Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Tối ưu hóa các giải pháp quản lý thuế để phát triển bền vững thương mại điện tử

Thứ Hai, 23/09/2024 22:03 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử (TMĐT) không chỉ tạo ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, mở rộng thị trường và nâng cao sức cạnh tranh mà còn mang đến những thách thức mới trong công tác quản lý thuế. Điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết về việc xây dựng và tối ưu hóa các giải pháp quản lý thuế nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững của TMĐT, đồng thời tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về thuế.

Hình ảnh tại buổi toạ đàm (Ảnh: VPG) 

Chiều ngày 23/9, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ đã tổ chức tọa đàm với chủ đề "Tăng cường hiệu quả quản lý thuế đối với thương mại điện tử" nhằm phân tích, đánh giá và thảo luận về những giải pháp để nâng cao hiệu quả quản lý thuế trong lĩnh vực đang phát triển mạnh mẽ này.

Buổi tọa đàm có sự tham gia của đại diện từ các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp, cùng các chuyên gia kinh tế giàu kinh nghiệm.

TMĐT đã phát triển nhanh chóng tại Việt Nam trong vòng 10-15 năm qua, đặc biệt trong 5 năm gần đây với tốc độ tăng trưởng duy trì từ 20-25% mỗi năm. Theo số liệu từ Bộ Công Thương, năm 2023, quy mô thị trường bán lẻ TMĐT Việt Nam đã đạt mức 20,5 tỷ USD, chiếm 8% tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng. Dự báo đến năm 2025, con số này sẽ tăng lên 10%.

Trong những năm qua, Tổng cục Thuế đã chủ động triển khai nhiều biện pháp để tăng cường quản lý thuế đối với TMĐT. Bà Nguyễn Thị Lan Anh, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh và cá nhân thuộc Tổng cục Thuế cho biết, Tổng cục Thuế đã xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý thuế, đồng thời phối hợp với các bộ, ngành trong việc chia sẻ dữ liệu và kết nối với UBND các tỉnh, thành phố. Cơ sở dữ liệu từ các ngành như ngân hàng và viễn thông đã được đồng bộ hóa, giúp công tác quản lý và thu thuế hiệu quả hơn. 

Tuy nhiên, do đặc thù của TMĐT là có tính linh hoạt cao và hoạt động xuyên biên giới, việc quản lý thuế vẫn gặp nhiều khó khăn. Bà Lan Anh nhấn mạnh rằng, trong thời gian qua, ngành thuế đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hỗ trợ hướng dẫn người nộp thuế kinh doanh TMĐT thực hiện kê khai, nộp thuế theo quy định. Ngành thuế cũng không ngừng mở rộng triển khai các dịch vụ thuế điện tử cấp độ 4.0, giúp người nộp thuế có thể thực hiện đăng ký, khai và nộp thuế hoàn toàn qua hình thức điện tử, tạo thuận lợi trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế.

Ông Trần Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số (Bộ Thông tin và Truyền thông) khẳng định rằng, sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 18 về đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển TMĐT và chống thất thu thuế, Bộ Thông tin và Truyền thông đã nhanh chóng triển khai kế hoạch hành động với 7 nhóm và 25 nhiệm vụ cụ thể. Các đơn vị trong Bộ đã phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Thuế để hỗ trợ công tác quản lý và thu thuế đối với các hoạt động TMĐT.

Cùng quan điểm, bà Lại Việt Anh, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) nhấn mạnh vai trò quan trọng của việc xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý thuế toàn diện và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý thuế. Việc ứng dụng các công cụ trực tuyến và điện tử không chỉ giúp cải thiện hiệu quả quản lý mà còn tạo ra sự minh bạch, công bằng giữa các doanh nghiệp và người tiêu dùng trong môi trường kinh doanh số.

Tuy nhiên, với tốc độ phát triển nhanh chóng của TMĐT, việc quản lý thuế vẫn còn nhiều thách thức. PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế cho rằng, TMĐT là một hình thức kinh doanh mới trên thế giới, phát triển với tốc độ nhanh và liên tục thay đổi. Việc quản lý TMĐT đòi hỏi sự thích ứng và đổi mới không ngừng, bởi các hình thức kinh doanh và mô hình thanh toán mới liên tục xuất hiện. Do đó, vấn đề thu đúng, thu đủ và thu chính xác trong hoạt động TMĐT không chỉ là khó khăn của riêng Việt Nam, mà còn là thách thức đối với nhiều quốc gia, kể cả những quốc gia có hệ thống quản lý thuế phát triển như Mỹ hay Liên minh châu Âu.

Ông Thịnh cũng đánh giá cao sự nỗ lực của các cơ quan chức năng trong việc phối hợp quản lý hoạt động TMĐT, đặc biệt là việc tích hợp dữ liệu từ nhiều cơ quan thông qua ứng dụng VneID của Bộ Công an. Điều này không chỉ hỗ trợ công tác quản lý thuế TMĐT mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho việc quản lý các lĩnh vực khác liên quan đến kinh tế và xã hội, góp phần vào việc xây dựng một nền kinh tế số toàn diện.

Một yếu tố quan trọng khác ảnh hưởng đến quản lý thuế TMĐT là sự phát triển của các phương thức thanh toán điện tử. Ông Trần Mạnh Nam, Giám đốc Khối Doanh nghiệp VNPAY cho biết, thanh toán điện tử đã phát triển mạnh mẽ trong 5 năm qua, hỗ trợ tích cực cho TMĐT. Người dân hiện nay có thể sử dụng nhiều hình thức thanh toán điện tử khác nhau, từ thanh toán trực tuyến, qua thiết bị POS đến thanh toán bằng mã QR. 

Việc theo dõi dòng tiền của các giao dịch TMĐT qua hệ thống thanh toán điện tử giúp cơ quan thuế xác minh được doanh thu của người bán hàng, từ đó tính toán chính xác nghĩa vụ thuế. Tuy nhiên, ông Nam cũng cho rằng cần tách bạch rõ ràng giữa dòng tiền thương mại và phi thương mại của các chủ sở hữu tài khoản để cơ quan thuế có thể xác định đúng trách nhiệm thuế của từng đối tượng.

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã thảo luận và đưa ra nhiều giải pháp cụ thể nhằm nâng cao hiệu quả quản lý thuế đối với TMĐT. Một trong những giải pháp quan trọng là tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về thuế, áp dụng đối với từng chủ thể kinh doanh để phù hợp với thông lệ quốc tế và đặc thù của Việt Nam.

Đồng thời, cần bổ sung quy định về trách nhiệm của các sàn giao dịch TMĐT trong việc khấu trừ và nộp thuế thay cho cá nhân kinh doanh trên sàn. Việc này không chỉ giúp quản lý thuế hiệu quả hơn mà còn giảm gánh nặng kê khai thuế cho người kinh doanh nhỏ lẻ trên các nền tảng TMĐT.

Ngoài ra, các đại biểu cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc triển khai hóa đơn điện tử, nhằm đảm bảo tính công bằng và minh bạch trong các giao dịch. Hóa đơn điện tử không chỉ là công cụ giúp quản lý thuế hiệu quả hơn mà còn bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, tạo điều kiện cho việc giải quyết tranh chấp và phản hồi sau khi mua hàng. Cuối cùng, quản lý thuế TMĐT không chỉ là quản lý kinh tế mà còn là quản lý dữ liệu. Do đó, việc số hóa toàn diện quy trình quản lý thuế là điều cần thiết để nâng cao hiệu quả quản lý, giảm chi phí tuân thủ và rủi ro cho doanh nghiệp, đồng thời tạo ra một môi trường kinh doanh minh bạch, thuận lợi hơn cho cả doanh nghiệp và người nộp thuế./.

Minh Phương

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN