Tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người ở Đồng bằng sông Cửu Long
(ĐCSVN) - Hội thảo góp phần nhận thức sâu sắc hơn vị trí, vai trò của việc tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người; thực hiện có hiệu quả các giải pháp nhằm bảo đảm, bảo vệ tốt hơn quyền con người ở vùng đồng bằng sông Cửu Long trong bối cảnh mới.
Toàn cảnh Hội thảo |
Ngày 15/11/2024, Học viện Chính trị Khu vực IV tổ chức Hội thảo khoa học cấp Bộ: “Tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người ở đồng bằng sông Cửu Long trong giai đoạn hiện nay”.
Dự và chủ trì Hội thảo có các đồng chí: GS,TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; TS Phan Công Khanh, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện Chính trị khu vực IV; TS Nguyễn Thị Minh Trang, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long; TS Đỗ Thị Tuyết Nhung, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ; NGƯT,TS Huỳnh Thanh Quang, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Học viện Chính trị khu vực IV. Tham dự Hội thảo có các đại biểu là các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, lãnh đạo các Trường chính trị, lãnh đạo Ban Tuyên giáo một số tỉnh, thành khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Phát biểu khai mạc và đề dẫn Hội thảo, GS,TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Đảng và Nhà nước ta đã từng bước xây dựng, hoàn thiện hệ thống quan điểm, đường lối, chủ trương và pháp luật về phát triển con người, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân.
GS,TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu tại Hội thảo. |
Đến nay, Việt Nam đã phê chuẩn, gia nhập 7/9 công ước quốc tế cơ bản về quyền con người cùng nhiều công ước quốc tế khác liên quan đến việc bảo vệ quyền con người và luật nhân đạo quốc tế; phê chuẩn, gia nhập 25 công ước của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), trong đó có 7/8 công ước cơ bản về lao động. Trên cơ sở đó, Việt Nam đã nỗ lực nội luật hóa các nguyên tắc, tiêu chuẩn quốc tế về quyền con người và hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về quyền con người nhằm bảo đảm sự tương thích của hệ thống pháp luật quốc gia với các điều ước quốc tế, phù hợp với điều kiện đặc thù của Việt Nam.
Hiến pháp năm 2013 là đỉnh cao của hoạt động lập hiến về quyền con người khi dành tới 36/120 điều để quy định trực tiếp về quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân; là cơ sở để điều chỉnh, bổ sung, ban hành các luật, bộ luật trên các lĩnh vực nhằm bảo đảm, bảo vệ quyền con người và quyền công dân ở Việt Nam ngày càng tốt hơn.
Trên nền tảng đó, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành và tổ chức triển khai các chính sách, pháp luật cụ thể, mang lại những tác động tích cực, hiệu quả thiết thực trong thực tiễn đời sống; từng bước hình thành và hiện thực hóa mô hình phát triển rất đặc sắc của Việt Nam, đó là: phát triển lấy con người làm trung tâm, bao trùm và bền vững.
Xuất phát từ thực trạng bảo vệ, bảo đảm quyền con người ở vùng trong bối cảnh mới hiện nay và từ yêu cầu “Con người, quyền con người là trung tâm, chủ thể, mục tiêu, động lực phát triển đất nước”; “Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng và lợi ích chính đáng của nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu”, đòi hỏi chúng ta cần nhận thức sâu sắc hơn vị trí, vai trò của việc tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người; đồng thời thực hiện có hiệu quả các giải pháp nhằm bảo đảm, bảo vệ tốt hơn quyền con người ở vùng ĐBSCL trong bối cảnh mới.
Hội thảo gồm 2 phiên. Phiên thứ nhất các đại biểu nghe diễn giả trình bày tham luận; phiên thứ hai là thảo luận bàn tròn.
Phát biểu bế mạc, NGƯT,TS Huỳnh Thanh Quang, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Học viện Chính trị khu vực IV nêu rõ: Hội thảo đã làm rõ những vấn đề lý luận chung, qua đó đã đề cập phân tích, luận giải các quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước ta về tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người.
Các tham luận cũng đã tập trung nêu bật mối tương quan giữa hệ thống pháp luật quốc tế và hệ thống pháp luật Việt Nam về quyền con người; làm rõ nội hàm và ngoại diên phạm trù quyền con người cả về phương diện lý luận và thực tiễn. Một số tham luận đã tập trung vào việc phân tích, nhận diện và đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động về vấn đề quyền con người ở Việt Nam, nhất là trong bối cảnh tác động, ảnh hưởng sâu rộng của không gian mạng hiện nay.
TS Phan Công Khanh, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện Chính trị khu vực IV điều hành Hội thảo |
Bên cạnh đó, Hội thảo đã tập trung luận giải những cơ sở lý luận và thực tiễn về tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người ở ĐBSCL trong bối cảnh hiện nay. Các tham luận và ý kiến phát biểu thảo luận, ý kiến chia sẻ tại 02 phiên Hội thảo đều đã chú trọng phân tích bối cảnh, các yếu tố tác động đến việc bảo vệ, bảo đảm quyền con người ở ĐBSCL, nhất là những tác động và thách thức an ninh phi truyền thống đến quyền con người, đảm bảo quyền con người như: biến đổi khí hậu, nước biển dâng, xâm nhập mặn, ô nhiễm môi trường, an ninh nguồn nước... Qua đó, giúp nhận thức sâu sắc về vai trò, tầm quan trọng của việc tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người ở ĐBSCL trong bối cảnh mới.
Các tham luận và ý kiến thảo luận tại Hội thảo đã tập trung đánh giá thực trạng, chỉ ra những nguyên nhân và những vấn đề đặt ra trong việc thực hiện tôn trọng, bảo đảm và bảo vệ quyền con người ở ĐBSCL thời gian qua từ nhiều phương diện khác nhau của quyền con người: từ quyền kinh tế, quyền chính trị, quyền văn hóa, xã hội; quyền tự do đi lại, cư trú, tự do ngôn luận, tự do tín ngưỡng, tôn giáo; quyền của đồng bào dân tộc thiểu số; quyền được học tập, được chăm sóc sức khỏe; quyền của phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật...
Hội thảo đã ghi nhận nhiều ý kiến, đề xuất tâm huyết liên quan đến phương hướng, giải pháp và kiến nghị có tính khả thi nhằm thúc đẩy việc tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người ở ĐBSCL trong thời gian tới. Bên cạnh các giải pháp theo từng lĩnh vực cụ thể, các giải pháp được đề xuất cũng tập trung vào việc hoàn thiện hệ thống thể chế, thiết chế và cơ chế nhằm tăng cường vai trò và nâng cao năng lực của các cơ quan, ban, ngành, địa phương; nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các chủ thể trong việc thực hiện tôn trọng, bảo đảm và bảo vệ quyền con người ở ĐBSCL trong bối cảnh mới.
Ban Tổ chức sẽ tiếp tục nghiên cứu, tập hợp những nội dung căn cốt từ các tham luận và các ý kiến phát biểu, thảo luận trực tiếp từ 02 phiên của Hội thảo để xây dựng và hoàn thiện các báo cáo chắt lọc, báo cáo kiến nghị nhằm lan tỏa đến các cơ quan Trung ương và địa phương có liên quan, phục vụ cho công tác tham mưu và tư vấn chính sách, để góp phần thực hiện có hiệu quả hơn nữa các quan điểm, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về tôn trọng, bảo đảm và bảo vệ quyền con người ở Việt Nam nói chung, ở ĐBSCL nói riêng trong thời gian tới./.