Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Tổ chức Triển lãm “Nhạc cụ truyền thống các dân tộc Việt Nam”

Thứ Ba, 08/03/2022 18:42 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) - Triển lãm “Nhạc cụ truyền thống các dân tộc Việt Nam” sẽ giới thiệu với nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế về sự phong phú, đa dạng, độc đáo của nhạc cụ truyền thống các dân tộc Việt Nam; động viên khích lệ đồng bào trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị của âm nhạc dân tộc, góp phần xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc văn hoá dân tộc.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa ban hành kế hoạch tổ chức Triển lãm “Nhạc cụ truyền thống các dân tộc Việt Nam”. Theo kế hoạch, triển lãm diễn ra từ ngày 7 - 11/4/2022 tại Bảo tàng thành phố Cần Thơ. Triển lãm do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo, UBND thành phố Cần Thơ phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố tham gia triển lãm tổ chức.

Triển lãm sẽ giới thiệu với nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế về sự phong phú, đa dạng, độc đáo của nhạc cụ truyền thống các dân tộc Việt Nam; động viên khích lệ đồng bào trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị của âm nhạc dân tộc, góp phần xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc văn hoá dân tộc.

Đồng thời, thông qua hoạt động trưng bày nhạc cụ truyền thống sẽ tôn vinh bản sắc văn hóa dân tộc; quảng bá các loại hình nghệ thuật được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là di sản văn hóa thế giới nói chung và nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ nói riêng với du khách trong và ngoài nước.

Thông qua hoạt động trưng bày nhạc cụ truyền thống sẽ tôn vinh bản sắc văn hóa dân tộc. (Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: HA)

Triển lãm “Nhạc cụ truyền thống các dân tộc Việt Nam” gắn với các hoạt động giao lưu, trình diễn nghệ thuật truyền thống và dân gian đương đại. Qua đó, các đơn vị gặp gỡ, giao lưu, trao đổi học tập kinh nghiệm trong quá trình sáng tạo nghệ thuật, góp phần quảng bá tiềm năng văn hóa, du lịch cho thành phố Cần Thơ nói riêng và cả nước nói chung.

Triển lãm được xây dựng bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến; thể hiện bằng hiện vật, hình ảnh, trình chiếu trên màn hình và biểu diễn minh họa trực quan. Ban tổ chức xây dựng không gian thực tế ảo và thực hiện triển lãm trực tuyến tại Website của Trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố Cần Thơ.

Triển lãm gồm các phần: Triển lãm ảnh “Nhạc cụ truyền thống các dân tộc Việt Nam” giới thiệu các hình ảnh về nhạc cụ các dân tộc Việt Nam, hình ảnh các nghệ nhân, nghệ sĩ biểu diễn nhạc cụ dân tộc.

Triển lãm “Không gian nhạc cụ truyền thống các dân tộc Việt Nam” trưng bày và trình diễn nhạc cụ truyền thống của đồng bào các dân tộc Việt Nam theo vùng, miền cả nước (thông qua hình ảnh, tư liệu, nhạc cụ, màn hình trình chiếu). Trong đó, có nhạc cụ truyền thống các dân tộc vùng núi cao và thung lũng phía Bắc (Đông Bắc, Tây Bắc) như là cây đàn tính sử dụng trong âm nhạc và nghi lễ tôn giáo của người Tày; trống tang sành của người Sán Chay; khèn bè của các tộc người Thái, Lào, Lự… - Trưng bày một số hiện vật: đàn tính của người Tày, Thái; sưu tập trống, nhạc sóc, thanh la, não bạt, chuông lắc, lềnh pài, kèn, đàn, sáo, nhị, kèn lá, chiêng… của các dân tộc Tày, Nùng, Thái, Dao.

Bên cạnh đó là nhạc cụ truyền thống các dân tộc vùng đồng bằng, trung du Bắc bộ - Vùng đồng bằng, trung du Bắc bộ: sáo, đàn nhị, mõ, phách, trống, kèn loa, đàn bầu, đàn nguyệt,…; Nhạc cụ truyền thống của các dân tộc vùng duyên hải Miền trung của người Chăm Bàlamôn, Chăm Bà Ni, Chu Ru, RaGlai với các nhạc cụ: Trống Parnưng, trống Ghi năng, kèn Saranai... ; Nhạc cụ truyền thống các dân tộc vùng Miền Trung, Tây Nguyên - Miền Trung, Tây Nguyên với sưu tập cồng chiêng, trống, đàn T’rưng, kèn bầu, đán đá, ting ninh (kèn bầu), đinh tút, khèn, tù và, đinh năm, đàn ống tre của cư dân các dân tộc: Ba Na, Xơ Đăng, Mnông, Mạ, Cơ Ho, Giẻ Triêng, Xtiêng, Brâu, Rơ Măm, Tà Ôi, Cơ Tu, Rơ Măm, Ê Đê, Gia Rai,...; Nhạc cụ truyền thống các dân tộc vùng Nam Bộ tiêu biểu là nhạc cụ ngũ âm. Dàn nhạc ngũ âm có âm lượng lớn thường được dùng trong các nghi lễ quan trọng tại các ngôi chùa Khmer và trong các ngày lễ hội.../.

VH

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN