Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Tinh tế nhịp trống đôi Chăm H’roi

Thứ Hai, 22/11/2021 10:42 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – “Múa trống đôi” - di sản văn hóa người Chăm H’roi ở các tỉnh Bình Định, Phú Yên, nghệ thuật song tấu trống này, kết hợp tài tình giữa âm nhạc và hình thể, nội dung múa biểu đạt tâm tư, tình cảm, khát vọng của người Chăm thông qua tiếng trống.

Trống đôi còn gọi là Chigưl, xuất hiện lâu đời trong đời sống người Chăm H’roi, huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định và ở một số địa phương thuộc tỉnh Phú Yên. Loại hình nghệ thuật này được người Chăm H’roi dùng phổ biến trong các lễ hội quan trọng của cộng đồng. Sự sáng tạo độc đáo của người Chăm H’roi khi diễn tấu trống bằng cách dùng bốn đầu ngón tay, bàn tay vê, vuốt, vỗ trên mặt trống, tạo ra các âm sắc và tiết tấu, mà không dùng dùi trống.

Hình thức song tấu này, kết hợp khéo léo giữa âm nhạc và hình thể, tạo nên không khí tràn đầy hứng khởi, cả nhạc cụ và người chơi toát lên sự phóng khoáng, ngẫu hứng. Nghệ nhân múa trống đôi phải là một cặp “ngang sức ngang tài” người tung, kẻ hứng, hiểu ý nhau mới giữ cho cuộc chơi trọn vẹn. Khi múa trống đôi đòi hỏi người diễn phải ăn ý, hiểu ý nhau và giữ được sự nhịp nhàng, uyển chuyển và tung hứng cho nhau. Thông qua âm thanh, nhịp điệu, tiết tấu của loại nhạc cụ này, người biểu diễn múa trống có thể diễn đạt tình cảm, trao đổi tâm tình, cảm nhận được nhớ nhung vui buồn hay trách móc.

 Múa trống đôi là cách hai người nói chuyện đối đáp, một người nêu câu hỏi và người cùng chơi đối đáp, tiếng trống thay cho lời, điệu múa nói lên cách ứng xử.

Thú vị nhất trong múa trống đôi là hình thức song tấu, tức đánh theo lối đối đáp. Khi ấy, cả nhạc cụ và người chơi sẽ cùng toát lên cái phóng khoáng, ngẫu hứng, độc đáo. Đồng điệu, thích nhau thì âm trống, điệu múa hòa quyện nghe rất êm tai. Còn không ưa nhau thì tiếng trống nghe đốp chát, tức giận, biểu hiện sự coi thường…

Trống Kơ-toang sử dụng múa là loại nhạc cụ có từ xa xưa, được làm bằng thân cây khoét rỗng, bịt da ngựa hoặc da bò. Múa trống kơ-toang diễn tấu theo cặp (gồm trống đực và trống cái). Âm thanh “trống đôi” hòa quyện với tiếng chiêng, tiếng cồng xướng tạo lên khúc biến tấu nhịp nhàng, pha trộn sự hào hùng, lãng mạn cuốn hút các thanh niên nam nữ hòa mình với những màn múa sôi động.

Các động tác múa trống đôi mô phỏng theo dáng đi, kiểu chạy nhảy của muông thú, hòa quyện với tiếng chiêng, tiếng cồng, tiếng trống lúc trầm, lúc bổng, khi nhịp nhàng, lúc lại dồn dập, sôi nổi, gửi tới các vị thần linh lời cầu an, cầu phúc, cầu sức khỏe cho cả buôn làng.  

Trong những lễ hội lớn của cộng đồng người Chăm có thời gian tổ chức dài, trống đôi có thể được diễn suốt ngày đêm, từng cặp thay phiên nhau diễn tấu, cặp này mệt cặp khác thay. Với những giá trị nghệ thuật dân gian độc đáo, cùng với nghệ thuật trình diễn cồng ba, chiêng năm, nghệ thuật trình diễn trống đôi đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào năm 2016.

Thanh Bình

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN