Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Tổng thống Sri Lanka rời đất nước

Thứ Tư, 13/07/2022 13:17 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Một nguồn tin Chính phủ Sri Lanka xác nhận, Tổng thống nước này Gotabaya Rajapaksa đã rời đất nước vào rạng sáng 13/7 (giờ địa phương) bằng máy bay quân sự, chỉ vài giờ trước khi ông dự kiến chính thức thông báo quyết định từ chức.

Tổng thống Sri Lanka Gotabaya Rajapaksa dự kiến sẽ từ chức hôm 13/7 sau nhiều áp lực không thể chống đỡ. (Ảnh: Reuters)
Tổng thống Sri Lanka Gotabaya Rajapaksa, 73 tuổi, cùng vợ ông và hai vệ sĩ là hành khách trên máy bay quân sự Antonov-32 cất cánh từ sân bay quốc tế chính của Sri Lanka và hướng tới thủ đô Male của nước láng giềng Maldives.

“Hộ chiếu được đóng dấu và Tổng thống đã lên chuyến bay đặc biệt của lực lượng không quân”, một quan chức Sri Lanka cho hay.

Giới chức hàng không Sri Lanka cho hay, máy bay chở ông Gotabaya đã mắc kẹt khoảng 1 giờ ở đường băng khi phía Maldives từ chối tiếp cận. Cơ quan kiểm soát không lưu Maldives đã từ chối cho phép máy bay Antonov-32 hạ cánh trước khi có sự can thiệp của giới chức Maldives. Sau khi tới Maldives, ông Gotabaya và vợ được cảnh sát hộ tống đến một địa điểm bí mật.

Trước đó, hôm 12/7, ông Gotabaya đã cố gắng rời đất nước và xuất cảnh sang các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) nhưng bị các nhân viên sân bay từ chối đóng dấu vào hộ chiếu. Ông Gotabaya và vợ được cho là đã bỏ lỡ 4 chuyến bay đến UAE.

Tổng thống Gotabaya Rajapaksa dự kiến sẽ từ chức trong ngày 13/7, sau khi hàng nghìn người biểu tình đã xông vào Phủ Tổng thống và tư dinh Thủ tướng trong ngày 9/7 để yêu cầu 2 nhà lãnh đạo này từ chức trong bối cảnh cuộc khủng hoảng kinh tế đã kéo dài 3 tháng tại Sri Lanka gây ra tình trạng thiếu lương thực và nhiên liệu trầm trọng.

Ông Gotabaya Rajapaksa đã chấp nhận từ chức dưới áp lực không thể chống đỡ, trong khi đó Thủ tướng Ranil Wickremesinghe cũng cho biết sẽ rời đi khi Chính phủ mới được thành lập. Tuy nhiên, những cam kết từ chức đã không giúp đất nước này chấm dứt cuộc khủng hoảng, những người biểu tình thề sẽ chiếm dinh thự của Tổng thống và Thủ tướng cho đến khi hai người này rời nhiệm sở.

Vào cuối tuần trước, Tổng thống Gotabaya Rajapaksa hứa sẽ từ chức để dọn đường cho một "quá trình chuyển giao quyền lực một cách hòa bình", sau khi tháo chạy khỏi dinh thự ở Colombo ngay trước khi hàng chục nghìn người biểu tình xông vào nơi này.

Ông Gotabaya bị cáo buộc phạm sai lầm trong quản lý nền kinh tế đã đẩy 22 triệu dân Sri Lanka vào tình trạng khó khăn. Nền kinh tế phụ thuộc vào du lịch đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19 và sự sụt giảm lượng kiều hối từ những người Sri Lanka ở nước ngoài, trong khi lệnh cấm phân bón hóa học đã gây thiệt hại cho sản lượng nông nghiệp. Lệnh cấm sau đó đã được rút lại. 

Ông Gotabaya Rajapaksas đã thực hiện cắt giảm thuế theo chủ nghĩa dân túy vào năm 2019, ảnh hưởng đến tài chính của Chính phủ trong khi dự trữ ngoại hối thu hẹp làm hạn chế nhập khẩu nhiên liệu, thực phẩm và thuốc men.  Lạm phát ở Sri Lanka đã ở mức cao kỷ lục 54,6% trong tháng 6 và dự kiến sẽ tăng lên 70% trong những tháng tới.

Ông Mahinda Rajapaksa, anh trai của Tổng thống, đã từ chức Thủ tướng vào tháng 5 vừa qua sau khi các cuộc biểu tình phản đối chính quyền trở nên bạo lực.

Các cuộc biểu tình chống Chính phủ đã âm ỉ từ tháng 5, và bùng phát vào cuối tuần trước khi hàng trăm nghìn người tràn vào chiếm giữ các tòa nhà và khu nhà quan trọng của Chính phủ.

Theo kế hoạch, Quốc hội Sri Lanka sẽ bầu chọn Tổng thống mới vào ngày 20/7 tới đây./.

H.Hà (Theo Reuters, US News)

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN