Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Tổ chức thực hiện Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia đảm bảo thiết thực, hiệu quả

Thứ Tư, 14/07/2021 17:41 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình yêu cầu tiếp tục nâng cao hơn nữa trách nhiệm của Ủy ban Dân tộc, Bộ Khoa học và Công nghệ, các ban, bộ, ngành liên quan và các tổ chức, cá nhân nhà khoa học trong tổ chức thực hiện Chương trình, đảm bảo tính thiết thực, hiệu quả, đúng quy định của pháp luật.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu chỉ đạo Hội nghị. 

Ngày 14/7/2021, Ủy ban Dân tộc tổ chức Hội nghị Tổng kết Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia giai đoạn 2016 - 2020 (CTDT/16-20) và ký kết Chương trình phối hợp hoạt động giữa Bộ Khoa học và Công nghệ với Ủy ban Dân tộc giai đoạn 2012 - 2020. Tới dự Hội nghị có các đồng chí: Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; Hầu A Lềnh, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, Huỳnh Thành Đạt, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; lãnh đạo một số bộ, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và nhiều nhà khoa học của Việt Nam

Chương trình CTDT/16-20 được triển khai từ năm 2015 với mục tiêu: Cung cấp luận cứ khoa học nhằm giải quyết các vấn đề cơ bản mang tính chiến lược và thực tiễn cấp bách liên quan đến dân tộc thiểu số (DTTS), từ đó thực hiện đổi mới chính sách dân tộc (CSDT) đáp ứng yêu cầu thời kỳ đẩy mạnh công nghiêp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, góp phần thực hiện thành công Chiến lược Công tác dân tộc (CTDT) đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Tính đến nay, đã có 51 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia được triển khai thực hiện. Tổng kinh phí triển khai thực hiện là 176,1 tỷ đồng.

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh, sau gần 6 năm thực hiện, Chương trình CTDT/16-20 đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Chương trình đã tập trung giải quyết tốt một số mục tiêu cụ thể như: Cung cấp đầy đủ các luận cứ để nhận diện các vấn đề cơ bản mang tính chiến lược và thực tiễn cấp bách liên quan đến các dân tộc thiểu số (DTTS) và chính sách dân tộc (CSDT); Cơ bản hoàn thành việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về DTTS và các CSDT phục vụ cho việc hoạch định và thực hiện chính sách giai đoạn tiếp theo.

Kết quả nổi bật nhất là các đề tài thuộc Chương trình vừa nghiên cứu vừa chuyển giao kết quả cho Ủy ban Dân tộc và các ban, bộ, ngành liên quan, đặc biệt là cung cấp luận cứ khoa học cho: Xây dựng dự thảo văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, nội dung về CTDT; Đánh giá tổng kết Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về CTDT và ban hành Kết luận số 65-KL/TW ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khóa IX về CTDT trong tình hình mới; Đánh giá kết quả thực hiện Chiến lược CTDT giai đoạn 2011-2020 và đề xuất nội dung Chiến lược CTDT giai đoạn 2021 - 2030; Xây dựng Đề án tổng thể phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 đã được Quốc hội phê duyệt; Tổng kết đánh giá 25 năm thực hiện Chỉ thị 45-CT/TW của Ban Bí thư về công tác đối với vùng đồng bào Mông; Xây dựng đề án chính sách đối với đồng bào Khmer, Đề án Bồi dưỡng kiến thức dân tộc đối với cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2018 - 2025; Xây dựng Báo cáo nhân quyền trong vùng đồng bào DTTS để Việt Nam báo cáo trước Liên hợp quốc… Các kết quả chuyển giao được đánh giá cao về tính kịp thời và chất lượng khoa học.

Giai đoạn 2016 - 2020, Chương trình cũng đã xây dựng được 2.324 mô hình ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ có hiệu quả, quy mô phù hợp với điều kiện sinh thái cho 34 tỉnh/thành phố vùng dân tộc thiểu số và miền núi, trong đó: thực hiện được 30 mô hình sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị; 14 mô hình ứng dụng công nghệ thông tin; 27 mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, hỗ trợ tạo việc làm cho trên 2.000 lao động thường xuyên và 5.000 lao động thời vụ, tạo sinh kế cho đồng bào; đã chuyển giao được 1.106 lượt công nghệ mới, tiên tiến phù hợp với từng vùng miền, thúc đẩy phát triển KT - XH vùng dân tộc thiểu số và miền núi; hỗ trợ đào tạo trên 1.000 cán bộ quản lý khoa học và công nghệ, 2.484 cán bộ kỹ thuật, kỹ thuật viên cơ sở; tập huấn cho 45.328 lượt nông dân các địa phương vùng dân tộc thiểu số và miền núi…

Đã có tổng số 205 bài báo khoa học được công bố trên tạp chí khoa học có uy tín của quốc gia; 72 bài báo khoa học được công bố trên tạp chí khoa học quốc tế, trong đó có 23 bài báo khoa học nằm trong danh mục ISI, SCOPUS; xuất bản hơn 50 đầu sách; hỗ trợ đào tạo cho trên 80 nghiên cứu sinh và 150 thạc sỹ.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt nhận xét, Chương trình CTDT/16-20 đã đạt được những dấu ấn nổi bật trong đổi mới tư duy, lý luận, nhận thức về DTTS và CSDT; tạo được nguồn tư liệu phong phú về CTDT; có nhiều đóng góp trong công tác đào tạo cán bộ, tạo được sự gắn kết giữa cơ quan Trung ương và địa phương với đội ngũ nhà khoa học có uy tín… Nhìn chung các hoạt động nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao công nghệ cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi khá đa dạng về loại hình, cấp độ; tăng trưởng về quy mô kinh phí và địa bàn thực hiện không ngừng được mở rộng; tạo ra hiệu quả và tác động tích cực đến sự phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi trong phạm vi cả nước.

Kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng của Ủy ban Dân tộc, Bộ Khoa học và Công nghệ cùng các cơ quan liên quan trong công tác quản lý, tổ chức thực hiện Chương trình.

Phó Thủ tướng Thường trực cũng ghi nhận tâm huyết, trách nhiệm của các tổ chức, các nhà khoa học tham gia chủ trì thực hiện các nhiệm vụ khoa học của Chương trình và khẳng định thành tích này sẽ là cơ sở, là tiền đề để hướng đến sự thành công hơn nữa của Chương trình giai đoạn 2021 - 2025 và các năm tiếp theo.

Trong 5 năm tới, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đề nghị Chương trình cần bám sát và triển khai có hiệu quả các nội dung về khoa học và công nghệ, CTDT... tại Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Kết luận số 65KL/TW ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới; Nghị quyết số 88/2019/QH14  ngày 18/11/2019 của Quốc hội Phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030… Chương trình cần thực hiện cơ chế vừa nghiên cứu vừa chuyển giao kết quả cho các ban, bộ, ngành và các cơ quan liên quan để kịp thời cung cấp luận cứ khoa học cho việc hoàn thiện và tổ chức thực hiện thành công chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về CTDT.

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu tiếp tục nâng cao hơn nữa trách nhiệm của Ủy ban Dân tộc, Bộ Khoa học và Công nghệ, các ban, bộ, ngành liên quan và các tổ chức, cá nhân nhà khoa học trong tổ chức thực hiện Chương trình, đảm bảo tính thiết thực, hiệu quả, đúng quy định của pháp luật.

Ủy ban Dân tộc và Bộ Khoa học và Công nghệ ký kết Chương trình phối hợp giai đoạn 2021 - 2030 

Tại Hội nghị, Ủy ban Dân tộc, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ký kết Chương trình phối hợp giai đoạn 2021 - 2030 với các mục tiêu chủ yếu là: Tham mưu có hiệu quả cho Trung ương Đảng, Quốc hội và Chính phủ các giải pháp, biện pháp về khoa học và công nghệ để góp phần triển khai tổ chức thực hiện thành công chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến dân tộc thiểu số, vùng dân tộc thiểu số và miền núi; Nâng cao nhận thức, trình độ năng lực về khoa học công nghệ cho cán bộ làm CTDT, khoa học công nghệ trong việc xây dựng, thực hiện CSDT; Tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho đồng bào các DTTS, người dân vùng dân tộc thiểu số và miền núi về vai trò của khoa học công nghệ, ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất và đờii sống phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và giảm nghèo bền vững; Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, thông tin, ứng dụng chuyển giao công nghệ, nhất là các khoa học công nghệ mới, phù hợp với đặc điểm đồng bào các DTTS và vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi phục vụ xây dựng chiến lược, chương trình, đề án, dự án, chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý nhà nước về CTDT./.

Tin, ảnh: Phương Liên

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN