Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Tổng thư ký Liên hợp quốc hối thúc hành động để ngăn chặn thảm họa ở Gaza

Thứ Năm, 07/12/2023 09:45 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) - Ngày 6/12, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã có động thái hiếm hoi viện dẫn Điều 99 trong Hiến chương Liên hợp quốc để lên tiếng kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc hành động ngăn chặn thảm họa nhân đạo ở Gaza.

Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cần hành động để chặn đứng thảm họa ở Gaza

Trong một động thái hiếm hoi, ông Guterres đã viện dẫn Điều 99 của Hiến chương Liên hợp quốc để viết thư yêu cầu hành động từ Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Đây là lần đầu tiên ông Guterres có động thái như vậy kể từ sau khi trở thành Tổng Thư ký Liên hợp quốc từ năm 2017.

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres. (Ảnh: Reuters) 

Điều 99 trong Hiến chương Liên hợp quốc nêu rõ, Tổng thư ký Liên hợp quốc có thể lưu ý Hội đồng Bảo an về bất kỳ vấn đề nào được cho là có thể đe dọa đến nỗ lực duy trì hòa bình và an ninh quốc tế.

Theo phát ngôn viên của Tổng thư ký Liên hợp quốc Stephane Dujarric, với mức độ thiệt hại về người ở Gaza và Israel trong thời gian ngắn như vừa qua, Tổng thư ký Liên hợp quốc đã chuyển một lá thư tới Chủ tịch Hội đồng Bảo an viện dẫn Điều 99 trong Hiến chương Liên hợp quốc.

Theo nội dung bức thư được Ban Thư ký Liên hợp quốc tiết lộ, ông Guterres đã kêu gọi các bên thiết lập lệnh ngừng bắn nhân đạo ở Gaza.

"Cộng đồng quốc tế có trách nhiệm sử dụng mọi ảnh hưởng của mình để ngăn chặn sự leo thang hơn nữa và chấm dứt cuộc khủng hoảng này. Tôi kêu gọi các thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc gây sức ép để ngăn chặn một thảm họa nhân đạo. Tôi nhắc lại lời kêu gọi của mình về việc tuyên bố ngừng bắn nhân đạo… Đây là điều khẩn cấp. Dân thường phải được tạo điều kiện để tránh khỏi những tổn hại lớn hơn. Lệnh ngừng bắn nhân đạo sẽ mở đường cho các phương tiện và hoạt động hỗ trợ nhân đạo tới Dải Gaza một cách an toàn và kịp thời" - bức thư của ông Guterres có đoạn viết.

Những hậu quả thảm khốc từ xung đột

Người đứng đầu Liên hợp quốc lưu ý, quãng thời gian hơn 8 tuần xảy ra xung đột đã để lại nhiều nỗi thống khổ kinh hoàng cho người dân Gaza và Israel. Hơn 1.200 người đã thiệt mạng trong các cuộc tấn công của Hamas và các nhóm vũ trang Palestine nhằm vào Israel và châm ngòi cho xung đột vào ngày 7/10. Khoảng 250 người đã bị bắt cóc, với hơn 130 người trong số đó vẫn đang bị giam giữ.

Trong khi đó, những người dân thường sinh sống ở Gaza cũng đang phải đối mặt với nguy hiểm nghiêm trọng. Chiến dịch quân sự của Israel cho đến nay đã khiến hơn 15.000 người Gaza thiệt mạng, hơn 40% trong số đó là trẻ em.

Giao thông tắc nghẽn trên đường phố Khan Younis (miền Nam Gaza) khi người dân chạy trốn các cuộc giao tranh. (Ảnh: AFP) 

Xung đột tiếp diễn trong nhiều ngày qua cũng khiến hàng ngàn người bị thương. Hơn một nửa số ngôi nhà ở Gaza đã bị phá hủy. Khoảng 80% trong tổng dân số 2,2 triệu người đã buộc phải di dời đến những khu vực ngày càng nhỏ hơn. Hơn 1,1 triệu người phải tìm nơi ẩn náu tại các cơ sở của Liên hợp quốc trên khắp Gaza, gây ra tình trạng quá tải với những điều kiện sống cơ bản không được đảm bảo. Nhiều người không có nơi trú ẩn và phải lang thang trên đường phố. Các vụ tấn công đã khiến nhiều khu vực bị phá hủy và không đủ điều kiện cho người dân trú ẩn.

Trong khi đó, hiện vẫn chưa có biện pháp bảo vệ dân thường hiệu quả. Hệ thống chăm sóc sức khỏe ở Gaza đang sụp đổ, nhiều bệnh viện bị phá hủy. Hiện chỉ có 14 bệnh viện trong số 36 cơ sở y tế ở Gaza đang cầm cự được một phần hoạt động. Hai bệnh viện lớn ở miền Nam Gaza đang hoạt động với công suất gấp ba lần số giường bệnh, trong điều kiện cạn kiệt nguồn cung cấp và nhiên liệu cơ bản. Đây cũng là nơi ẩn náu của hàng nghìn người dân di dời. Trong hoàn cảnh này, sẽ có thêm nhiều người phải bỏ mạng do không được điều trị trong những ngày và tuần tới.

“Trong bối cảnh Lực lượng Phòng vệ Israel bắn phá liên tục và không có nơi trú ẩn hoặc những thứ cần thiết để duy trì cuộc sống của con người, tôi cho rằng trật tự công cộng sẽ sớm bị phá vỡ hoàn toàn do điều kiện tuyệt vọng, khiến cho việc hỗ trợ nhân đạo thậm chí trong điều kiện hạn chế cũng không thể thực hiện được. Một tình huống thậm chí còn tồi tệ hơn có thể xảy ra, bao gồm dịch bệnh và áp lực gia tăng buộc người dân phải di dời hàng loạt sang các nước láng giềng” - người đứng đầu Liên hợp quốc cảnh báo.

Cũng theo ông Guterres, trong bối cảnh hiện tại, các hoạt động nhân đạo có ý nghĩa không thể được tiến hành. Việc vận chuyển hàng hóa qua cửa khẩu biên giới Rafah vẫn tiếp tục được thực hiện nhưng số lượng không đủ và đã giảm kể từ khi lệnh tạm dừng nhân đạo chấm dứt.

"Đơn giản là chúng tôi không thể tiếp cận những người cần giúp đỡ ở Gaza. Năng lực của Liên hợp quốc và các đối tác nhân đạo đã bị suy giảm do thiếu nguồn cung, thiếu nhiên liệu, liên lạc bị gián đoạn và tình trạng bất an ngày càng gia tăng. Nhân viên nhân đạo đã cùng với đại đa số người dân Gaza sơ tán đến khu vực miền Nam Gaza trước khi các hoạt động quân sự nối lại" - ông Guterres trăn trở.

Người đứng đầu Liên hợp quốc cho biết ít nhất 130 nhân viên của Cơ quan Liên hợp quốc về Người tị nạn Palestine đã thiệt mạng, kể từ khi xung đột bùng phát tại Gaza từ ngày 7/10.

Từ những thực tế nêu trên, người đứng đầu Liên hợp quốc cảnh báo: "Chúng ta đang đối mặt với nguy cơ sụp đổ nghiêm trọng của hệ thống nhân đạo. Tình hình đang nhanh chóng xấu đi thành một thảm họa với những tác động tiềm ẩn không thể đảo ngược đối với người Palestine nói chung cũng như đối với hòa bình và an ninh trong khu vực. Chúng ta phải tránh một kết cục như vậy bằng mọi giá” - ông Guterres nhấn mạnh.

Trước đó, cũng trong ngày 6/12, có 22 quốc gia thuộc nhóm các nước Ả rập tại Liên hợp quốc đã bày tỏ quan điểm ủng hộ mạnh mẽ việc thực hiện một lệnh ngừng bắn ở Gaza.

Ông Riyad Mansour, Đại sứ Palestine tại Liên hợp quốc cũng nhấn mạnh điều cần thiết hiện nay là cơ quan quyền lực của Liên hợp quốc phải yêu cầu ngừng xung đột./.

T.Lan (Theo Xinhua, tbsnews)

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN