Tôn vinh đóng góp của doanh nhân, doanh nghiệp ngành chè
(ĐCSVN) – Nhằm ghi nhận và tôn vinh những đóng góp của doanh nhân, doanh nghiệp ngành chè, Viện Nghiên cứu các vấn đề xã hội và Hiệp hội Chè Việt Nam tổ chức chương trình vinh danh mang tên "Chè Việt - Di sản và tương lai".
Chiều ngày 9/11, Viện Nghiên cứu các vấn đề xã hội và Hiệp hội Chè Việt Nam tổ chức chương trình “Chè Việt - Di sản và tương lai” nhằm ghi nhận và tôn vinh những cống hiến, thành tựu xuất sắc của doanh nhân, doanh nghiệp ngành chè Việt Nam. Đây cũng là hoạt động tạo diễn đàn giao lưu, kết nối giữa các doanh nghiệp, nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học trong ngành chè, từ đó thúc đẩy hợp tác đầu tư, phát triển thị trường.
Tọa đàm "Hành trình chè Việt". |
Việt Nam có 34 tỉnh trồng chè, với các vùng chè trứ danh như Thái Nguyên, Phú Thọ, Hà Giang, Sơn La, Lâm Đồng… Tính đến năm 2022, diện tích trồng chè toàn quốc đạt 124.000ha, sản lượng ước tính 1.000.000 tấn chè búp tươi. Ngành chè không chỉ đóng góp quan trọng vào nền kinh tế quốc dân mà còn tạo sinh kế cho gần 60.000 hộ nông dân và hàng triệu người lao động tham gia vào chuỗi sản xuất, tiêu thụ chè. Trong giai đoạn 2000-2010, cây chè đã được xác định là một trong 10 chương trình trọng điểm phát triển nông nghiệp.
Hiện nay, chè cũng được Chính phủ định hướng là một trong 6 cây công nghiệp chủ lực đến năm 2030. Việt Nam đã và đang tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do, mở ra cơ hội to lớn cho ngành chè thâm nhập vào các thị trường mới như Trung Đông, Tây Âu, Bắc Mỹ. Để giữ vững thị trường trong nước và nâng cao sức cạnh tranh trên trường quốc tế, ngành chè Việt Nam từng bước tập trung cải thiện chất lượng, giá cả, an toàn vệ sinh thực phẩm và công nghệ chế biến.
Trong khuôn khổ chương trình đã diễn ra Tọa đàm "Hành trình chè Việt". Tại đây, các diễn giả đã giới thiệu về văn hóa thưởng trà trong cuộc sống của người Việt; thảo luận và chia sẻ những ý tưởng mới nhằm mang lại nhiều giá trị thiết thực cho cộng đồng doanh nghiệp, đồng thời góp phần bảo tồn và phát huy di sản trà của Việt Nam; đưa ra sáng kiến nhằm thúc đẩy nhận thức về trà Việt trong đời sống hằng ngày của người dân và khuyến khích tiêu thụ sản phẩm chè nội địa; đề xuất giải pháp nhằm phát triển ngành chè Việt Nam bền vững, nâng cao giá trị gia tăng, khẳng định vị thế trên bản đồ chè thế giới…
Ban Tổ chức vinh danh các doanh nhân, doanh nghiệp có đóng góp xuất sắc cho sự phát triển của ngành chè Việt Nam. |
Tại chương trình, Ban Tổ chức đã vinh danh các doanh nhân, doanh nghiệp có đóng góp xuất sắc cho sự phát triển của ngành chè Việt Nam. Đây là những ghi nhận và tôn vinh đóng góp to lớn của doanh nhân, doanh nghiệp cho sự phát triển của ngành chè Việt Nam. Qua đó, gìn giữ những giá trị văn hóa chè độc đáo của dân tộc; đồng thời phát triển ngành chè theo hướng bền vững và hiện đại.
Các doanh nghiệp, cá nhân được vinh danh đều đáp ứng các tiêu chí về chất lượng sản phẩm, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đạt tiêu chuẩn chất lượng; uy tín thương hiệu, được người tiêu dùng tin tưởng và đánh giá cao; đóng góp cho cộng đồng, có nhiều hoạt động trách nhiệm xã hội, đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương; đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ tiên tiến, phát triển sản phẩm mới, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm chè; có chiến lược phát triển bền vững, bảo vệ môi trường./.