các nhà nghiên cứu đều nhìn nhận dự án này không chỉ phục vụ cho TP Hồ Chí Minh mà là cả quốc gia và khu vực, là tài sản có giá trị quốc tế. Phải nhìn nhận dưới góc độ đó để huy động trí tuệ thực hiện. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn các ý kiến băn khoăn, lo lắng, nhiều phản biện. Đồng chí Nguyễn Văn Nên yêu cầu chính quyền TP Hồ Chí Minh lắng nghe đầy đủ trên tinh thần trách nhiệm cao, bổ sung, nghiên cứu hoàn thiện đề án trước khi trình cấp có thẩm quyền.

Cùng với đó, đồng chí Nguyễn Văn Nên cũng đề nghị các đại biểu tập trung đưa ra các giải pháp thực hiện Trung tâm tài chính quốc tế tại TP Hồ Chí Minh đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ./.

Tin, ảnh: V.Lê

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN