Tổng công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh đảm bảo hoạt động trong điều kiện cách ly xã hội
(ĐCSVN) – Theo ông Luân Quốc Hưng, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh (EVNHCMC), khi TP Hồ Chí Minh đang trong thời điểm thực hiện giãn cách xã hội, để đảm bảo cung cấp điện cho Thành phố, vừa đảm bảo an toàn cho cán bộ công nhân viên, EVNHCMC đã nhanh chóng triển khai những kịch bản ứng phó.
Công nhân ngành điện TP lắp đặt máy phát dự phòng cho BV dã chiến tại Chung cư Vĩnh Lộc B. |
Theo đó, Tổng công ty đã yêu cầu toàn thể người lao động nghiêm túc thực hiện 07 nội dung theo Chỉ thị 16 và các biện pháp chống dịch của Thành phố. Tổ chức các ca trực điều hành sản xuất và vận hành hệ thống điện, hệ thống công nghệ thông tin, hệ thống giao dịch điện tử với số lượng không quá 30% tổng lực lượng, đảm bảo thực hiện tốt nhất nhiệm vụ cung cấp điện ổn định, đầy đủ và an toàn cho Thành phố.
Đối với công tác phối hợp thực hiện cung cấp điện cho các cơ sở, chốt, trạm kiểm soát dịch trên địa bàn Thành phố, EVNHCMC đã nhanh chóng hoàn tất việc cấp điện và lắp đặt hệ thống chiếu sáng cho 12 chốt kiểm soát phòng dịch cấp Thành phố, cùng hàng chục chốt cấp huyện tại các tuyến đường cửa ngõ ra vào Thành phố ngay trong đêm 8/7, trước giờ Chỉ thị 16 có hiệu lực.
Để cùng Thành phố chống dịch hiệu quả, các Công ty Điện lực đã tích cực, khẩn trương hoàn thành các phương án cấp điện ưu tiên cho các bệnh viện dã chiến, khu cách ly tập trung mới của Thành phố, như bệnh viện dã chiến tại khu tái định cư phường An Khánh, TP Thủ Đức; Cao ốc Thuận Kiều, quận 5; tại xã Phú Mỹ Hưng, huyện Củ Chi; sư đoàn 317, huyện Hóc Môn; khu chung cư Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh… Các bệnh viện, khu cách ly tập trung đều được cấp điện từ 2 nguồn điện trung thế và máy phát dự phòng để đảm bảo cấp điện liên tục và ổn định.
Tính đến thời điểm hiện tại, Tổng công ty đang cung cấp điện ưu tiên cho 172 bệnh viện và cơ sở y tế, 99 cơ sở cách ly và 12 bệnh viện dã chiến, trong đó có 32 địa điểm phát sinh từ khi triển khai thực hiện Chỉ thị 16 về cách ly xã hội. Ngoài ra Tổng công ty cấp điện ổn định cho tất cả các cơ sở đủ điều kiện tiêm chủng và các địa điểm quản lý, điều hành mạng viễn thông phục vụ phòng chống dịch của Thành phố.
Chia sẻ về những khó khăn của Tổng Công ty trong quá trình thực hiện nhiệm vụ vào thời điểm này, ông Luân Quốc Hưng cho biết: "Khó khăn nhất trong giai đoạn này của Tổng công ty là về vấn đề con người, chúng tôi phải đảm bảo đủ lực lượng để hoàn thành nhiệm vụ trong điều kiện giãn cách xã hội, đồng thời phải đảm bảo an toàn phòng dịch cho người lao động khi làm nhiệm vụ. Chúng tôi nhận định, tình hình số ca nhiễm trong cộng đồng tại TP Hồ Chí Minh đang tăng mạnh như hiện nay sẽ có nhiều ảnh hưởng đến tâm lý của người lao động. Đây cũng là vấn đề quan trọng, cấp thiết cần quan tâm giải quyết”.
Khi triển khai các công tác sửa chữa điện ngoài hiện trường, anh em công nhân cũng đối diện với những khó khăn nhất định trong việc di chuyển. Đặc biệt khó khăn khi cần làm việc trong các khu phong toả, cách ly như khi xử lý sự cố. Cùng với đó, việc đảm bảo đủ vật tư thiết bị trong điều kiện cách ly xã hội. Hiện nay cơ bản Tổng công ty đang đáp ứng đủ vật tư thiết bị cho các hoạt động sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, nếu tình hình kéo dài, việc cung ứng vật tư thiết bị từ các nhà thầu có thể bị gián đoạn, đòi hỏi Tổng công ty phải tính toán đến những phương án dự phòng.
EVNCHMC đã chủ động sẵn sàng kịch bản dự phòng thay thế lực lượng trực trong trường hợp cần thiết. |
Khắc phục những khó khăn còn tồn tại, ông Luân Quốc Hưng nhấn mạnh: Tổng Công ty đã chủ động xây dựng các kịch bản để đảm bảo giữ điện liên tục trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp hiện nay, như đảm bảo các khâu trực điều độ/trực vận hành hệ thống điện; trực vận hành hệ thống viễn thông dùng riêng và CNTT; trực sửa chữa điện, xử lý sự cố; trực trạm 110, 220kV, thao tác lưu động; trực giải quyết dịch vụ khách hàng cấp thiết và duy trì chế độ trực tại 02 nơi riêng biệt (trừ các trạm 110, 220kV và thao tác lưu động), cách ly hoàn toàn không tiếp xúc giữa các nơi; trực theo chế độ 2 ca 2 kíp (hoặc 2 ca 3 kíp nếu đơn vị bố trí được nhiều kíp), xoay vòng các nhóm trực (gồm 2-3 kíp) sau mỗi 5 hoặc 7 ngày.
Đối với lực lượng công nhân sửa chữa điện của các Công ty Điện lực, Tổng Công ty yêu cầu không vào ra nơi trực. Việc bàn giao phương tiện, vật tư thiết bị thực hiện ngay tại hiện trường. Thủ trưởng các đơn vị triển khai cho người lao động thực hiện ký cam kết chỉ đi lại giữa nơi ở và nơi làm việc, hạn chế tối đa tiếp xúc với bên ngoài; chủ động sẵn sàng kịch bản dự phòng thay thế lực lượng trực trong trường hợp cần thiết (nếu phải cách ly, phong tỏa).
Tổng công ty đã nhanh chóng làm việc với cơ quan chức năng, tạo thuận lợi cho cán bộ, nhân viên khi di chuyển. Khi cần làm việc trong các khu phong toả, cách ly, Tổng công ty yêu cầu đơn vị phải liên hệ, phối hợp với các bộ phận phòng, chống dịch tại địa phương, tuân thủ quy định về trang phục phòng dịch và không giao tiếp khách hàng, nhằm đáp ứng thời gian xử lý sự cố và đảm bảo an toàn phòng dịch.
Đồng thời, tổ chức xét nghiệm kháng nguyên virus SARS-CoV-2 nhanh cho tất cả lực lượng này định kỳ hàng tuần và yêu cầu người lao động thực hiện nghiêm yêu cầu 5K trong ca trực để đảm bảo an toàn cho người lao động của đơn vị.
Đối với các bộ phận khác, EVNHCMC đề nghị tăng cường sử dụng công nghệ thông tin để làm việc tại nhà, tổ chức họp trực tuyến và giải quyết công việc qua môi trường mạng. Chỉ những trường hợp thật sự cần thiết phải xử lý tài liệu mật và các nhiệm vụ đặc biệt cần thiết mới đến cơ quan làm việc, đảm bảo người đến cơ quan làm việc không quá 30%/số người lao động từng Ban/Phòng/Đội, thực hiện chế độ 5K khi làm việc và phải trở về nơi ở sau khi xong công việc. Người đến cơ quan làm việc phải đảm bảo đã được xét nghiệm kháng nguyên virus SARS-CoV-2 trong dịch mũi họng nhanh hàng tuần.
Bên cạnh đó, Công đoàn và Tổng công ty đã có những chính sách hỗ trợ, động viên kịp thời, giúp người lao động yên tâm công tác.../.