Tổng thống Mỹ Joe Biden cam kết xây lại cầu Francis Scott Key
(ĐCSVN) – Ngày 26/3, Tổng thống Mỹ Joe Biden cam kết sẽ huy động mọi nguồn lực để xây dựng lại cầu Francis Scott Key sau vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra cùng ngày khiến cây cầu bị sập.
Bức ảnh chụp ngày 26/3/2024 cho thấy cây cầu Francis Scott Key bị sập (Ảnh: Xinhua). |
Tuyên bố này của người đứng đầu Nhà Trắng đã lặp lại thông tin do một số quan chức Maryland đưa ra trước đó. Tuy nhiên, ông J.Biden nhấn mạnh thêm rằng toàn bộ chi phí xây dựng lại cây cầu sẽ do Chính phủ liên bang chi trả.
Phát biểu từ Nhà Trắng, ông J.Biden nhấn mạnh: “Tôi mong rằng Chính phủ liên bang sẽ thanh toán toàn bộ chi phí để xây dựng lại cây cầu và tôi cũng hy vọng Quốc hội sẽ ủng hộ nỗ lực này của tôi”. Theo quan điểm của người đứng đầu Nhà Trắng, công việc này sẽ mất thời gian. “Nhưng người dân Baltimore có thể tin tưởng rằng chúng tôi sẽ sát cánh cùng họ trên mọi bước đường cho tới khi cảng Baltimore được mở cửa trở lại và cây cầu Francis Scott Key được xây dựng lại” – ông J.Biden khẳng định.
Tổng thống J.Biden cho biết, ngay trong sáng 26/3, ông đã trao đổi với Thống đốc Maryland Wes Moore cùng một số quan chức Maryland. Bộ trưởng Giao thông vận tải Pete Buttigieg đã đến thị sát hiện trường vụ sập cầu ở Baltimore.
Ông J.Biden khẳng định cầu Francis Scott Key đóng vai trò là “một trong những yếu tố quan trọng nhất đối với nền kinh tế và chất lượng cuộc sống của người dân vùng Đông Bắc”. Trong cuộc trao đổi với Thống đốc Moore, Tổng thống J.Biden cho biết, ông đã chỉ thị cho các nhà chức trách Mỹ “làm mọi việc có thể” xây dựng lại cây cầu Francis Scott Key trong thời gian sớm nhất có thể. Tổng thống J.Biden cũng cho biết ông có kế hoạch sớm đến thị sát địa điểm xảy ra vụ sập cầu ở Baltimore.
Sáng sớm 26/3 theo giờ địa phương (tức chiều cùng ngày theo giờ Việt Nam) khi tàu container Dali treo cờ Singapore đang ra khỏi bến cảng để hướng đến Sri Lanka thì lao vào một trụ đỡ của cầu Francis Scott Key (còn gọi là cầu Key Bridge). Tàu này thuộc sở hữu của công ty Grace Ocean Pte Ltd và hoạt động dưới sự điều hành của công ty Synergy Marine Group.
Vụ va chạm đã khiến gần như toàn bộ kết cấu thép của cây cầu bị đổ sập, trong khi nhiều người cùng phương tiện đang lưu hành trên cầu tại thời điểm đó rơi xuống sông. Trước khi xảy ra vụ va chạm, tàu Dali đã thông báo mất điện và phát tín hiệu cầu cứu. Các cơ quan chức năng đã kịp thời thông báo các phương tiện đang hướng tới cầu ngừng lưu thông trước khi xảy ra sự cố.
Phóng viên tác nghiệp tại khu vực việc gần hiện trường vụ sập cầu ở Baltimore, Maryland, Mỹ, ngày 26/3/2024. (Ảnh: Xinhua). |
Với chiều dài gần 3 km, Francis Scott Key là cây cầu dài nhất ở khu vực đô thị Baltimore và là một trong những tuyến đường huyết mạch đông đúc nhất của Mỹ. Cây cầu được khánh thành từ tháng 3/1977 và tiếp nhận trung bình mỗi năm khoảng 11,5 triệu lượt phương tiện lưu thông.
Sau vụ sập cầu Francis Scott Key, cảng Baltimore dự kiến sẽ đóng cửa vô thời hạn trong khi các quan chức liên bang và tiểu bang Mỹ ở Maryland giải quyết hậu quả vụ việc. Tổng thống J.Biden đánh giá cảng Baltimore là một trong những trung tâm vận chuyển lớn nhất nước Mỹ, đã xử lý lượng hàng hóa kỷ lục vào năm ngoái. Trung bình mỗi năm có khoảng 850.000 phương tiện đi qua cảng, cung cấp việc làm cho khoảng 15.000 lao động.
Trong thông báo đưa ra ngày 26/3, các nhà chức trách Maryland cho biết hai người đã được giải cứu, trong khi vẫn còn 6 người khác mất tích sau vụ sập cầu Francis Scott Key ở Baltimore. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng nhận định, dựa trên nhiệt độ lạnh giá của nước và khoảng thời gian đã trôi qua để tìm kiếm những người mất tích kể từ khi xảy ra vụ việc, rất ít khả năng 6 người này còn sống nếu được tìm thấy.
Thống đốc bang Maryland Wes Moore cho biết, kết quả điều tra sơ bộ cho thấy đây chỉ là một vụ tai nạn, các nhà chức trách chưa thấy bất kỳ bằng chứng đáng tin cậy nào cho rằng đây là một cuộc tấn công khủng bố. Ông Moore cho biết vụ sập cầu là một sự kiện “gây sốc và đau lòng” đối với người dân Maryland - những người đã sử dụng cây cầu trong suốt 47 năm qua./.