Tổng công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh nâng cao độ tin cậy cung cấp điện
(ĐCSVN) - Với những giải pháp quyết liệt, hiệu quả trong việc nâng cao độ tin cậy cung cấp điện, Tổng công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh (EVNHCMC) đã góp phần đưa Việt Nam đạt 8/8 điểm kỹ thuật của Tổ chức Doing Business về tiếp cận điện năng (năm 2020). Đây cũng là đơn vị thực hiện độ tin cậy cung cấp điện tốt nhất trong số 5 tổng công ty điện lực của Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
EVNHCMC đẩy mạnh thi công live-line để hạn chế tối đa việc cắt điện của khách hàng khi thực hiện các công việc trên lưới. (Ảnh: PV) |
Tìm nguyên nhân, đưa giải pháp
Nếu năm 2016, chỉ số SAIDI của EVNHCMC là 5,11 lần thì đến năm 2020 giảm xuống còn 0,59 lần (bình quân giảm 37,51%/năm); tương ứng, chỉ số SAIDI giảm từ 514 phút xuống còn 44 phút (bình quân giảm 41,56%/năm). EVNHCMC cho biết, để đạt được thành quả trên, với từng nguyên nhân mất điện, EVNHCMC đã tổng hợp, thống kê đầy đủ từ đó phân tích và đưa ra các nhóm giải pháp đồng bộ, phù hợp.
Để giảm thiểu các trường hợp mất điện do sự cố, EVNHCMC quản lý chặt chẽ chất lượng công trình đầu tư xây dựng ở tất cả các khâu, từ mua sắm vật tư thiết bị, thi công sửa chữa đến giám sát và nghiệm thu. Đồng thời, EVNHCMC cũng ứng dụng mạnh mẽ các công nghệ mới như: thử nghiệm chẩn đoán theo điều kiện vận hành (CBM); ứng dụng tự động hóa với công nghệ FDIR trong chuyển tải xử lý sự cố từ xa (trong năm 2020, tỉ lệ chuyển tải từ xa xử lý sự cố dưới 5 phút đạt trên 90%)... Nhờ đó, các trường hợp mất điện do sự cố giảm trung bình 38,1%/năm.
Với các sự vụ cắt điện có kế hoạch, EVNHCMC đã đầu tư, kiện toàn hệ thống lưới điện. Đến nay, lưới điện 110kV trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đã đáp ứng tiêu chí vận hành N–1 (riêng các trạm cấp điện cho khu vực trung tâm đạt tiêu chí N–2); 100% tuyến dây trung thế 22kV đều đóng kết mạch vòng từ 2 máy biến áp 110KV khác nhau… Song song đó, EVNHCMC cũng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ live-line để giảm thiểu tối đa thời gian cắt điện của khách hàng: nếu năm 2016, chỉ có 3.839 lượt thi công live-line thì đến năm 2020, con số này đạt trên14.400 lượt. Qua đó, các trường hợp mất điện có kế hoạch giảm trung bình 59,22%/năm.
Nhằm giảm tối đa các sự cố do vi phạm hành lang an toàn lưới điện, các công ty điện lực chủ động làm việc với chính quyền địa phương để nắm bắt thông tin các công trình sửa chữa, xây dựng gần đường dây điện; tăng cường tần suất kiểm tra (3 lần/tuần) để kịp thời nhắc nhở đơn vị thi công, chủ đầu tư thực hiện đầy đủ các biện pháp an toàn; tuyên truyền đến các hộ dân, tổ chức/cá nhân không bắn pháo hoa, pháo giấy, pháo có dây kim tuyến, thả diều gần đường dây điện; phối hợp chặt chẽ với các đơn vị đào đường, cấp thoát nước, viễn thông, chiếu sáng để cung cấp bản đồ cáp ngầm hiện hữu, gửi bản vẽ GIS và bàn giao vị trí cáp ngầm ngoài hiện trường nhằm ngăn ngừa đào xâm phạm cáp điện.
Trong công tác cắt điện phục vụ phòng cháy chữa cháy, EVNHCMC phân đoạn nhỏ lưới điện các khu vực hay xảy ra cháy bằng các thiết bị có điều khiển xa, thực hiện cô lập phân đoạn trung thế thay vì cắt máy cắt đầu nguồn, sau đó khẩn trương tiếp cận và chỉ cô lập lưới hạ thế...
Thực hiện quản lý độ tin cậy cung cấp điện theo chiều sâu, từ năm 2020, EVNHCMC bổ sung các chỉ số về CAIFI (số lần mất điện trung bình của một khách hàng trong một khu vực/năm), CAIDI (thời gian trung bình cần để phục hồi cung cấp điện cho khách hàng trong một lần mất điện) trong đánh giá độ tin cậy và giao chỉ tiêu pháp lệnh cho các đơn vị thực. Ngoài ra, thông qua việc thống kê đầy đủ tất cả các trường hợp mất điện trên chương trình OMS, Tổng công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh quản lý được tất cả các trường hợp khách hàng mất điện nhiều lần, mất điện trong thời gian dài, từ đó có giải pháp quyết liệt chỉ đạo các đơn vị khắc phục.
Giai đoạn 2021-2025: Phấn đấu SAIDI dưới 30 phút
EVNHCMC cho biết đã xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển 5 năm 2021-2025, trong đó đặt mục tiêu phấn đấu nâng cao độ tin cậy cung cấp điện với SAIFI dưới 0,3 lần và SAIDI dưới 30 phút.
EVNHCMC cũng đã đề ra 5 nhóm giải pháp để thực hiện mục tiêu trên gồm: đầu tư xây dựng; hoàn thiện và phát triển hệ thống lưới điện thông minh; ứng dụng thành tựu của cách mạng công nghiệp lần thứ tư theo định hướng chuyển đổi số; đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, sáng kiến – cải tiến kỹ thuật; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Theo đó, EVNHCMC sẽ đầu tư xây dựng lưới điện theo quy hoạch đáp ứng nhu cầu tăng trưởng phụ tải; kiện toàn kết cấu lưới điện theo nguyên tắc chuẩn hóa, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện, đảm bảo an toàn và mỹ quan đô thị nhằm tối ưu hóa công tác quản lý và vận hành.
Song song đó, EVNHCMC sẽ hoàn thành xây dựng trung tâm điều khiển xa dự phòng và xây dựng phòng trực vận hành hiện đại cho 100% công ty điện lực; triển khai xây dựng 05-10 trạm biến áp số 110kV; thí điểm dự án Microgrid (lưới điện thông minh quy mô nhỏ) cho các phụ tải quan trọng; nghiên cứu xây dựng mô hình thông tin chung (Platform) kết nối các ứng dụng của lưới điện thông minh.
EVNHCMC cũng triển khai số hóa toàn bộ công tác quản lý kỹ thuật, vận hành; áp dụng công nghệ sửa chữa bảo dưỡng tiên tiến theo điều kiện vận hành (CBM), tiến tới quản lý tài sản toàn diện (Asset Management); thực hiện chuyển đổi số thông qua việc nghiên cứu các công nghệ cốt lõi Big Data, IoT, AI, Data Analytic..., nhằm khai thác hiệu quả cơ sở dữ liệu ngành Điện; xây dựng các ứng dụng phục vụ hỗ trợ ra quyết định trong công tác vận hành, quản lý lưới điện. Cùng đó, đầu tư, trang bị các phương tiện, thiết bị thi công, sửa chữa điện chuyên dụng, hiện đại như xe thi công live-line 110kV; xe live-line trung thế nhỏ gọn có thể thi công trong ngõ, hẻm; xe bán tải có gàu, xe sửa chữa điện chuyên dụng, xe máy điện...
Đặc biệt, EVNHCMC sẽ xây dựng đội ngũ công nhân kỹ thuật theo hướng chuyên nghiệp về phương tiện thi công, dụng cụ đồ nghề, trang thiết bị bảo hộ lao động, chuyên môn nghiệp vụ, tác phong công nghiệp, văn hoá doanh nghiệp; tổ chức các khoá đào tạo chuyên môn sâu trong các lĩnh vực mũi nhọn như tự động hoá, sửa chữa bảo dưỡng tiên tiến, ứng dụng công nghệ 4.0.../.