Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Tinh thần chủ động quyết định chiến thắng Chiến dịch Điện Biên Phủ

Thứ Hai, 06/05/2024 16:56 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) - Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” đã để lại nhiều bài học quý báu cho cách mạng Việt Nam. Trong đó, bài học về tinh thần chủ động để giành thắng lợi quyết định trong chiến dịch Điện Biên Phủ đến nay vẫn còn nguyên giá trị đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Chiến dịch Điện Biên Phủ đánh dấu một mốc son chói lọi trong lịch sử hào hùng của dân tộc, mở ra một giai đoạn phát triển mới của cách mạng nước ta. Thắng lợi đó là kết quả tất yếu của sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, sáng tạo, kịp thời của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, sự nỗ lực, cố gắng, sẵn sàng hy sinh của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong xây dựng, phát huy nội lực, tranh thủ tối đa ngoại lực từng bước tạo ra thời cơ để giành thắng lợi quyết định. Mặc dù, đã trải qua 70 năm, song bài học về tinh thần chủ động để giành thắng lợi trong chiến dịch Điện Biên Phủ vẫn còn nguyên giá trị.

Trước hết, Đảng ta đã chủ động đánh giá, dự kiến chính xác tình hình, lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, sáng tạo, kịp thời luôn giành thế chủ động, từng bước chuyển hóa lực lượng là vấn đề có ý nghĩa quyết định đến tạo ra thời cơ giành thắng lợi trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Sau Cách mạng tháng Tám, thấy rõ âm mưu của thực dân Pháp, cùng với sự nỗ lực đàm phán nhằm kéo dài thời gian để chuẩn bị, Bộ Chính trị và Bác Hồ đã sớm xác định đường lối kháng chiến “toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến, trường kỳ kháng chiến, tự lực cánh sinh, dựa vào sức mình là chính”.

Đầu năm 1947, thực dân Pháp đã tăng cường lực lượng mở cuộc phản công và tiến công ồ ạt thực hiện phương châm “đánh nhanh, thắng nhanh”. Đầu tháng 10/1947, địch huy động 12 nghìn quân tiến công lên Việt Bắc. Nhận rõ âm mưu của địch, Thường vụ Trung ương Đảng đã ra chỉ thị “Phải phá tan cuộc tấn công mùa đông của giặc Pháp”. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra lời kêu gọi bộ đội, dân công, nhân dân ra sức tiêu diệt địch. Từ đó, quân và dân Việt Bắc, cùng sự phối hợp chặt chẽ của chiến trường trên cả nước, đã tiến hành chiến dịch phản công và giành thắng lợi to lớn. Từ đây, thực dân Pháp phải chuyển sang đánh kéo dài với ta.

Từ năm 1948, Trung ương Đảng đã chủ trương phát triển mạnh mẽ chiến tranh du kích ở vùng địch tạm chiếm, đồng thời tiến hành một loạt các chiến dịch nhỏ và vừa nhằm tiêu diệt từng bộ phận địch. Đến đầu năm 1950, cuộc kháng chiến của nhân dân ta phát triển mạnh mẽ, tình hình thế giới, khu vực có chuyển biến quan trọng, Trung ương đã chỉ thị cho Liên khu Việt Bắc chuẩn bị cho chiến trường Đông Bắc để khi có điều kiện sẽ mở một chiến dịch lớn. Ngày 16/9/1950, Chiến dịch Biên giới bắt đầu và kết thúc thắng lợi vào ngày 14/10. Đến thời điểm này, thực dân Pháp đã mất quyền chủ động trên chiến trường Bắc Bộ. Tiếp đó, Trung ương Đảng đã chủ trương mở các chiến dịch Hòa Bình, Tây Bắc, Thượng Lào và đẩy mạnh tiến công địch ở vùng địch hậu. 

 Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng Quân ủy thông qua kế hoạch tác chiến Đông Xuân 1953 - 1954 và Chiến dịch Điện Biên phủ 1954. (Ảnh tư liệu)

Tháng 9/1953, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp bàn kế hoạch quân sự Đông Xuân 1953 - 1954. Sau đó, ta mở 5 cuộc tiến công chiến lược buộc địch phải phân tán lực lượng và tăng cường lực lượng xây dựng Điện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm mạnh. Ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ. Thời gian đầu ta thực hiện phương châm “Đánh nhanh, thắng nhanh”. Tuy nhiên, khi đánh giá tình hình để bảo đảm chắc thắng ta đã chủ động chuyển sang phương châm “Đánh chắc, tiến chắc”. Đây là sự chuyển hướng đúng đắn bảo đảm cho Chiến dịch toàn thắng, kết thúc cuộc kháng chiến trường kỳ, vẻ vang của dân tộc ta.

Đặc biệt, ta đã chủ động xây dựng, phát huy nội lực làm cơ sở để từng bước tạo ra thời cơ giành thắng lợi trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Từ đầu năm 1947, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở lại Việt Bắc, xây dựng nơi đây thành căn cứ địa kháng chiến. Trong tiến trình của cuộc kháng chiến có sự chuyển hóa về so sánh lực lượng, ta dựa vào núi rừng Việt Bắc càng đánh càng mạnh, càng thắng lớn và từng bước giành quyền chủ động; còn địch ngày càng bị động đối phó và càng thất bại.

Trên mặt trận văn hóa - giáo dục ta đã chú trọng xây dựng yếu tố chính trị tinh thần cho toàn Đảng, toàn quân và toàn dân. Thời gian đầu kháng chiến, không phải cán bộ, đảng viên hay người dân nào cũng hiểu về kháng chiến. Từ thực trạng trên, Đảng xác định công tác chính trị tư tưởng và văn hóa - giáo dục cần được tăng cường hơn lúc nào hết. Kháng chiến càng tiến tới, mặt trận văn hóa - giáo dục càng phải được đẩy mạnh, nhất là vào giai đoạn kết thúc, khi quân và dân ta bước vào trận quyết chiến ở Điện Biên Phủ. Nhờ đó, đã góp phần quan trọng vào việc tuyên truyền, giác ngộ cán bộ, chiến sĩ và mọi tầng lớp nhân dân về ý nghĩa lịch sử, tính chất chiến lược của Chiến dịch Điện Biên Phủ, quy tụ được nhân dân trong khối đại đoàn kết, đồng tâm hiệp lực, dồn sức cho Chiến dịch.

Bên cạnh đó, ta cũng chủ động xây dựng tiềm lực kinh tế và hậu phương vững chắc tạo nguồn vật chất bảo đảm cho kháng chiến. Đảng chủ trương xây dựng một nền kinh tế dân chủ nhân dân có khả năng tự cấp, tự túc, vừa đáp ứng nhu cầu thiết yếu cho kháng chiến, vừa cải thiện đời sống bộ đội và nhân dân. Nhờ đó, sản xuất nông nghiệp ngày một phát triển, công nghiệp quốc phòng được chú trọng. Với chính sách kinh tế kháng chiến, nguồn vật chất hậu cần bảo đảm cho lực lượng vũ trang ngày càng dồi dào, đáp ứng tốt yêu cầu tổ chức các chiến dịch theo những quy mô khác nhau. Nhất là các chiến dịch từ năm 1953 đến năm 1954, đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Đồng thời, Đảng ta cũng chủ động lãnh đạo phát triển lực lượng vũ trang ba thứ quân vững mạnh và lực lượng quần chúng nhân dân rộng rãi để từng bước giành thế chủ động, giành thắng lợi trên mặt trận quân sự. Từ sau Chiến dịch Việt Bắc, ta chủ trương tập trung củng cố xây dựng lực lượng và từng bước tiến lên đánh những trận phục kích, tập kích lớn hơn, tạo tiền đề của chiến tranh chính quy sau này. Sau Chiến dịch Biên giới, Trung ương Đảng đã chủ trương nhanh chóng chấn chỉnh lực lượng vũ trang, nhất là bộ đội chủ lực. Tháng 8/1949, Đại đoàn quân chủ lực đầu tiên ra đời - Đại đoàn 308. Sau đó ta thành lập thêm các đại đoàn 304, 312, 316, 320, 325, 351. Đến trước Chiến dịch Điện Biên Phủ, chưa lúc nào ta có đội quân chính quy như lúc này, cùng với sự phát triển của các lực lượng vũ trang tại chỗ, du kích tại các địa phương càng củng cố lực lượng chiến đấu và phát huy sức mạnh của chiến tranh nhân dân.

Với tinh thần chủ động, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đã phát huy sức mạnh tổng hợp, làm lên thắng lợi vĩ đại của Chiến dịch Điện Biên Phủ 1954. Chiến thắng Điện Biên Phủ đã ghi dấu vàng chói lọi trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc, để lại những bài học vô giá cho chúng ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay, nhất là bài học về tinh thần chủ động tranh thủ thời cơ, vượt qua thách thức để đưa đất nước phát triển nhanh, mạnh theo định hướng xã hội chủ nghĩa như mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh và nguyện vọng của toàn dân tộc./. 

TS Phạm Hồng Hải

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN