Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Tổng thống Mỹ dự kiến sang thăm Nhật Bản

Thứ Ba, 12/04/2022 16:54 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Ngày 11/4, Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo kế hoạch thăm Nhật Bản vào cuối tháng 5 để tham dự Hội nghị thượng đỉnh Nhóm Bộ tứ “Quad” (gồm: Australia, Ấn Độ, Mỹ và Nhật Bản). Hội nghị là dịp thắt chặt quan hệ giữa 4 nước trong khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.

Tổng thống Mỹ J.Biden thông báo kế hoạch thăm Nhật Bản. (Ảnh: NHK)

Phát biểu trong hội nghị trực tuyến với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, Tổng thống J.Biden mong muốn sẽ gặp lại Thủ tướng Modi tại Nhật Bản vào khoảng ngày 24/5. Nếu diễn ra theo dự kiến, đây sẽ là lần đầu tiên ông J.Biden tới Nhật Bản kể từ khi nhậm chức hồi tháng 1/2021. Nhân dịp này, hai nhà lãnh đạo Mỹ và Ấn Độ đã nhấn mạnh cam kết chung nhằm tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các quốc gia ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương và xa hơn nữa.

Trong khi đó, chính quyền Tổng thống J. Biden coi Nhật Bản là đối tác quan trọng. Cựu Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga đã trở thành nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên được mời đến Nhà Trắng để đối thoại với ông J.Biden sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020. Tháng 9 năm ngoái, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã tới Washington, D.C để tham dự Hội nghị thượng đỉnh nhóm Quad đầu tiên diễn ra theo hình thức trực tiếp.

Hiện Nhật Bản đang chuẩn bị cho cuộc gặp trực tiếp lần thứ hai của các nhà lãnh đạo trong nhóm Quad vào nửa đầu năm 2022. Kể từ sau khi nhậm chức Tổng thống Mỹ, ông J. Biden chưa có cơ hội đến châu Á và mới chỉ tham dự các cuộc họp khu vực thường niên diễn ra theo hình thức trực tuyến trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.

Nhân dịp tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 diễn ra tại Bỉ vào tháng trước, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã mời Tổng thống J.Biden sang thăm Nhật Bản vào tháng 4/2022. Tuy nhiên, kế hoạch này sau đó đã bị hoãn lại do lịch trình bận rộn của ông J.Biden liên quan tới tình hình chiến sự Ukraine./.

T.Lan (Theo báo chí Nhật Bản)

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN