Tòa án Hiến pháp Thái Lan ra phán quyết phế truất Thủ tướng Srettha Thavisin
(ĐCSVN) - Bộ Giáo dục và Đào tạo thông tin về rà soát văn bằng của ông Vương Tấn Việt; Truy tố 15 bị can đưa hối lộ và nhận hối lộ tại Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 60-04D; … là những tin đáng chú ý trong ngày hôm nay (14/8).
Tòa án Hiến pháp Thái Lan ra phán quyết phế truất Thủ tướng Srettha Thavisin
Chiều 14/8, Tòa án Hiến pháp Thái Lan đã ra phán quyết phế truất Thủ tướng Srettha Thavisin vì vi phạm Hiến pháp trong việc bổ nhiệm người không đáp ứng tiêu chuẩn đạo đức vào vị trí bộ trưởng trong nội các. Trong phán quyết, tòa cũng nêu rõ ông Srettha đã vi phạm các quy tắc đạo đức.
Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin trong cuộc họp báo tại thủ đô Bangkok, ngày 14/8/2024. Ảnh: AP/TTXVN |
Ông Srettha là nhà lãnh đạo xuất thân từ kinh doanh bất động sản. Ông bị một nhóm cựu thượng nghị sĩ kiện vì cho rằng ông vi phạm Hiến pháp Thái Lan khi bổ nhiệm vào nội các một luật sư từng phải ngồi tù. Với việc ông Srettha bị phế truất, Hạ viện Thái Lan sẽ phải họp để bầu thủ tướng mới.
Ông Srettha là Thủ tướng Thái Lan thứ tư bị Tòa án Hiến pháp phế truất trong 16 năm qua.
Cùng ngày, phát biểu với báo giới sau phán quyết của tòa án, Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin tuyên bố tôn trọng phán quyết của Tòa án Hiến pháp nước này đối với việc phế truất vai trò lãnh đạo của ông.
Ông Srettha cho biết bản thân đã nỗ lực lãnh đạo đất nước một cách trung thực và tin tưởng có nhiều người tài năng có thể tiếp tục công việc. Tuy nhiên, ông thừa nhận không biết liệu các chính sách của chính phủ hiện nay có tiếp tục được triển khai hay không và chính phủ tiếp theo có thể thay đổi chính sách.
Ông Srettha thông báo Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Thương mại Phumtham Wechayacha sẽ trở thành thủ tướng lâm thời. Trong trường hợp ông Phumtham không thể đảm nhận công việc, vị trí sẽ được giao cho Phó Thủ tướng Suriya Juangroongruangkit.
Bộ Giáo dục và Đào tạo thông tin về rà soát văn bằng của ông Vương Tấn Việt
Theo thông tin từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, thời gian qua, khi có các thông tin về văn bằng của ông Vương Tấn Việt (tức Thượng tọa Thích Chân Quang), Bộ đã yêu cầu các đơn vị, cơ sở giáo dục liên quan báo cáo. Cùng lúc, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiến hành rà soát, kiểm tra, xác minh và phối hợp xác minh làm rõ thông tin, minh chứng trên nguyên tắc kỹ lưỡng, cẩn trọng, tuân thủ đúng quy định pháp luật.
Ông Vương Tấn Việt (tứcThượng tọa Thích Chân Quang) trong ngày nhận bằng tốt nghiệp tại Trường đại học Luật Hà Nội. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Giáo hội Phật giáo Việt Nam |
Hiện nay, dư luận đang căn cứ vào văn bản của Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh trả lời Ban Tôn giáo Chính phủ để cho rằng, ông Vương Tấn Việt không có bằng tốt nghiệp cấp ba bổ túc văn hóa, hoặc chưa tốt nghiệp cấp ba. Tuy nhiên, điểm trọng yếu cần làm rõ là thông tin văn bằng Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh đã xác minh có đúng là thông tin trên văn bằng của ông Vương Tấn Việt sở hữu hay không.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nhận thông tin và văn bản trả lời của Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, cũng như đã kiểm tra trên hồ sơ tại kho lưu trữ của Bộ từ cách đây hơn 1 tháng, với các thông tin ban đầu là ông Vương Tấn Việt không có tên trong danh sách dự thi và danh sách cấp bằng tốt nghiệp cấp ba bổ túc văn hóa năm 1989 của Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã bước đầu xác minh được việc nghi vấn về giá trị của tấm bằng này là có căn cứ. Tuy nhiên, Bộ vẫn cần tiếp tục phối hợp với cơ quan chức năng và Cơ quan an ninh để điều tra, làm rõ hơn những thông tin quan trọng khác như: xác minh đó có đúng là văn bằng của ông Vương Tấn Việt với các thông tin như vậy hay không; nếu thông tin văn bằng nói trên không trùng với thông tin văn bằng do ông Vương Tấn Việt sở hữu thì cần tiếp tục làm rõ theo các kênh khác.
Đối với việc xác minh hồ sơ quá trình đào tạo tiến sĩ của ông Vương Tấn Việt, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tiến hành kiểm tra, xác minh hồ sơ quá trình đào tạo của ông Vương Tấn Việt tại Trường Đại học Luật Hà Nội. Hồ sơ quá trình đào tạo về cơ bản không trái với các quy định pháp luật áp dụng cho trường hợp người học Vương Tấn Việt. Trong hồ sơ thể hiện một số thiếu sót trong quá trình đào tạo nhưng đã được khắc phục trong quá trình đào tạo đó.
Về thẩm định chất lượng luận án tiến sĩ của ông Vương Tấn Việt, theo quy định hiện hành về đào tạo tiến sĩ, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã gửi các chuyên gia phản biện đọc thẩm định chất lượng luận án. Trên cơ sở kết quả thẩm định, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tiến hành thành lập Hội đồng thẩm định luận án theo đúng quy định. Quy trình này cần thêm thời gian để tổ chức thực hiện.
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước nên khi Bộ đưa ra các quyết định và xử lý phải cẩn trọng, tuân thủ đúng quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, trong quá trình xác minh vụ việc, có những thông tin Bộ chưa được phép công bố khi chưa có đầy đủ căn cứ.
Truy tố 15 bị can đưa hối lộ và nhận hối lộ tại Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 60-04D
Viện KSND tỉnh Đồng Nai vừa hoàn tất cáo trạng truy tố 15 bị can liên quan đến Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 60-04D (đóng tại phường Tân Biên, thành phố Biên Hòa) về tội đưa hối lộ và nhận hối lộ.
Thời điểm cơ quan chức năng khám xét Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 60-04D vào ngày 10/1/2023. Ảnh: Báo Tiền phong |
Các bị can bị truy tố về tội nhận hối lộ gồm: Lương Minh Tú (43 tuổi, ngụ phường Trung Dũng, thành phố Biên Hòa), nguyên Giám đốc Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 60-04D và 2 nguyên Phó giám đốc là Lê Sơn Tuyền (52 tuổi, ngụ TPHCM) và Trần Đức Duy (43 tuổi, ngụ phường An Bình, TP.Biên Hòa). Cùng bị truy tố tội danh trên còn có 9 bị can khác là đăng kiểm viên và nhân viên Trung tâm đăng kiểm 60-04D. 3 bị can khác bị truy tố về tội đưa hối lộ gồm: Lê Tiến Trung (44 tuổi, nguyên giám đốc Công ty TNHH MTV TMDV vận tải Vỹ Khang), Võ Chí Giang (40 tuổi, cựu nhân viên Trung tâm dạy lái xe Sài Gòn) và Nguyễn Duy Khang (47 tuổi, cựu nhân viên Công ty TNHH vận tải Hà Nguyễn).
Theo cáo trạng, vào năm 2022, Tú bàn bạc, chỉ đạo các đăng kiểm viên và nhân viên Trung tâm đăng kiểm 60-04D nhận tiền của các chủ xe. Sau đó, dùng các thủ thuật bỏ qua các lỗi không đạt khi kiểm định để cấp giấy chứng nhận kiểm định về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường.
Theo chỉ đạo của Tú, các đăng kiểm viên đã phân công nhân viên trung tâm đăng kiểm luân phiên ghi lại biển số xe và số tiền các chủ xe chi để được bỏ qua lỗi kỹ thuật. Vào cuối ngày làm việc, số tiền trên được chia cho nhau theo tỷ lệ do Tú quy định.
Tú còn chỉ đạo Phát gợi ý, nhận tiền của các chủ xe vãng lai đến đăng kiểm tại Trung tâm 60-04D. Sau đó, Phát báo cho các đăng kiểm viên biết để bỏ qua các lỗi kỹ thuật khi đăng kiểm. Phát được giao nhận tiền hối lộ từ các chủ xe.
Với thủ đoạn như trên, trong năm 2022, Tú và nhân viên cấp dưới đã nhận tổng cộng hơn 1,4 tỷ đồng của các chủ xe để bỏ qua lỗi không đạt tiêu chuẩn. Tú được chia hơn 400 triệu đồng, các bị can còn lại được chia từ 20 - 288 triệu đồng./.