Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Tọa đàm trực tuyến về tín dụng chính sách với học sinh, sinh viên năm học 2016 - 2017

Thứ Ba, 16/08/2016 21:48 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Chiều 16/8, tại Hà Nội, Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) phối hợp với Báo Thanh Niên tổ chức Tọa đàm trực tuyến về tín dụng chính sách với học sinh, sinh viên (HS-SV) năm học 2016 - 2017.

Các đại biểu tham gia Tọa đàm trực tuyến. (Ảnh: HNV)

Theo đó, đây là hoạt động tích cực để chuẩn bị năm học mới 2016 - 2017, cung cấp thông tin tới HS-SV và gia đình, đặc biệt là sinh viên năm thứ nhất, một cách đầy đủ nhất về chính sách tín dụng HS-SV trong thời gian tới.

Chương trình có sự tham gia, giải đáp của các vị khách mời gồm: Ông Dương Văn Bá, Phó vụ trưởng Vụ công tác HS-SV, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT); ông Bùi Văn Thuấn, Phó giám đốc Ban Tín dụng HS-SV và các đối tượng chính sách khác NHCSXH; ông Vũ Trung Dũng, Phó giám đốc chi nhánh NHCSXH tỉnh Hải Dương, ông Nguyễn Việt Hải, Phó giám đốc Ban Hợp tác Quốc tế và Truyền thông NHCSXH.

Chính sách tín dụng đối với HS-SV trong gần 10 năm qua đã khẳng định là một chính sách có ý nghĩa cả về kinh tế, chính trị và xã hội. Tính đến hết tháng 6/2016, tổng dư nợ chương trình đạt hơn 21.467 tỉ đồng với 946.933 khách hàng còn dư nợ. Nợ quá hạn là 138,3 tỉ đồng, chiếm tỷ lệ 0,64% dư nợ cho vay HS-SV. Vốn tín dụng chính sách đã giúp trên 3,4 triệu HS-SV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập.

Ông Nguyễn Việt Hải, Phó giám đốc Ban Hợp tác và Truyền thông NHCSXH trả lời thắc mắc của độc giả tại Tọa đàm trực tuyến.
 (Ảnh: HNV)
Trong khuôn khổ tọa đàm, nhiều thắc mắc của độc giả liên quan tới tín dụng HS-SV đã lần lượt được các đại biểu giải đáp hợp lý. Đáng chú ý, theo ông Nguyễn Việt Hải, Phó giám đốc Ban Hợp tác Quốc tế và Truyền thông NHCSXH, mức cho vay tối đa đối với mỗi HS-SV hiện nay là 1.250.000 đồng/tháng để hỗ trợ trang trải chi phí cho việc học tập, sinh hoạt của HS-SV trong thời gian theo học tại trường bao gồm: tiền học phí, chi phí mua sắm sách vở, phương tiện học tập, chi phí ăn ở, đi lại. Đối với những HS-SV thuộc diện được miễn, giảm học phí hoặc HS-SV theo học tại các trường Công an, Quân sự, sư phạm đã được miễn học phí và sinh hoạt phí thì khi cho vay phải loại trừ không cho vay đối với số tiền đã được miễn, giảm học phí, sinh hoạt phí…

Trong khi đó, theo ông Bùi Văn Thuấn, Phó giám đốc Ban Tín dụng HS-SV và các đối tượng chính sách khác NHCSXH, nếu HS-SV học đại học 4 năm thì thời hạn cho vay tối đa là 9 năm, nếu gặp khó khăn được gia hạn nợ tối đa thêm 2 năm nữa thì tổng cộng cho vay là 11 năm. Trong khi đó nguồn trả nợ được trích từ thu nhập của hộ vay và thu nhập của sinh viên khi đi làm. Ông Thuấn cũng cam kết NHCSXH sẽ tiếp thu, nghiên cứu và báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc đề nghị khoanh nợ, gia hạn nợ cho những HS-SV không xin được việc làm hoặc xin được việc nhưng không đúng ngành nghề nên thu nhập thấp không đủ trang trải cho cuộc sống và trả nợ Ngân hàng theo đề nghị của hộ vay.

Liên quan đến thực trạng nhiều đối tượng vay vốn tín dụng HS-SV vay vốn khó xin việc làm sau khi ra trường đồng nghĩa với khó trả nợ vay đúng hạn, về phía Bộ GD-ĐT, ông Dương Văn Bá - Phó vụ trưởng Vụ Công tác HSSV cho hay, trước mắt, Bộ đã đề nghị NHCSXH trên cơ sở điều kiện thực tế của từng SV có chính sách hỗ trợ, như kéo dài thời gian trả nợ hay hỗ trợ lãi suất. Tuy nhiên, về lâu dài, Bộ sẽ tăng cường tư vấn hướng nghiệp, triển khai hiệu quả công tác phân luồng HS sau Trung học cơ sở, Trung học phổ thông để hạn chế việc thất nghiệp sau khi tốt nghiệp. Ngoài ra, Bộ đang triển khai xây dựng Đề án khởi nghiệp cho SV tốt nghiệp và chỉ đạo các trường đưa vào chương trình đào tạo các kiến thức về khởi nghiệp để SV tiếp cận khởi nghiệp và tự tạo việc làm sau khi tốt nghiệp.

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử ĐCSVN, ông Vũ Trung Dũng, Phó giám đốc chi nhánh NHCSXH tỉnh Hải Dương cho biết: Chương trình tín dụng HS-SV trên địa bàn tỉnh được triển khai theo Quyết định 157/2007/QĐ-TTg ngày 27/9/2007 của Thủ tướng Chính phủ cũng như Thông tư 27/2007/TT-BLĐTBXH ngày 30/11/2017 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội. Qua 9 năm thực hiện, Hải Dương đã triển khai khá tốt chương trình và có thời điểm dư nợ tín dụng của chương trình cao nhất lên tới 1.080 tỷ đồng. Trong quá trình đó, hầu như số tiền cho vay đều góp phần giúp các cháu ổn định ngân sách đi học. Về phía NHCSXH, chúng tôi có giao dịch tại địa phương với mỗi xã là một điểm giao dịch, một năm hai kỳ cho HS-SV vay nên triển khai tương đối toàn diện và hiệu quả, đúng đối tượng, chính sách, được đoàn thể, cấp chính quyền đánh giá là hoạt động đúng hướng.

Cũng theo ông Dũng, qua triển khai chương trình, để thực hiện hiệu quả, hệ thống NHCSXH Hải Dương nhận thấy, chính quyền địa phương phải bám sát quy định, tiêu chuẩn; HS-SV thuộc diện vay phải có giấy chứng nhận của Trường học hợp lệ; các tổ chức tiếp cận hồ sơ triển khai ngay các thủ tục gửi NHCSXH, trong quá trình giao dịch, tạo điều kiện bất kể lúc nào có hồ sơ gửi đến đều có thể giải ngân (ở tất cả các cấp) để các cháu kịp thời bổ sung học phí học tập đúng kỳ hạn. Nhân đây, đại diện NHCSXH tỉnh Hải Dương cũng kiến nghị, nhiều cháu sau khi ra trường chưa có việc làm, không có tiền trả nợ cho ngân hàng, vì thế, phía Ngân hàng cũng tính toán một số giải pháp nhất định: có thể xem xét 1 năm ân hạn để giúp các cháu chuẩn bị xin việc, trường hợp nào chưa có việc làm, có thể xem xét gia hạn nợ bằng một nửa thời gian trả nợ. Thêm nữa, trong điều kiện mới hiện nay, đời sống nâng cao và mức học phí ngày càng cao nên mức cho vay 1.250.000đ/1 tháng với HS-SV là hơi thấp, chưa đáp ứng đủ nhu cầu, do đó, có thể xem xét nâng mức cho vay phù hợp hơn. Ngoài ra, cũng cần có những định hướng để đối tượng vay học đúng chương trình, đáp ứng nhu cầu của xã hội để hạn chế tình trạng học xong không có việc làm, gây khó khăn cho trả nợ vốn vay tín dụng chính sách HS-SV.

Hà Anh

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN