Tỉnh Thanh Hóa: Thiết lập trật tự, kỷ cương trong chấp hành pháp luật về giao thông
(ĐCSVN) - Mục đích của Kế hoạch hành động số 104/KH-UBND nhằm đổi mới về tư duy nhận thức và hành động; đồng thời thiết lập trật tự, kỷ cương trong chấp hành pháp luật về giao thông của cả người tham gia giao thông và lực lượng thực thi pháp luật về giao thông; giảm thiểu tai nạn giao thông, trọng tâm là bảo đảm an ninh, an toàn sức khoẻ, tài sản của người dân.
Ban An toàn giao thông tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức hội nghị trực tiếp và trực tuyến quán triệt, triển khai Kế hoạch hành động số 104/KH-UBND |
Nhằm đổi mới tư duy, nhận thức và hành động, đồng thời thiết lập trật tự, kỷ cương trong chấp hành pháp luật về giao thông, giảm thiểu tai nạn giao thông, Ban An toàn giao thông tỉnh Thanh Hóa đã quán triệt triển khai Kế hoạch hành động của UBND tỉnh Thanh Hóa thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg, ngày 19/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong tình hình mới.
Ban An toàn giao thông tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức hội nghị trực tiếp và trực tuyến quán triệt, triển khai Kế hoạch hành động số 104/KH-UBND, ngày 4-5-2023 của UBND tỉnh thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg, ngày 19-4-2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong tình hình mới.
Trước khi quán triệt triển khai Kế hoạch hành động số 104/KH-UBND, ngày 4-5-2023 của UBND tỉnh, lãnh đạo Ban An toàn giao thông tỉnh Thanh Hóa đã quán triệt chỉ thị số 10/CT-TTg, ngày 19-4-2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong tình hình mới. Đồng thời quán triệt 9 giải pháp trọng tâm đã được Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ban, ngành, các cấp uỷ, chính quyền địa phương chỉ đạo, tổ chức thực hiện.
Mục đích của Kế hoạch hành động số 104/KH-UBND nhằm đổi mới về tư duy nhận thức và hành động; đồng thời thiết lập trật tự, kỷ cương trong chấp hành pháp luật về giao thông của cả người tham gia giao thông và lực lượng thực thi pháp luật về giao thông; giảm thiểu tai nạn giao thông, trọng tâm là bảo đảm an ninh, an toàn sức khoẻ, tài sản của người dân.
Thiết lập trật tự, kỷ cương trong chấp hành pháp luật về giao thông (Ảnh minh họa) |
Để đạt được mục đích trên, Kế hoạch hành động số 104/KH-UBND đề ra 8 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cần tập trung đó là: Tiếp tục tập trung triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chủ trương, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong tình hình mới. Siết chặt kỷ cương, kỷ luật, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Tập trung phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm là nguyên nhân chính dẫn đến các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng.
Tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về giao thông. Phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan Trung ương trong quá trình rà soát, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đáp ứng kịp thời yêu cầu thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội.
Xây dựng lộ trình thực hiện đồng bộ quy hoạch hạ tầng giao thông gắn với quy hoạch phát triển của ngành, lĩnh vực, địa phương. Nâng cao hiệu quả công tác đăng ký, quản lý phương tiện cơ giới đường bộ, theo hướng định danh phương tiện gắn với định danh cá nhân. Tăng cường nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, trang bị phương tiện cho các lực lượng chuyên trách bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, Phó Trưởng ban Thường trực Ban An toàn giao thông tỉnh Mai Xuân Liêm đánh giá cao tinh thần, trách nhiệm của các ngành, đơn vị, địa phương trong thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông; đồng thời nhấn mạnh vai trò quan trọng của người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền các địa phương, các đơn vị trong công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông trong tình hình mới.
Để triển khai hiệu quả khai Kế hoạch hành động số 104/KH-UBND, ngày 4/5/2023 của UBND tỉnh Thanh Hóa thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg, ngày 19/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong tình hình mới, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, Phó Trưởng ban Thường trực Ban An toàn giao thông tỉnh đề nghị Sở Giao thông - Vận tải quan tâm, chấn chỉnh công tác đào tạo, dạy sát hạch, cấp giấy phép lái xe. Chấn chỉnh các hành vi vi phạm về hành lang an toàn giao thông, rà soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Rà soát các “điểm đen” gây tai nạn giao thông để tổng hợp và đề xuất, kiến nghị, báo cáo UBND tỉnh. Tập trung kiểm soát và xử lý các hành vi vi phạm về tải trọng; đồng thời tăng cường xử lý vi phạm qua hệ thống camera giám sát.
Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về giao thông đường bộ cho đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý, học sinh, sinh viên đạt hiệu quả, chất lượng. Chỉ đạo các cơ sở giáo dục phát động phong trào thi đua bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; tổ chức cho học sinh, sinh viên ký cam kết không vi phạm các quy định về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; đưa việc chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông là một tiêu chí phân loại thi đua của nhà trường, giáo viên và giá trị đạo đức của học sinh, sinh viên.
Đồng chí cũng đề nghị lực lượng Công an trong toàn tỉnh Thanh Hóa tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý nghiêm hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông. Sở Xây dựng quan tâm vấn đề về hạ tầng giao thông, bãi đỗ xe. Uỷ ban MTTQ tỉnh và các tổ chức đoàn thể, chính trị - xã hội tiếp tục tăng cường công tác phối hợp, tuyên truyền thiết thực, hiệu quả, đưa tiêu chí an toàn giao thông vào tiêu chí bình xét các danh hiệu thi đua... TAND, VKSND tỉnh tiếp tục phối hợp với Công an tỉnh xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông. TP Thanh Hoá quản lý, điều hành đèn tín hiệu bảo đảm đồng bộ; nghiên cứu giải pháp cho các nút giao để tránh ùn tắc trong thời gian tới.